Niềm tự hào của quê hương

Niềm tự hào của quê hương
7 giờ trướcBài gốc
Cống hiến cả cuộc đời cho cách mạng
Đồng chí Trần Văn An sinh ngày 4/5/1925 tại thôn Kỳ Thọ, xã Hành Đức, trong gia đình có truyền thống yêu nước, ở làng quê giàu truyền thống cách mạng. Chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, đồng chí đã sớm hun đúc ý chí, hình thành tư tưởng giác ngộ cách mạng. Đặc biệt là tiếp thu tinh thần yêu nước của các bậc tiền bối đi trước, đồng chí đã sớm giác ngộ và tham gia cách mạng, trở thành một trong những người đi đầu của phong trào tại địa phương.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi ra mắt tháng 4/1950. Ảnh: GIA ĐÌNH CUNG CẤP
Tháng 11/1945, đồng chí Trần Văn An được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam; tháng 4/1946, đồng chí được bầu làm Bí thư Chi bộ. Đây là chi bộ Đảng đầu tiên của xã Hành Đức. Từ tháng 12/1946 - 8/1947, đồng chí tham gia Ban Thường vụ Huyện ủy Nghĩa Hành, đảm nhiệm chức vụ Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Nghĩa Hành (tháng 2/1947). Trong thời gian này, cùng với Đảng bộ huyện, đồng chí đã lãnh đạo xây dựng chính quyền cách mạng, lực lượng vũ trang, lao động sản xuất, tích cực đóng góp nhân tài, vật lực cho kháng chiến.
Đồng chí Trần Văn An. Ảnh: GIA ĐÌNH CUNG CẤP
Từ tháng 8/1947 - 11/1951, đồng chí Trần Văn An được giao các chức vụ quan trọng. Cụ thể là: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Trưởng ban Tuyên huấn tỉnh; Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Từ tháng 9/1949 - 12/1950, đồng chí được giao Quyền Bí thư, rồi Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Thời gian này, đồng chí Trần Văn An cùng với Đảng bộ tỉnh lãnh đạo, động viên cán bộ, đảng viên xung phong đi công tác ở vùng bị địch chiếm. Từ tháng 1/1951 - 11/1951, đồng chí được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Bình Định. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đồng chí đã cùng đảng bộ các địa phương lãnh đạo phong trào cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang, tổ chức kháng chiến, đóng góp quan trọng vào thắng lợi chung của dân tộc.
Đồng chí Trần Văn An đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huy chương Vì sự nghiệp khí tượng thủy văn; Huy chương Vì sự nghiệp tư tưởng văn hóa của Đảng; Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều huy chương, kỷ niệm chương khác.
Giai đoạn 1951 - 1964, đồng chí Trần Văn An là Hiệu phó Trường Đảng Liên khu 5, Phó Văn phòng, Bí thư Đảng ủy Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội; Thành ủy viên Hà Nội, kiêm Phó ban Tuyên giáo, Bí thư Đảng ủy các cơ sở cơ quan Dân Y; Hiệu phó Trường Đại học Y Dược Hà Nội... Từ tháng 2/1964 - 5/1976, đồng chí được Hội đồng Chính phủ bổ nhiệm Phó Giám đốc Nha Khí tượng, Bí thư Đảng đoàn Nha Khí tượng. Tháng 6/1976, đồng chí được bổ nhiệm làm Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (trực thuộc Chính phủ), Bí thư Ban cán sự Đảng của ngành và giữ chức vụ này đến tháng 2/1992.
Trong hơn 15 năm giữ cương vị Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, đồng chí Trần Văn An đã có nhiều đóng góp quan trọng, đặt nền móng phát triển cho ngành, nâng cao năng lực dự báo, phục vụ hiệu quả cho sản xuất và đời sống nhân dân. Đồng chí còn là đại biểu Quốc hội các khóa VII, VIII; đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng các khóa IV, V, VI.
Tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay và mai sau
Sau khi nghỉ hưu năm 1992, đồng chí Trần Văn An vẫn luôn theo dõi, quan tâm đến sự phát triển của quê hương, đất nước. Trong gần 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí là tấm gương sáng về đạo đức, trí tuệ, sự tận tụy, liêm khiết của người cán bộ, đảng viên, là niềm tự hào không chỉ của gia đình mà còn của toàn thể nhân dân xã Hành Đức nói riêng và tỉnh Quảng Ngãi nói chung.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thục - con trai của đồng chí Trần Văn An chia sẻ, ba tôi luôn sống giản dị, kiên định với lý tưởng cách mạng. Dù ở đâu, làm gì, ông cũng tâm niệm phải học tập, cống hiến và sống xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng và nhân dân. Trong quá trình dạy bảo các con, ông mong muốn chúng tôi phải phấn đấu để được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Điều chúng tôi khâm phục ở ba là ý chí học tập không ngừng nghỉ. Ông vốn là một nhà hoạt động chính trị, nhưng khi ra Bắc và được phân công về Bộ Y tế, ông đi học ngành y. Một thời gian sau, ông được điều về ngành khí tượng thủy văn. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ông đi học toán và khí tượng thủy văn... Điều này thôi thúc chúng tôi phải cố gắng học hành để không phụ lòng ba mẹ. Kế thừa sự nghiệp của ba, tôi và con trai đã theo ngành khí tượng thủy văn.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thục kể về những kỷ niệm của ba mình - đồng chí Trần Văn An.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và kỷ niệm 100 ngày sinh của đồng chí Trần Văn An, đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân Quảng Ngãi đã về xã Hành Đức dâng hương, tưởng niệm ông - người con ưu tú của quê hương, người cán bộ lãnh đạo tiêu biểu của tỉnh qua nhiều thời kỳ cách mạng.
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Kỳ Thọ Bắc, xã Hành Đức Nguyễn Văn An cho biết, chúng tôi rất vinh dự và tự hào khi quê hương mình có người con ưu tú như đồng chí Trần Văn An. Đồng chí đã phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng chung của đất nước. Trong kháng chiến, người dân thôn Kỳ Thọ Bắc đã nhiều lần vùng lên đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng, góp phần làm nên truyền thống kiên cường của xã Hành Đức.
Tiếp nối truyền thống ấy, cán bộ, đảng viên và nhân dân thôn Kỳ Thọ Bắc luôn đoàn kết, đồng lòng, chung sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao. Thôn Kỳ Thọ Bắc đạt danh hiệu thôn văn hóa suốt 16 năm liên tiếp, chi bộ nhiều năm đạt trong sạch, vững mạnh.
Bài, ảnh: BÁ SƠN
Nguồn Quảng Ngãi : http://baoquangngai.vn/chinh-tri/202505/ky-niem-100-nam-ngay-sinh-dong-chi-tran-van-an-451925-452025-niem-tu-hao-cua-que-huong-c122e83/