VN-Index có phiên dao động rất mạnh hôm nay.
VN-Index đạt đỉnh cao nhất lúc 1h23, tăng 17,6 điểm. Như vậy biên độ dao động tối đa của chỉ số trong ngày hôm nay lên tới 24,7 điểm tương đương 2,07%. Đây là mức dao động trong một phiên mạnh nhất kể từ giữa tháng 8/2024, phản ánh sự giằng co rất căng thẳng giữa bên mua và bên bán.
Ban đầu VN-Index giảm thủng mức tâm lý 1200 điểm, thúc đẩy hoạt động bán tháo trong thời gian ngắn. Tuy nhiên sau đó dòng tiền vào bắt đáy kéo hồi lên và nửa đầu phiên chiều tăng cực kỳ hưng phấn. Tuy nhiên lượng hàng ngắn hạn đã cản trở đà tăng này, VN-Index từ từ trượt dần xuống co hẹp mức tăng cuối phiên còn 0,95% tương đương 11,39 điểm.
Điểm nhấn chiều nay là thanh khoản sàn HoSE thậm chí giảm 1,6% so với phiên sáng, đạt gần 7.537 tỷ đồng. Rõ ràng là lực cầu đẩy giá lên đã không còn hưng phấn như buổi sáng mà chững lại. Các lệnh mua bắt đầu trở nên thụ động trong khi bên bán vào lệnh dứt khoát hơn. Áp lực đè lên giá gia tăng và khiến nhiều cổ phiếu co hẹp biên độ tăng và không còn giữ được mức cao nhất.
Dù vậy độ rộng rất tốt là một bằng chứng rõ ràng về sức ép từ phía bán cũng không hạ giá nhiều. Tại đỉnh chỉ số, sàn HoSE ghi nhận 264 mã tăng/121 mã giảm và chốt phiên là 250 mã tăng/148 mã giảm. Như vậy số lượng cổ phiếu bị ép thủng tham chiếu là rất ít. Thanh khoản không tăng trong phiên chiều ở tình huống như vậy cũng thể hiện bên bán chưa xả lớn hơn, vì lúc nào cũng có lệnh mua treo chờ đợi.
Diễn biến hạ độ cao này thực ra chỉ là so với đỉnh khỏe nhất của thị trường, còn so với phiên sáng giao dịch vẫn tích cực hơn nhiều. VN-Index chốt phiên sáng tăng 9,62 điểm và đóng cửa là +11,39 điểm. VN30-Index buổi sáng tăng 0,71%, đóng cửa là +1%. Các chỉ số bị ảnh hưởng khá nhiều từ biến động suy yếu của các mã trụ. BID là ví dụ, cổ phiếu vốn hóa lớn thứ hai thị trường này đạt đỉnh lúc 1h50, tăng 2,8% nhưng đóng cửa chỉ còn tăng 0,9%, tương đương tụt giá 1,85% trong nửa sau của phiên. VCB cũng vậy, đạt đỉnh lúc 1h40 và trả lại 1% so với đỉnh, còn tăng 0,33% so với tham chiếu. HPG trả lại 1,54%, còn tăng 0,59% so với tham chiếu. GAS đạt đỉnh lúc 1h50 vượt nhẹ tham chiếu nhưng cuối phiên cũng vẫn giảm 0,44%... Nhóm trụ còn giữ được giá cao nhất tới lúc đóng cửa là CTG tăng 1,95%, FPT tăng 1,85%, VHM tăng 2,61%, TCB tăng 2,01%.
Sắc xanh vẫn duy trì trên diện rộng.
Mặc dù đà tăng suy yếu và cổ phiếu cũng không nhiều mã giữ được sức mạnh tối đa trong phiên, nhưng tổng thể thị trường vẫn có một phiên tăng tích cực. Độ rộng khả quan với 250 mã tăng/148 mã giảm, trong đó 134 cổ phiếu tăng hơn 1% lúc đóng cửa, còn nhiều hơn buổi sáng (122 mã). Nhóm này chiếm xấp xỉ 65% tổng thanh khoản khớp lệnh sàn HoSE. Hàng chục mã giao dịch cực kỳ sôi động, khớp hàng trăm tỷ đồng mỗi mã. VHM và FPT đạt tới 1.220 tỷ và 1.092 tỷ đồng. Nhiều mã rất ấn tượng như DXG, NVL, DIG, BAF, PDR, HAH, TCH, HDG… tăng giá cực mạnh.
Nhóm giảm giá phần lớn chỉ điều chỉnh nhẹ hoặc thanh khoản rất kém. Trong 148 mã đỏ, có 53 mã giảm hơn 1% thì chỉ 5 mã đáng kể về thanh khoản là MWG giảm 1,22% khớp 557,9 tỷ; VTP giảm 4,96% với 344,6 tỷ; VSC giảm 2,18% với 106,2 tỷ; EVF giảm 1,46% với 72 tỷ; SBT giảm 1,25% với 18,3 tỷ.
Nhà đầu tư nước ngoài chiều nay cũng có đóng góp đáng kể vào lực cầu khi giải ngân mới 1229,4 tỷ đồng, tăng gấp đôi phiên sáng. Phía bán cũng khá mạnh với 1.420 tỷ đồng, tương ứng mức bán ròng 190,7 tỷ. Con số này nhỏ hơn nhiều mức -1.018 tỷ đồng buổi sáng.
Hầu hết các cổ phiếu bị bán mạnh hôm nay là có từ sáng, như VHM, FPT, MSB, HPG, SSI, HDB. Bên mua xuất hiện thêm CTG +67,9 tỷ, DIG +48 tỷ, MWG +39,1 tỷ, NVL +22,5 tỷ, HAH +22,1 tỷ.
Mặc dù có suy yếu một chút về cuối phiên nhưng khả năng giữ giá tăng vẫn cho thấy bên bán không thực sự chiếm ưu thế và phiên xả chiều qua có thể chỉ mang tính thời điểm. Mặt khác, vùng 1200 điểm của VN-Index vẫn đang có tín hiệu xuất hiện của dòng tiền khá rõ.
Kim Phong