Nín thở đi qua hai cầu sắt hơn 50 tuổi xuống cấp ở cửa ngõ TP.HCM

Nín thở đi qua hai cầu sắt hơn 50 tuổi xuống cấp ở cửa ngõ TP.HCM
13 giờ trướcBài gốc
Nằm ở cửa ngõ phía Nam TP.HCM, trên tuyến đường hướng đi tỉnh Tây Ninh, hai cây cầu Rạch Dơi và Rạch Tôm (thuộc xã Hiệp Phước - huyện Nhà Bè cũ) được xây dựng từ trước năm 1975. Sau nhiều thập kỷ sử dụng, cả hai xuống cấp nghiêm trọng, trở thành nỗi lo thường trực của người dân mỗi khi lưu thông qua đây.
Ghi nhận của PV Báo Điện tử VTC News, cầu Rạch Dơi nằm trên trục đường Lê Văn Lương (xã Hiệp Phước), là một trong những cây cầu được xây dựng hoàn toàn bằng sắt. Sau hơn nửa thế kỷ sử dụng và có dấu hiệu xuống cấp, nhưng mỗi ngày cầu vẫn phải oằn mình gánh lượng phương tiện lớn lưu thông qua lại.
Theo quan sát, nhiều bộ phận trên cầu Rạch Dơi xuống cấp, hoen rỉ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông,
Bà Huyền (49 tuổi), người dân sống cạnh cầu Rạch Dơi chia sẻ, gia đình chị đã gắn bó với khu vực này hàng chục năm nay. Mỗi khi xe cộ qua lại đông, đặc biệt vào ban đêm, tiếng ồn và rung lắc từ cây cầu khiến các con chị thường xuyên giật mình tỉnh giấc. “Xe chạy qua là cầu rung lên, phát ra tiếng kêu, ai đi cũng muốn qua thật nhanh vì sợ không an toàn”.
Cầu Rạch Dơi là cầu sắt cuối cùng còn lại trên tuyến đường Lê Văn Lương từng được HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư từ năm 2016 với tổng vốn gần 781 tỷ đồng. Theo kế hoạch, cầu mới sẽ có chiều dài khoảng 452 m, rộng 15 m; đường dẫn dài 300 m, rộng 29 m. Ban Giao thông cho biết đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để sớm khởi công công trình trong thời gian tới.
Cách cầu Rạch Dơi khoảng 2,3 km là cầu Rạch Tôm, với mặt cầu hẹp chỉ đủ cho một ô tô và một xe máy di chuyển song song. Cầu được lót bằng các tấm sắt, mỗi khi xe chạy qua đều phát ra tiếng động lớn và rung lắc mạnh, gây lo ngại cho người dân về độ an toàn khi lưu thông.
Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) cho biết đã có văn bản gửi UBND TP về kế hoạch khởi công dự án cầu Rạch Tôm (xã Hiệp Phước) – công trình giao thông trọng điểm trên tuyến đường Lê Văn Lương, kết nối TP.HCM với tỉnh Tây Ninh mới (trước đây là tỉnh Long An). Trước đó, dự án dự kiến khởi công vào cuối tháng 6/2025, tuy nhiên kế hoạch phải dời lại do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Theo kế hoạch điều chỉnh, dự án cầu Rạch Tôm sẽ được khởi công vào ngày 10/7 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2026.
Cầu Rạch Tôm có tổng chiều dài hơn 683 m, bao gồm phần cầu chính dài 173 m, rộng 15 m và đường dẫn hai đầu cầu dài hơn 500 m, rộng 29 m. Dự án có tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 140 tỷ đồng và chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 224 tỷ đồng.
Trước đó, trong năm 2024, Ban Giao thông đã giải ngân toàn bộ kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư với tổng số tiền 224 tỷ đồng cho Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè cũ. Tính đến nay, đã có 83/111 hộ dân bị ảnh hưởng đồng ý nhận tiền, trong đó 64 trường hợp đã được chi trả. Ngày 27/6, mặt bằng khu vực mố M1 và trụ T1 được bàn giao để phục vụ thi công dự án.
Dự kiến, mặt bằng tại các vị trí mố M2 và trụ T4 sẽ được bàn giao trước ngày 31/7/2025, toàn bộ mặt bằng sẽ hoàn tất bàn giao vào ngày 30/9/2025. Ban Giao thông sẽ tổ chức triển khai thi công phù hợp với tiến độ bàn giao mặt bằng, nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án đúng kế hoạch.
Cầu Rạch Tôm là một trong bốn cây cầu sắt trên tuyến đường Lê Văn Lương được xây dựng từ trước năm 1975, gồm: cầu Rạch Đỉa, cầu Long Kiểng, cầu Rạch Tôm và cầu Rạch Dơi. Trong đó, hai cây cầu Long Kiểng và Rạch Đỉa được xây mới và đưa vào sử dụng trong năm 2023 và 2024.
Khi cả bốn cây cầu trên tuyến hoàn thiện, hệ thống hạ tầng khu Nam TP.HCM sẽ có bước “lột xác” mạnh mẽ, giúp giảm ùn tắc, rút ngắn thời gian di chuyển và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực phía Nam TP.HCM và tỉnh Tây Ninh.
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/nin-tho-di-qua-hai-cau-sat-hon-50-tuoi-xuong-cap-o-cua-ngo-tp-hcm-ar952973.html