Trích tham luận tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình lần thứ IV, năm 2024

Trích tham luận tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình lần thứ IV, năm 2024
7 giờ trướcBài gốc
Chiều 14/11, ngày làm việc thứ nhất Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Hòa Bình lần thứ IV, năm 2024 đã diễn ra tại Cung Văn hóa tỉnh. Các đại biểu đã gửi tới Đại hội nhiều ý kiến tâm huyết nhằm hiến kế góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Báo Hòa Bình lược ghi các ý kiến.
HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐIỀU HÀNH, CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN, CHÍNH SÁCH DÂN TỘC TẠI HUYỆN KIM BÔI
Bùi Thị Mai Lan
Phó Chủ tịch HĐND huyện Kim Bôi
Kim Bôi là huyện nằm phía Đông Nam của tỉnh Hòa Bình, cách thành phố Hòa Bình gần 36 km. Tổng diện tích tự nhiên 55.128,39 ha, dân số toàn huyện 123.356 người, DTTS khoảng 112.725 người, có nhiều dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc Mường chiếm 83%, dân tộc Kinh chiếm 14%, các dân tộc khác chiếm 3%. Huyện có 16 xã, 1 thị trấn, với 158 thôn, xóm, khu phố; có 7 xã khu vực III, 6 xã khu vực II, 3 xã và 1 thị trấn khu vực I; 21 thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II, khu vực I.
Các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trong vùng đồng bào DTTS luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả. Kinh tế vùng đồng bào DTTS tăng trưởng khá; sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển theo hướng bền vững, đặc biệt là tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn có nhiều thay đổi và tiến bộ rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giai đoạn 2019 - 2020 giảm từ 14,5% (năm 2019) xuống còn 6,2% (năm 2020); giai đoạn 2021 - 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ 21,03% (năm 2021) xuống còn 12,28% (năm 2023).
Đạt được kết quả như trên, UBND huyện xây dựng đề án, kế hoạch để có đủ điều kiện và đảm bảo nguồn lực cho việc triển khai thực hiện. Các tổ chức chính trị - xã hội phải là hạt nhân để tuyên truyền, vận động, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân và quán triệt sâu sắc quan điểm công tác dân tộc của Đảng là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về công tác dân tộc, liên tục đưa các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đến đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa. Tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc đảm bảo hiệu quả, bền vững, giải quyết kịp thời nhu cầu thiết yếu, chăm lo đời sống, phát huy sự năng động, sáng tạo, ý thức tự lực và tự cường của đồng bào DTTS.
Huyện luôn quan tâm xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, tạo môi trường ổn định phát triển kinh tế, xã hội. Coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS; quan tâm thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, kiểm tra, đánh giá đối với đội ngũ cán bộ người DTTS đảm bảo chất lượng, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chung và công tác dân tộc nói riêng.
KHƠI DẬY TIỀM NĂNG, THẾ MẠNH CỦA VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ ĐỂ SẢN XUẤT HÀNG HÓA THEO CHUỖI GIÁ TRỊ
Sùng A Vàng
Phó Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò
(Đại biểu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Hòa Bình là tỉnh miền núi với diện tích trên 4.600 km2. Là địa phương có điều kiện tự nhiên phong phú, có nhiều vùng sinh thái đặc hữu, với dân số gần 900.000 người (sinh sống trong khu vực nông thôn hơn 650.000 người), có trên 74% số nhân khẩu thuộc các DTTS, phân bố trên địa bàn của 129 xã với nhiều kinh nghiệm sản xuất nông, lâm nghiệp quý báu. Do vậy, việc phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng đồng bào DTTS của tỉnh để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị là nhiệm vụ được ngành NN&PTNT coi là hàng đầu trong giai đoạn vừa qua.
Để phát triển hiệu quả kinh tế chuỗi giá trị trong nông nghiệp nói chung, chuỗi giá trị ở khu vực miền núi, đồng bào DTTS nói riêng cần thực hiện đồng bộ các mục tiêu, giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn. Trong đó tập trung các giải pháp: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phối hợp các địa phương, đơn vị chức năng hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã, chủ thể sản xuất, kinh doanh về cơ chế, chính sách, quy định và lợi ích của chuỗi liên kết sản xuất. Xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa nông, lâm sản của tỉnh nói chung, các nông sản chủ lực nói riêng. Tích cực thúc đẩy đưa một số sản phẩm chủ lực của tỉnh vào Chương trình xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam, gắn với chuỗi giá trị trong nước và hướng tới xuất khẩu. Đưa chương trình OCOP của tỉnh phát triển về chiều sâu để nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng giá trị gia tăng và tính cạnh tranh của sản phẩm.
Hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác để tạo tiền đề cho việc sản xuất hàng hóa tập trung; làm nòng cốt để duy trì và phát triển mới các chuỗi liên kết sản xuất, tạo thị trường ổn định cho đầu ra của sản phẩm. Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp gắn với phát triển du lịch cộng đồng; du lịch nông nghiệp; du lịch nông thôn để nâng cao thu nhập cho cư dân sinh sống trong khu vực dân tộc - miền núi của tỉnh. Đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học, kỹ thuật; đào tạo kỹ năng, tay nghề cho người sản xuất, đội ngũ cán bộ quản lý ở cơ sở đảm bảo đủ năng lực để đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn trong giai đoạn mới.
PHÁT HUY TINH THẦN ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
Đặng Thị Lan
Bí thư Chi bộ xóm Tân Phúc, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy
Huyện Yên Thủy là một huyện cách xa trung tâm thành phố Hòa Bình khoảng 80 km, có nhiều dân tộc cùng sinh sống như dân tộc Kinh, Mường, Thái, Dao, Tày… nhưng dân tộc Mường chiếm tỷ lệ đa số. Bản thân tôi là người dân tộc Dao và là Bí thư Chi bộ xóm Tân Phúc, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy. Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc, các ngành, đoàn thể trong công tác vận động, tuyên truyền phát huy sức mạnh đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư trên địa bàn xã đã đạt được nhiều kết quả cao. Đặc biệt những năm trước đây, Bảo Hiệu là xã vùng 135 có điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng với sự chỉ đạo của Đảng ủy, sự điều hành của chính quyền địa phương, đến nay đời sống của Nhân dân có nhiều đổi mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư cơ bản. Thu nhập bình quân đầu người của xã tăng; tỷ lệ hộ nghèo giảm. Đến cuối năm 2022, xã đã phấn đấu đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Để đạt được những kết quả trên, là Bí thư Chi bộ, tôi luôn xác định tiếp tục nghiên cứu, học tập, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc; về vị trí, tầm quan trọng của phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên; đổi mới và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, giáo dục về truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc cho cán bộ, đảng viên, hội viên và Nhân dân.
Bản thân tôi cũng luôn tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng làm cơ sở vững chắc để xây dựng đoàn kết trong hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thường xuyên đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đáp ứng yêu cầu tình hình mới; giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng trong giữ gìn và phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiếp tục hoàn thiện và cụ thể hóa cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ" gắn với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".
Nguồn Hòa Bình : http://www.baohoabinh.com.vn/11/195505/trich-tham-luan-tai-dai-hoi-dai-bieu-cac-dan-toc-thieu-so-tinh-hoa-binh-lan-thu-iv,-nam-2024.htm