Niềm vui trong những ngôi nhà mới

Niềm vui trong những ngôi nhà mới
một ngày trướcBài gốc
Nhờ được hỗ trợ, bà Phạm Thị Tơ ở xã Hà Thanh (Tứ Kỳ) đã có căn nhà mới mơ ước
Giấc mơ thành hiện thực
Chúng tôi đến thăm ngôi nhà mới hoàn thành của bà Phạm Thị Tơ ở xã Hà Thanh (Tứ Kỳ) vào một buổi chiều muộn. Mùi vôi vữa, mùi sơn mới vẫn còn thoang thoảng trong gió. Trong ánh hoàng hôn, trên gương mặt hằn những vết chân chim mang dấu thời gian và nỗi nhọc nhằn của bà Tơ hiện rõ niềm vui.
Người phụ nữ 70 tuổi ấy, trước đây sống một mình trong căn nhà dột nát. Ngay đến cả căn bếp cũng không có, bà phải che chắn tạm bằng tre, bạt để nấu ăn. Tuổi cao cộng với nhiều bệnh tật hành hạ, khiến bà không thể làm gì để có thêm thu nhập ngoài nguồn trợ cấp hộ nghèo của Nhà nước. Số tiền ấy, bà phải khéo vun vén lắm mới đủ ăn qua ngày. Thế nên, cuộc sống trong căn nhà vững chắc với bà quả là một ước mơ xa xôi.
Giờ đây, ước mơ ấy đã thành hiện thực. Bà đã được hỗ trợ 100 triệu đồng để xây nhà mới theo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Các lực lượng ở địa phương còn đến hỗ trợ bà tháo dỡ nhà cũ, thu dọn đồ đạc.
Sau hơn 1 tháng xây dựng, ngôi nhà lợp tôn rộng khoảng 30 m2 của bà Tơ đã hoàn thành. Ngôi nhà nhỏ ấy còn được bố trí hài hòa khu bếp nấu ăn, nhà vệ sinh nên bà Tơ vui lắm. Bà bảo: “Tôi hạnh phúc lắm. Giờ tuổi ngày càng già, có căn nhà vệ sinh khép kín thế này còn gì tiện hơn. Nếu mà không được hỗ trợ thì tôi làm sao có thể xây nhà, cả đời này tôi cứ mãi sống trong ngôi nhà dột nát cũ thôi”.
Cán bộ xã An Bình (Nam Sách) đến thăm, đôn đốc tiến độ xây dựng nhà mới của gia đình ông Đàm Đình Tiền
Những ngày này, ngôi nhà mới của gia đình ông Đàm Đình Tiền (sinh năm 1948) ở xã An Bình (Nam Sách) đang trong giai đoạn hoàn thiện. Niềm vui sắp được ở trong ngôi nhà mới giúp ông thêm động lực, niềm vui trong cuộc sống. Ông Tiền từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông còn có một người anh trai là liệt sĩ. Hoàn cảnh kinh tế của gia đình còn nhiều khó khăn.
Ngôi nhà vợ chồng ông Tiền đang ở xây từ những năm 1980 đã xuống cấp trầm trọng. Năm 2024, khi cơn bão Yagi đi qua, nhiều đoạn tường bị nứt, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Song vì khoản tiền xây nhà quá lớn nên vợ chồng ông vẫn lấn cấn, không dám phá đi xây lại.
Dẫn chúng tôi đi thăm căn nhà sắp hoàn thành, ông Tiền khoe: “Nhà mới của tôi rộng 36 m2 đấy. Nó có cả phòng khách, phòng ngủ và khu vệ sinh khép kín. Vợ chồng tôi già yếu cả rồi, tiền thì cũng không có nên được Nhà nước hỗ trợ thì mới có nguồn lực để xây nhà”.
Không chỉ riêng các gia đình ông Tiền, bà Tơ, mà dịp này ở Hải Dương còn có rất nhiều những gia đình người có công, hộ nghèo, cận nghèo có chung niềm vui, niềm hạnh phúc ấy.
“Mái ấm cho đồng bào tôi”
Đó là lời kêu gọi trong chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước do Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức. Theo tinh thần ấy, Hải Dương đã huy động mọi nguồn lực để thực hiện chương trình. Theo danh sách rà soát của các địa phương, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về hỗ trợ kinh phí về nhà ở đối với hộ gia đình người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh.
Hải Dương quyết định hỗ trợ 1.638 hộ, gồm 984 hộ người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ (380 hộ xây nhà mới, 604 hộ sửa chữa nhà) và 654 hộ nghèo, cận nghèo (402 hộ xây nhà mới, 252 hộ sửa chữa nhà ở). Mức hỗ trợ tương ứng 100 triệu đồng/nhà mới và 50 triệu đồng/nhà sửa chữa từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, địa phương và các nguồn xã hội hóa khác. Tuy nhiên, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 161 hộ xin rút khỏi danh sách hỗ trợ do không còn nhu cầu.
Về nhân công, các lực lượng công an, quân đội, thanh niên, phụ nữ, nông dân… đều chung tay hỗ trợ ngày công xây dựng.
Niềm vui của bà Lê Thị Cử (xã Đồng Lạc, Nam Sách) sau khi được hỗ trợ sửa chữa nhà ở
Hưởng ứng phát động của Trung ương, MTTQ các cấp đã tích cực vào cuộc cùng chính quyền triển khai thực hiện chương trình. Đến cuối tháng 3/2025, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tiếp nhận trên 5 tỷ đồng từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… ủng hộ xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ nhà ở cho người có công trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương Nguyễn Đức Tuấn cho biết chương trình này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam đến các đối tượng khó khăn, yếu thế. Qua đó động viên, khích lệ để các hộ khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Kết quả của chương trình này góp phần củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân đối với các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hải Dương phấn đấu hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho người có công, thân nhân liệt sĩ, hộ nghèo, cận nghèo trong tháng 6 tới đây và chắc chắn mục tiêu này sẽ thành hiện thực.
Theo Sở Xây dựng Hải Dương, đến ngày 28/3, toàn tỉnh đã hoàn thành xây dựng mới 96 ngôi nhà của người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo. Huyện Tứ Kỳ có 16 ngôi nhà, nhiều nhất tỉnh. TP Hải Dương, thị xã Kinh Môn, huyện Gia Lộc, Thanh Miện mỗi nơi có 11 ngôi nhà được hoàn thành, nhiều thứ 2 tỉnh.
Theo yêu cầu của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu, mỗi huyện, thành phố, thị xã khánh thành 15 ngôi nhà xây dựng mới trước dịp kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5.
Toàn tỉnh cũng có 532 ngôi nhà sửa chữa được hoàn thành, trong đó có 365 ngôi nhà của gia đình người có công, chính sách; 167 ngôi nhà của hộ nghèo, cận nghèo.
THANH NGA
Nguồn Hải Dương : https://baohaiduong.vn/niem-vui-trong-nhung-ngoi-nha-moi-408356.html