Các chiến sĩ trên đảo Đá Tây chăm sóc vườn rau sau giờ thực hiện nhiệm vụ.
Chăm rau như chăm bản thân mình
Theo chiến sĩ Hồ Mậu Thiện, đảo Đá Tây chia sẻ: Đặc thù ở ngoài đảo chủ yếu là cát mặn nên những bao đất hay các thùng xốp được đem từ đất liền ra đảo thì chúng tôi đã tận dụng không gian để xếp các thùng xốp đất đó thành hàng hoặc làm thành luống và quây kín, che chắn gió để trồng rau. Nước ngọt khi sử dụng cũng tiết kiệm để tưới cho rau, cho cây ở trên đảo; việc chăm sóc rau được thực hiện thường xuyên trong các buổi sáng, buổi chiều hàng ngày, việc chăm rau như chăm chính bản thân mình, nên nhiều năm nay trên đảo đã chủ động được khá nhiều rau để phục vụ bữa ăn hàng ngày cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo.
Đảo Trường Sa được biết đến là quần đảo có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nắng nóng quanh năm và lượng mưa không đều. Điều này tạo ra một môi trường khô cằn và khắc nghiệt cho việc canh tác trên đảo. Đất ở các đảo thường nghèo dinh dưỡng, khó trồng cây nếu không có sự can thiệp và cải tạo của con người. Bên cạnh đó, nguồn nước ngọt lại rất hạn chế, chủ yếu phụ thuộc vào nước mưa hoặc nước ngọt vận chuyển từ đất liền. Chính vì thế, việc duy trì hệ thống trồng rau xanh trở thành một thách thức đối với cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên đảo.
Vườn rau thơm của một hộ dân trên đảo Trường Sa lớn.
Tuy vậy, vẫn mùa nào thức đấy. Mùa mưa, cán bộ, chiến sĩ tiến hành trồng các loại rau như: Mồng tơi, rau muống, mướp, bồ đất, lá lốt… Giáp Tết thì có cải ngọt, cải đắng, bầu, bí đỏ. Lúc nào những vườn rau trên các đảo của Trường Sa cũng được bảo đảm xanh tươi, vừa cung cấp rau xanh cho bữa ăn của cán bộ, chiến sĩ, vừa giúp cán bộ, chiến sĩ giải lao, thư thái sau những giờ làm nhiệm vụ. Nhìn vườn rau tươi tốt là vậy, nhưng để trồng rau trên đảo giữa bốn bề là biển khơi lại chẳng dễ dàng. Mùa mưa gió biển thổi ầm ào, sóng đánh cao đến 3 - 4m, có khi trùm qua cả vườn rau. Còn mùa khô, mọi người vừa chống gió mặn, chống nắng, vừa phải tiết kiệm nước tưới ngọt để tưới cho rau.
Rau xanh trong vườn ở đảo An Bang.
Lợi ích và giải pháp trồng rau ở đảo
Việc tự trồng rau trên đảo đã và đang là nguồn thực phẩm sạch và an toàn mang tính tự cung, tự cấp cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Trồng rau tại chỗ giúp quân và dân trên đảo giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn thực phẩm từ đất liền. Rau xanh do chính tay người dân và cán bộ, chiến sĩ trồng không chỉ sạch mà còn bảo đảm chất lượng, an toàn cho sức khỏe. Trong 03 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm đảo Trường Sa trồng và thu hoạch được từ 15.000 đến 20.000kg rau xanh các loại. Quy thành tiền khoảng 500 triệu đồng mỗi năm.
Nhiều loại rau được cán bộ, chiến sĩ trên đảo Đá Tây A trồng và chăm sóc thường xuyên nên sinh trưởng và phát triển tốt.
Việc tự sản xuất rau xanh còn giúp giảm chi phí vận chuyển từ đất liền, đồng thời giảm bớt áp lực về nguồn cung thực phẩm từ bên ngoài. Điều này cũng giúp đảo Trường Sa chủ động hơn trong việc đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho cán bộ, chiến sĩ và cư dân. Những vườn rau xanh trên đảo không chỉ giúp cải thiện bữa ăn hàng ngày mà còn tạo không gian xanh, góp phần nâng cao tinh thần, tạo sự gắn kết cộng đồng và giúp mọi người giảm bớt căng thẳng sau những ngày thực hiện nhiệm vụ.
Mướp và rau xanh trên đảo Đá Tây C.
Trước những khó khăn do thời tiết ở biển, quân và dân Trường Sa đã tìm ra những giải pháp sáng tạo để trồng rau xanh, đảm bảo đủ lượng thực phẩm thiết yếu cho cuộc sống. Một trong những phương pháp hiệu quả và được áp dụng trên đảo Trường Sa là trồng rau trong nhà kính kết hợp với công nghệ thủy canh. Thủy canh là phương pháp trồng cây không cần đất mà sử dụng dung dịch dinh dưỡng cung cấp trực tiếp cho cây. Kỹ thuật này giúp cây trồng phát triển trong môi trường kiểm soát, không bị ảnh hưởng bởi điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Nhà kính giúp bảo vệ cây trồng khỏi nắng gắt và gió mạnh, đồng thời giữ được độ ẩm cần thiết.
Rau bí đỏ trên đảo Đá Tây C sinh trưởng và phát triển tốt.
Với nguồn nước ngọt hạn chế, quân và dân Trường Sa đã áp dụng các hệ thống tưới tiết kiệm như tưới nhỏ giọt để tối ưu hóa lượng nước sử dụng. Các hệ thống này giúp duy trì độ ẩm cho đất mà không lãng phí nước, một yếu tố quan trọng trong điều kiện khô hạn của đảo. Ngoài công nghệ thủy canh, việc cải tạo đất bằng cách sử dụng phân hữu cơ, bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho đất cũng giúp tăng khả năng trồng rau trên các đảo. Các loại rau được trồng theo mùa, phù hợp với điều kiện thời tiết, giúp đảm bảo nguồn thực phẩm liên tục trong suốt cả năm./.
Đình Văn
Nguồn Bắc Kạn : https://baobackan.vn/nhung-vuon-rau-xanh-muot-o-truong-sa-post69356.html