Niềm tự hào của một cựu chiến binh kiều bào

Niềm tự hào của một cựu chiến binh kiều bào
6 giờ trướcBài gốc
Nhà báo Huy Thắng chụp ảnh lưu niệm với các hiện vật chiến tranh. (Ảnh NVCC)
Không chỉ đại diện cho báo chí kiều bào tại Đức tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vừa qua, ông Huy Thắng còn trở về với tư cách người lính từng trực tiếp góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc.
Vinh dự và kiêu hãnh
Với giọng nói hào sảng, nhà báo Nguyễn Huy Thắng, 73 tuổi, say sưa kể lại những ký ức hào hùng mà đau thương của thời chiến. Được đại diện cộng đồng báo chí tại Đức tham dự Đại lễ 30/4 cùng đoàn báo chí quốc tế, với ông, không chỉ là vinh dự cá nhân mà còn là dấu ấn thiêng liêng của người lính trở về đúng ngày chiến thắng.
Ông tự hào vì Việt Nam, một dân tộc nhỏ bé đã giành độc lập và thống nhất đất nước bằng chính ý chí, máu xương và tình yêu quê hương sâu sắc. Ông kiêu hãnh vì từng là một phần máu thịt trong trang sử oanh liệt ấy - một chiến sĩ thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn pháo binh 107, đơn vị chủ lực của quân Giải phóng tỉnh Quảng Ngãi.
Trong suốt những năm tháng chiến đấu ác liệt, Tiểu đoàn 107 của ông là lực lượng nòng cốt trong chiến dịch giải phóng thị xã Quảng Ngãi vào sáng ngày 24/3/1975, mở màn cho khí thế thần tốc tiến về Sài Gòn.
Tiểu đoàn 107 đã tham gia tổng cộng 935 trận đánh lớn nhỏ, lập nên nhiều chiến công vang dội, bao gồm bắn cháy 96 máy bay (trong đó có 91 trực thăng, 5 máy bay phản lực), bắn hạ 67 xe tăng và xe bọc thép, phá hủy 172 khẩu pháo và tiêu diệt gần 2.800 lính địch.
Tuổi trẻ của ông đã được sống trọn với lý tưởng lớn, được góp sức cho ngày non sông liền một dải. Chuyến trở về lần này, ông như được sống lại tuổi hai mươi, khi được đứng giữa Dinh Độc Lập, đến Di tích lịch sử chiến khu rừng Sác, huyện Cần Giờ, đảo Khỉ...
Đặc biệt, khi trở lại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, ông không khỏi bồi hồi xúc động khi nhìn lại những chiếc máy bay, xe tăng từng săn đuổi, nã pháo vào mình và đồng đội ngày xưa. Ông cũng tự hào khi nhìn thấy chiếc xe tăng M41 - là một trong những chiếc xe tăng mà ông và đồng đội của mình đã bắn cháy và hạ gục.
Ngày để nhớ và biết ơn
Ông Huy Thắng xúc động nhớ lại khoảnh khắc nghe tin miền Nam được giải phóng khi đang ở Quảng Ngãi: “Chúng tôi ôm nhau khóc: Sống rồi, hòa bình rồi, được về quê rồi!”.
Hơn nửa thế kỷ sau chiến tranh, đất nước hồi sinh nhưng nỗi đau vẫn in hằn trên thân thể và tâm hồn người lính già – ông mang 61% thương tật, là nạn nhân chất độc da cam, nhiều đồng đội đã mãi mãi nằm lại chiến trường...
Điều day dứt nhất với ông là cái chết của liệt sĩ Trương Thanh Lâm trong trận Vạn Tường. Đồng đội phải an táng anh trong một công sự Mỹ chật hẹp, thi thể phải bó lại trong tư thế ngồi. Mang nỗi đau ấy, ông đã 15 lần trở lại chiến trường xưa với mong muốn tìm lại và cải táng hài cốt đồng đội. Đến nay, ước nguyện ấy vẫn chưa thành hiện thực.
Hay như trận đánh ở Dốc Phú cũng là ký ức mà ông mang theo suốt đời. Không chỉ vì sự khốc liệt, mà vì một đồng đội đã ngã xuống...
Hôm đó, Trịnh Mệnh, Chính trị viên trưởng Đại đội 2 của ông, bị gãy đùi. Không có bác sĩ, không có thuốc tê, ông đã dùng con dao găm cùn khoét hầm để mổ cho anh.
Ông bồi hồi: “Tôi cầm dao, cứa vào mà không đứt, chỉ thấy thịt lõm xuống, máu bắt đầu ứa ra. Anh nghiến răng nói: “Chọc mạnh vào, cho máu chảy ra”. Tôi bật khóc: “Em không làm được…”. Anh quát lên: “Mày không làm được là anh chết!”.
