Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), anh Tiến vào làm việc tại Doosan Vina. Theo anh Tiến, kỹ thuật sơn và đóng gói là một ngành rất mới tại Việt Nam, nên bản thân luôn cố gắng nghiên cứu, học hỏi kiến thức từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời, phối hợp với các thành viên trong nhóm đưa ra những tiêu chuẩn, cải tiến kỹ thuật đóng gói để góp phần nâng cao độ an toàn nâng hạ, vận chuyển sản phẩm, giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.
“Quy trình đóng gói trước đây trải qua nhiều công đoạn, từ nhận hàng đến bàn giao cho đội vận chuyển. Tại mỗi công đoạn, công nhân sử dụng các bản kiểm tra số lượng nhận hàng và đóng gói sản phẩm bằng giấy để kiểm tra. Mỗi dự án lại có rất nhiều hạng mục khác nhau. Điều này làm tốn hơn 9,1 nghìn giờ công (tương đương hơn 100 nghìn USD) mỗi năm. Ngoài ra, chất lượng và tiến độ công việc bị chi phối rất nhiều bởi yếu tố bên ngoài, như trời mưa, trời nắng, thể trạng người lao động đều ảnh hưởng đến độ chính xác của các bản kiểm tra nên thông thường tỷ lệ sai số từ 5 - 7% và xuất hiện mỗi ngày”, anh Tiến cho biết.
Trước thực tế đó, anh Tiến phối hợp với đội công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống QR code. Sau gần 9 tháng, hệ thống QR code với đầy đủ tính năng đã được xây dựng. Công nhân chỉ việc sử dụng máy quét để quét mã QR, hệ thống sẽ tự xử lý thông tin, kỹ sư quản lý chỉ cần truy cập vào hệ thống là nắm được tiến độ thời gian thực hiện dự án. Cải tiến áp dụng vào thực tế đã tiết kiệm gần 95 nghìn USD/năm, tăng 20% năng suất đóng gói, giảm 20% số lượng người/nhóm đóng gói, loại bỏ 90% các vấn đề kiểm tra nhầm danh sách, làm sai danh sách đóng gói.
Anh Huỳnh Ngọc Tiến có nhiều sáng kiến mang tính ứng dụng cao trong công việc.
Trong quá trình làm việc, anh Tiến luôn chủ động phân tích các vấn đề tồn tại trong quá trình sản xuất, nâng cao năng lực đóng gói sản phẩm. Anh Tiến nhận thấy, việc đóng gói và bảo quản các sản phẩm công nghiệp nặng là một ngành lâu đời trên thế giới, các công ty, tập đoàn lớn đều có những bộ tiêu chuẩn riêng, tuy nhiên lại khá mới mẻ tại Việt Nam và có rất ít tài liệu chia sẻ về ngành này. Các tài liệu hiện hành hầu như sử dụng tiếng Anh nên người lao động rất khó tiếp cận dẫn đến quá trình thi công vẫn chưa đúng theo tiêu chuẩn, phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng và chi phí.
Từ trở ngại đó, anh Tiến cùng đồng nghiệp xây dựng bộ tài liệu chuẩn hóa và in thành sách để phổ biến cho tất cả người lao động trong công ty. Sau gần 1 năm tìm kiếm tài liệu chuyên ngành đóng gói bảo quản từ nhiều nguồn khác nhau, các bộ tiêu chuẩn liên quan đến đóng gói được nhóm của anh Tiến dịch sang tiếng Việt và mô tả bằng các hình ảnh trực quan giúp người đọc dễ dàng nắm bắt. Từ đó nâng cao năng lực của người lao động, chuẩn hóa về các phương pháp đóng gói và bảo quản, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời đảm bảo an toàn khi vận chuyển.
Luôn nỗ lực, sáng tạo trong lao động, anh Tiến được lãnh đạo công ty, các cấp công đoàn trong tỉnh biểu dương, khen thưởng; nhận Bằng khen của Tổng ĐLĐ Việt Nam vì đã có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”. “Được sáng tạo trong lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm vui đối với cá nhân tôi. Mỗi ngày đến công ty, điều tôi mong mỏi nhất là cán bộ, nhân viên trong phòng sản xuất hiệu quả, an toàn. Đó cũng chính là động lực để mọi người đoàn kết, không ngừng nỗ lực, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của công ty”, anh Tiến chia sẻ.
Bài, ảnh: TRUNG ÂN