Ảnh minh họa
Trước đó ngày 29/6/2025 UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định số 788/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng, vận hành nhà máy xử lý chất thải rắn tại Thung Quèn Khó, phường Trung Sơn. Dự án có tổng vốn đầu tư 650 tỷ đồng, sử dụng diện tích đất khoảng 3,86 ha và được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết bài toán xử lý rác thải sinh hoạt lẫn chất thải công nghiệp thông thường đang tồn đọng trên địa bàn tỉnh.
Theo nội dung quyết định, nhà máy được thiết kế với công suất xử lý khoảng 500 tấn/ngày đêm. Ngoài việc xử lý chất thải phát sinh hàng ngày, dự án còn tập trung vào việc xử lý các bãi rác cũ đã chôn lấp trước đó, đồng thời ưu tiên ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.
Việc thu hồi, tái chế và tái sử dụng chất thải rắn được đặc biệt khuyến khích, hướng tới mô hình “Cộng sinh công nghiệp” kết hợp với các nhà máy xi măng và phát triển kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực xử lý chất thải.
ƯU TIÊN CÔNG NGHỆ HIỆN ĐẠI, THÂN THIỆN MÔI TRƯỜNG
Theo yêu cầu của tỉnh, toàn bộ dây chuyền máy móc, thiết bị trong nhà máy phải đảm bảo mới 100%, chưa qua sử dụng. Nhà đầu tư trúng thầu sẽ được lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu cạnh tranh, với phương án đầu tư xây dựng và quản lý vận hành cụ thể. Các hạng mục xây dựng phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chuyên ngành, đảm bảo an toàn về quy hoạch, phòng cháy chữa cháy và tác động môi trường.
Dự án cũng đặt ra yêu cầu cao trong công tác đánh giá tác động môi trường, quản lý chất lượng xử lý rác và tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng, đất đai và bảo vệ môi trường. Nhà đầu tư phải có phương án cụ thể xử lý rác tồn đọng trong bãi chôn lấp hiện nay, đồng thời đảm bảo khả năng tái chế, xử lý các chất thải thứ cấp theo mô hình khép kín.
Bên cạnh đó, nhà máy sẽ đóng vai trò trung tâm trong mạng lưới xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh, góp phần giảm áp lực cho các bãi chôn lấp truyền thống, từ đó tạo điều kiện cho tỉnh tiến tới đóng cửa một số bãi rác lạc hậu, không đảm bảo vệ sinh môi trường.
TRIỂN KHAI TỪ NAY ĐẾN NĂM 2028
Dự kiến, quá trình triển khai thực hiện dự án sẽ bắt đầu từ năm 2025 và kết thúc vào quý I năm 2028. Trong đó, công tác xử lý rác tồn đọng tại các bãi rác cũ sẽ phải hoàn tất chậm nhất vào quý II năm 2027. Sau khi được cấp có thẩm quyền giao đất, nhà đầu tư sẽ có tối đa 24 tháng để hoàn thành xây dựng và đưa nhà máy vào vận hành.
Phương án phân kỳ đầu tư sẽ được cụ thể hóa trong báo cáo nghiên cứu khả thi và phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về xây dựng. Dự án có thời hạn hoạt động không quá 50 năm kể từ ngày được quyết định cho thuê đất, thời gian cụ thể sẽ căn cứ vào phương án kinh doanh của nhà đầu tư trúng thầu.
Về tài chính, nhà đầu tư được yêu cầu đảm bảo nguồn vốn tự có và các khoản vốn huy động hợp pháp khác để triển khai dự án. Tổng mức đầu tư 650 tỷ đồng không bao gồm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Tỉnh Ninh Bình cam kết sẽ có chính sách ưu đãi đầu tư theo đúng quy định pháp luật khi nhà đầu tư đáp ứng đủ điều kiện.
UBND tỉnh Ninh Bình giao Sở Nông nghiệp và Môi trường là đơn vị đầu mối, chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai công tác thu hồi đất, thực hiện các thủ tục liên quan đến môi trường, xây dựng và lựa chọn nhà đầu tư theo quy định pháp luật.
Nhà đầu tư được lựa chọn sẽ phải lập và gửi báo cáo tiến độ định kỳ về tình hình triển khai và hoạt động của dự án theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2020 và các nghị định liên quan. Đồng thời, việc chuyển nhượng dự án hoặc phần vốn góp (đặc biệt liên quan tới nhà đầu tư nước ngoài) chỉ được thực hiện sau khi có sự chấp thuận của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan liên quan nếu phát sinh yếu tố quốc phòng, an ninh.
UBND tỉnh Ninh Bình cũng yêu cầu dự án đảm bảo giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo đúng quy định của Luật Giá và pháp luật liên quan. Trường hợp triển khai chậm tiến độ hoặc không đúng theo nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
Nguyễn Thuấn