Sáng sớm, chị Kha Thị Mà, bản Kẻo Lực 1, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã ra khu vườn của nhà thu hoạch rau muống khô. Thời điểm này, cô giáo Nguyễn Thị Thảo và một số học sinh của Trường Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở (DTBT TH & THCS) xã Phà Đánh cũng đã đến giúp đỡ gia đình nông dân sắp xếp những rổ rau vào một chỗ cho gọn gàng. Sau khi cắt hết 5 luống rau, cân để tình trọng lượng, cô giáo Thảo gửi cho chị Mà số tiền 225.000 đồng, rồi cùng học trò nhanh chóng chuyển số thực phẩm về khu bếp ăn bán trú của nhà trường cách đó không xa. Trước khi về trường, cô giáo Thảo nói với người nông dân: “Mai sáng, cô trò em lại đến cắt tiếp những luống rau còn lại chị nhé!", còn chị Kha Thị Mà cầm được số tiền bán rau, nở nụ cười hạnh phúc.
Giáo viên và học sinh nhà trường giúp chị Mà thu hoạch rau.
Chị Kha Thị Mà cho biết, gia đình chị còn nhiều khó khăn, thuộc diện hộ nghèo. Trước đây, cả hai vợ chồng chỉ biết trồng lúa trên rẫy dốc với mong muốn đủ lương thực, thực phẩm để cho các con không bị thiếu đói. Nhưng trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, thu nhập từ nông nghiệp bấp bênh, rất ít khi chị có được một khoản tiền trong tay để phòng lúc con cái ốm đau, bệnh tật. Với mong muốn chung tay giúp đỡ nhân dân địa phương và từ nhu cầu thực tế của nhà trường, đầu năm 2025, Trường DTBT TH & THCS xã Phà Đánh đã tiên phong nhận đỡ đầu giúp gia đình chị Mà và một hộ dân khác trong xã cải tạo vườn, trồng rau sạch. Sau giờ lên lớp, giáo viên và học trò ngôi trường vùng cao đến giúp các gia đình cải tạo đất, trồng rau. Các thầy, cô giáo cũng góp quỹ, bước đầu hỗ trợ gia đình mua hạt giống, ống tưới nước để chăm sóc khu vườn của mình.
Những rổ rau nặng tình nghĩa gắn kết giữa nhà trường với nhân dân địa bàn.
Từ khu đất hoang hóa, nhờ được giáo viên, học sinh nhà trường giúp đỡ, gia đình chị Mà đã có được khu vườn ưng ý, đều đặn cho thu hoạch một số lượng rau khá lớn. Toàn bộ số rau từ khu vườn nông dân trồng đều được nhà trường mua lại bằng giá trên thị trường để nhập vào bếp ăn cho học sinh bán trú.
“Cứ khoảng 10-12 ngày, tôi lại thu hoạch một lứa rau để nhập vào bếp ăn của nhà trường. Mỗi đợt như thế, gia đình tôi có thu nhập khoảng 420-450 nghìn đồng, một khoản tiền rất quý với người dân vùng cao như chúng tôi”, chị Mà chia sẻ. Gia đình ông Kha Văn Cường, bản Kẻo Lực 3, xã Phà Đánh cũng được nhà trường hỗ trợ làm vườn rau sạch đang mang lại thu nhập ổn định.
Thầy giáo Lê Văn Lâm, Hiệu trưởng Trường DTBT TH & THCS xã Phà Đánh cho biết: “Trường chúng tôi có 240 học sinh thuộc diện bán trú, ăn, nghỉ tại khu ký túc xá nên cần một lượng thực phẩm, rau xanh khá lớn. Trong điều kiện khuôn viên nhà trường chật hẹp việc trồng rau xanh không thể đáp ứng được nhu cầu cung cấp cho bếp ăn, ý tưởng liên kết, hỗ trợ các hộ gia đình nghèo trên địa bàn cũng xuất phát từ nhu cầu thực tế. Thông qua việc triển khai mô hình giúp dân làm vườn trồng rau mang lại rất nhiều lợi ích, vừa tạo nguồn thu nhập ổn định cho nhân dân, đảm bảo nguồn rau sạch cho giáo viên, học sinh nhà trường, đồng thời giáo dục cho các em giá trị của lao động, yêu thương chia sẻ”.
Trên địa bàn huyện Kỳ Sơn có 5 trường học khác nhận đỡ đầu 12 hộ gia đình trồng vườn rau xanh, tạo thu nhập ổn định từng bước xóa đói giảm nghèo.
Bài, ảnh: HIẾU AN