Người dân thôn 12 xã Lam Sơn (Ngọc Lặc) sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Hơn 5 năm trước, xã miền núi Ngọc Sơn được huyện Ngọc Lặc chọn làm điểm xây dựng mô hình hàng rào xanh gắn xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp theo tiêu chí NTM. Ven những con đường mới được Nhân dân hiến đất mở rộng và kiên cố là những hàng hoa, chè mạn được trồng và nhanh chóng phủ xanh, khoe sắc. Ngọc Sơn nhanh chóng trở thành điển hình của tỉnh trong tạo cảnh quan môi trường với những hàng chè mạn cắt tỉa gọn gàng, những tuyến đường hoa quanh năm đua nở. Rất nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh đã đến tham quan để học tập kinh nghiệm, đều trầm trồ khen ngợi.
Không gói gọn ở Ngọc Sơn, phong trào ấy, kết quả ấy nhanh chóng được lan tỏa ra tất cả các xã trong huyện những năm gần đây. Những ngày cuối năm 2024, thôn 12, xã Lam Sơn đang ráo riết hoàn thiện những tiêu chí cuối cùng cho mục tiêu về đích NTM kiểu mẫu. Ngoài các chỉ tiêu nổi trội như hệ thống hạ tầng công cộng, đời sống văn hóa tinh thần của người dân, thì diện mạo nông thôn nơi đây khá ấn tượng. Những hàng chè mạn uốn tỉa thẳng đều, rồi lượn sóng theo từng tuyến đường, từng con ngõ. Theo Bí thư Chi bộ thôn 12 Phạm Quang Hùng: “545 nhân khẩu của 141 hộ đồng bào Thái, Mường, Kinh ở đây có sự hợp sức đồng lòng rất cao. Phong trào vệ sinh đường làng ngõ xóm được triển khai hàng ngày, hàng tuần, thành phong trào chung không ai bảo ai. Làm NTM là làm đẹp thôn làng một cách thực chất, không chỉ cho thế hệ hiện tại mà cho cả con cháu sau này”.
Đi trên các tuyến đường của huyện những ngày này, ở đâu cũng thấy hàng rào dâm bụt và chè mạn. Từ những xã ven đường Hồ Chí Minh hay sát trung tâm huyện, đến vùng sâu vùng xa như Vân Am, Thạch Lập, Mỹ Tân..., không gian làng quê chẳng khác gì công viên, mô hình sinh thái là mấy. Từ ngõ nhà dân đến đường thôn ngõ bản, tất cả đều được bài trí sạch đẹp, hàng rào xanh nối nhau ngút ngàn. Thống kê từ UBND huyện Ngọc Lặc, nếu như thời điểm đầu năm 2024, toàn huyện có khoảng 500km đường hoa, hàng rào xanh, thì đến những ngày này, con số đó đã gần 800km.
Tháng 9 và 10/2024, Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh đã thành lập các đoàn công tác về nhiều địa phương khảo sát, nắm bắt mức độ hoàn thành từng tiêu chí của các huyện, các xã. Trên cơ sở phân tích những thuận lợi, khó khăn của từng nơi, lãnh đạo văn phòng đã đốc thúc, yêu cầu địa phương tăng tốc với hàng loạt xã và huyện có đủ các điều kiện đạt chuẩn. Hàng loạt hội nghị thẩm định xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đã được Hội đồng thẩm định đạt chuẩn NTM tỉnh tổ chức.
Đến nay, trừ thị xã Nghi Sơn, tất cả các huyện đồng bằng và trung du của tỉnh đều đã “phổ cập” xã đạt chuẩn NTM, hàng chục xã trong số đó tiếp tục phấn đấu để được công nhận xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Riêng khu vực miền núi, năm 2024 huyện Ngọc Lặc đã có thêm 3 xã, nâng 100% số xã đạt chuẩn NTM. Các huyện Thạch Thành, Cẩm Thủy đang hoàn thiện những tiêu chí cuối cùng, phấn đấu đạt chuẩn NTM vào đầu năm 2025.
Tổng hợp mới nhất từ Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh, đến đầu năm 2025 Thanh Hóa có 15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ XDNTM; 377/465 xã, 803 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; 2 huyện, 123 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 27 xã, 558 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 597 sản phẩm OCOP đã được công nhận, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 60 sản phẩm 4 sao, 536 sản phẩm 3 sao.
Theo Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh Cao Văn Cường: “NTM ở Thanh Hóa không chỉ phát triển hạ tầng mà còn tạo nên sự đoàn kết, tương thân tương ái, sẻ chia ở khắp mọi nơi. Qua phong trào, người dân, các địa phương và cả tỉnh đã và đang hình thành nên những vùng quê sáng - xanh - sạch - đẹp. Những vùng quê đạt chuẩn NTM trở thành nơi đáng sống của những người ở lại và nơi muốn trở về với những người đi xa”.
Bài và ảnh: Lê Đồng