Quang cảnh khai mạc Phiên họp thứ 44.
Sáng qua (14/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc Phiên họp thứ 44 chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, được đánh giá có khối lượng công việc lập pháp lớn nhất từ trước đến nay. Theo chương trình, phiên họp kéo dài khoảng hai tuần, sẽ cho ý kiến, xem xét, quyết định 42 nhóm nội dung, đặc biệt UBTVQH sẽ cho ý kiến về hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013.
Phiên họp còn xem xét nhiều nội dung dự phòng liên quan việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, sáp nhập các đơn vị hành chính (ĐVHC) và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. UBTVQH cũng sẽ hoàn thành việc thông qua các nghị quyết về tổ chức lại ĐVHC cấp xã, đồng thời cho ý kiến để trình Quốc hội thông qua nghị quyết sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh.
Có thể nói, từ Trung ương đến Bộ, ngành, địa phương, tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng” trong thực hiện công việc đang được thực hiện quyết liệt, nhằm đáp ứng yêu cầu bộ máy nhà nước vận hành thông suốt, trơn tru. Minh chứng là mới đây, Bộ GD&ĐT vừa ban hành Công văn 1581/BGDĐT-GDPT gửi UBND các tỉnh, thành hướng dẫn việc bảo đảm duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục công lập trong bối cảnh tổ chức lại bộ máy hành chính theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương rà soát, xác định những nội dung đang thuộc quản lý của cấp huyện để chuyển về cấp tỉnh và xã. Việc chuyển giao theo nguyên tắc cấp tiếp nhận phải đủ cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực để duy trì hoạt động, phát triển giáo dục; phân biệt rõ nhiệm vụ chuyên môn và nhiệm vụ hành chính. Các tỉnh, thành giữ nguyên trạng trường học, chuyển giao cho chính quyền cấp xã quản lý bậc mầm non, tiểu học, THCS, thay vì huyện như hiện nay.
Công tác tuyển dụng, sắp xếp, điều động giáo viên sẽ do Sở GD&ĐT (cấp tỉnh) thực hiện, nhằm khắc phục tình trạng thừa, thiếu nhân lực cục bộ. Trong quá trình chuyển giao, Bộ đề nghị địa phương không để xảy ra khoảng trống, chồng chéo hoặc phân tán quản lý, nhất là các lĩnh vực then chốt như chuyên môn, nội dung chương trình, quản lý giáo viên, tài chính, cơ sở vật chất trường học... Tất cả nhằm duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của các trường công lập khi thực hiện chính quyền địa phương hai cấp (tỉnh và xã).
Chỉ đưa ra hai dữ kiện nêu trên về hoạt động của UBTVQH và Bộ GD&ĐT, đã cho thấy cơ quan chức năng đã tính toán đầy đủ các phương án khi thực hiện việc tinh gọn cơ quan nhà nước, tổ chức lại bộ máy hành chính; xóa tan những băn khoăn của hàng chục triệu gia đình, phụ huynh, học sinh cả nước rằng tới đây con em mình sẽ học tập ra sao, trường lớp có thay đổi gì không. Niềm tin của người dân vào các chủ trương, đường lối, chính sách càng được củng cố; càng thêm kỳ vọng nhất định “cuộc cách mạng” tinh gọn sẽ sớm gặt hái được những thành công rực rỡ, đưa đất nước ngày càng phát triển, bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Huỳnh Ngọc Hiếu