Tôi vẫn không đủ can đảm để làm, nhưng may thay, đúng lúc đó, một tổ trinh sát đến hỗ trợ. Tôi vội chạy đi bẻ cành tre, nẹp tạm chân cho anh rồi chiến đấu tiếp. Đêm hôm đó, anh được đưa vào trạm phẫu thuật dã chiến. Tôi thở phào, tưởng đâu anh đã qua cơn nguy kịch. Nhưng sáng hôm sau, trên đường cáng anh ra tuyến trên, đoàn cáng trúng pháo. Anh bị hất văng xuống đất, vết thương vỡ toác, máu chảy không ngừng. Khi quay trở lại trạm phẫu, máu đã cạn. Anh hy sinh”.
Sau khi hòa bình lập lại, ông Huy Thắng mất đến tám năm để tìm kiếm ngôi mộ của liệt sĩ Trịnh Mệnh. Ông lặn lội đi từng nhà, dò hỏi từng nhân chứng, lần theo những sơ đồ cũ đã bị xáo trộn theo thời gian, cho đến khi tìm đúng vị trí, dựng bia, khắc tên.
Rồi trường hợp của một một nữ y tá tên Thùy, người lao ra trận tuyến để đưa thương binh về tuyến sau, bị trúng mảnh đạn pháo bay mất bên ngực trái và hy sinh khiến ông ám ảnh không nguôi.
Cho đến mãi sau này khi tìm được mộ của nữ y tá, chỉ thấy trên nấm mồ xanh một khoảng đất khuyết, nơi không có cỏ mọc lên. “Có lẽ lúc an táng, tôi không dám cầm mảnh ngực bị pháo bắn để đắp lên cho em ấy”, ông chia sẻ trong tiếc nuối, đong đầy nỗi đau của một người lính.
Ban thờ tại nhà ông Huy Thắng tại Đức. (Ảnh NVCC)
Gìn giữ ký ức suốt đời
Một trong những ký ức xúc động nhất đời nhà báo Huy Thắng là câu chuyện về má nuôi Nguyễn Thị Thùy ở thôn An Kỳ, xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Bà là người đã cưu mang, giấu ông khi ông bị thương nặng sau một trận đánh.
Ông kể: “Năm 1972, Đại đội tôi tiến đánh vào đồn Hải Thuyền, tôi đã bị ba viên đạn bắn vào đùi và phải nằm lại trên bãi cát ở thôn Bình để đêm hôm sau vượt sông sang Tịnh Kỳ, Quảng Ngãi. Bị thương ở đùi, bơi đi bơi lại hai lần tôi không thể sang bờ bên kia được. Đúng lúc ấy, một bà má xuất hiện nói với đồng đội của tôi: “Các ông cứ đi đi, để nó lại tôi lo. Nó bị thương rồi không bơi được đâu. Nếu tôi còn sống thì nó còn sống, tôi nuôi nó khỏe, tôi trả về đơn vị”.
Rồi má đưa tôi về nhà nuôi giấu. Trong 22 ngày ở nhà bà, có năm lần địch ập vào bắt nhưng may mắn bà đưa tôi xuống hầm bí mật trong nhà và thoát chết. Sau đó, đơn vị đã trở lại đón tôi về tiếp tục chiến đấu. Khi tôi bị thương lần nữa, má biết, bà gửi cho tôi ba cân đường và một hộp sữa”.
Hòa bình lập lại, ông cũng tìm được người mẹ nuôi ấy. Một cuộc hội ngộ trong nước mắt, nước mắt của lòng biết ơn, của những năm tháng xa cách nghẹn ngào.
Trong căn nhà nhỏ của nhà báo Huy Thắng tại Đức, ban thờ luôn ấm lửa hương mỗi dịp lễ, Tết, kỷ niệm. Trên đó là bảy di ảnh – bảy người thân yêu từng vào sinh ra tử cùng ông. Đó là liệt sĩ Nguyễn Văn Giáp, Đồng Văn Minh, Trương Thanh Lâm, Phạm Văn Trinh, má nuôi Nguyễn Thị Thùy, Đặng Trần Thanh và Trịnh Mệnh. Đồng đội, má nuôi, ân nhân... mà ông nguyện gìn giữ ký ức suốt đời.
Cuộc đời và sự hy sinh của họ là bản anh hùng ca lặng thầm, luôn sống trong ông – người lính cũ chưa bao giờ rời chiến trường ký ức.
AN NHIÊN
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/niem-tu-hao-cua-mot-cuu-chien-binh-kieu-bao-313667.html