Giáo hoàng qua đời tại Vantican ở Rome - Ý, hưởng thọ 88 tuổi. Vị Giáo hoàng người Nam Mỹ đầu tiên trong lịch sử đã có 12 năm lãnh đạo Giáo hội Công giáo – một trong những tổ chức tôn giáo lâu đời và lớn nhất thế giới với khoảng 1,39 tỉ tín đồ.
Thông báo chính thức từ Vatican tối 21-4 (giờ địa phương) cho hay Giáo hoàng Francis qua đời vì đột quỵ não dẫn đến hôn mê và suy tim không thể hồi phục.
Giáo hoàng Francis tham dự buổi cầu nguyện cho hòa bình tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả ở Rome - Ý vào tháng 10-2024. Ảnh: AP
Giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo La Mã qua đời sẽ mở ra nhiều nghi thức truyền thống, bao gồm: Tổ chức tang lễ, chứng nhận Giáo hoàng qua đời, niêm phong nơi ở của ông bằng ruy băng đỏ và dùng kéo cắt chiếc nhẫn Giáo hoàng.
Hồng y nhiếp chính Kevin Farrell (người Ireland) sẽ tạm thời phụ trách các mặt hoạt động của Vantican trước khi mật nghị Hồng y chọn ra được người mới kế nhiệm Giáo hoàng Francis.
Nghi lễ chứng tử
Ngay sau thông báo chính thức, các quan chức Vatican bắt đầu tiến trình xác nhận cái chết của Giáo hoàng Francis.
Hồng y nhiếp chính Kevin Farrell xác nhận Giáo hoàng ra đi bằng cách gọi to tên rửa tội của ông ba lần. Nếu không có phản hồi, Hồng y sẽ tuyên bố Giáo hoàng đã qua đời. Theo truyền thống, Hồng y nhiếp chính sẽ gõ nhẹ vào trán Giáo hoàng bằng một chiếc búa bạc nhỏ.
Vatican cấm khám nghiệm tử thi đối với các giáo hoàng để tránh thi thể ông bị đụng chạm nhiều. Quy định cũng cấm quay phim, chụp ảnh giáo hoàng khi đang nằm trên giường bệnh hoặc sau khi qua đời.
Nếu giáo hoàng quá cố đã lập di chúc và chỉ định người thi hành di chúc, người này sẽ chỉ báo cáo về các hoạt động của mình cho giáo hoàng mới.
Giáo hoàng Francis từ trần ở tuổi 88 - Thực hiện: Quốc Thắng - Mỹ Uyên
Niêm phong căn hộ của Giáo hoàng
Sau khi xác nhận Giáo hoàng qua đời, Hồng y nhiếp chính sẽ chịu trách nhiệm niêm phong các cửa căn hộ của Giáo hoàng Francis bằng ruy băng đỏ.
Nghi thức này có từ thời cổ đại và sẽ kéo dài trong khoảng thời gian từ khi Giáo hoàng qua đời và Giáo hoàng mới được chọn.
Khi giáo hoàng tiếp theo được bầu, các dải ruy băng sẽ được tháo bỏ và căn hộ ở Vatican sẽ được mở niêm phong.
Cắt nhẫn, hủy con dấu của Giáo hoàng
Hồng y nhiếp chính sẽ cắt "Chiếc nhẫn ngư phủ" của giáo hoàng bằng một chiếc kéo trước sự chứng kiến của các hồng y khác.
Theo truyền thống, kể từ thời Trung cổ, các tín đồ gặp giáo hoàng sẽ thể hiện lòng sùng kính của mình bằng cách hôn chiếc nhẫn này.
Việc cắt nhẫn cũng tượng trưng cho sự kết thúc quyền lực và nhiệm kỳ của cố giáo hoàng. Mỗi chiếc nhẫn đều có đặc điểm riêng của mỗi giáo hoàng và được chôn cùng với ngài.
Con dấu chì của Giáo hoàng cũng bị phá vỡ để đảm bảo rằng không ai khác có thể sử dụng.
Căn hộ của Giáo hoàng được niêm phong bằng ruy-băng đỏ. Ảnh cắt từ clip của Vatican News
Thông báo cho thế giới
Sau khi xác định chính thức về nguyên nhân sự ra đi của Giáo hoàng, Vatican bắt đầu chia sẻ tin tức trên toàn cầu.
Sự ra đi của Giáo hoàng cũng được thông báo cho một số cá nhân, bao gồm: Hồng y đại diện cho Giáo phận Rome, người đứng đầu Hội đồng Hồng y (người này sau đó sẽ thông báo tin tức với các thành viên khác), các sứ thần của Tòa thánh và các nguyên thủ quốc gia.
Để đánh dấu sự ra đi của một vị giáo hoàng, chuông của Vương cung thánh đường Thánh Peter sẽ đổ và cờ Vatican sẽ được treo rủ.
Thi hài của vị giáo hoàng quá cố sau đó được đặt trong Cung điện Tông đồ để các thành viên của Giáo triều thương tiếc, trước khi được chuyển đến Vương cung thánh đường Thánh Peter để những người hành hương có thể đến viếng lần cuối.
Niêm phong căn hộ Giáo hoàng bằng ruy-băng đỏ sau khi ông qua đời ngày 21-4. Nguồn: Vatican News