Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số giúp giảm nghèo bền vững tại Ninh Bình. Ảnh: Châu Anh
Chiếm 50% dân số tại xã Thạch Bình, trước đây, chị em dân tộc Mường chỉ biết làm kinh tế nông nghiệp trên cánh đồng lúa. Tuy nhiên, hiệu suất kinh tế lại không cao khiến cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Để giúp các hội viên vươn lên trong cuộc sống, các cấp Hội LHPN của tỉnh và chính quyền thường xuyên tạo điều kiện, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) vay vốn, tham quan học hỏi các mô hình kinh tế mới, mang lại thu nhập cao như trồng cây ăn quả, chăn nuôi, dệt may, sản xuất theo hướng hữu cơ... và ứng dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật.
Nhờ đó, tỷ lệ nghèo đa chiều tại xã đã giảm còn 3,08%. Đặc biệt, có rất nhiều phụ nữ người Mường đã vươn lên thành hộ khá, giàu, hiện hội viên phụ nữ có 1.437 người thì chỉ còn 10 hội viên nghèo.
Theo đó, trong năm qua, toàn bộ cơ sở Hội có nhiều hoạt động thiết thực hướng dẫn, hỗ trợ các Hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác (THT) chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh, xây dựng sản phẩm OCOP; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khai thác và quản lý hiệu quả nguồn vốn 3.809 tỷ đồng cho 43.916 hội viên, phụ nữ, thành viên các THT, HTX vay vốn phát triển kinh tế gia đình, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Nhiều chị em DTTS phát triển kinh tế giúp giảm nghèo tại địa bàn. Ảnh: Châu Anh
Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện để đồng bào DTTS phát huy lợi thế, tiềm năng, vươn lên hội nhập, 5 năm qua, tỉnh Ninh Bình đã triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án của Trung ương kết hợp với chính sách đặc thù của tỉnh để phát triển tương đối toàn diện vùng đồng bào DTTS. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã huy động hơn 326 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Tính đến năm 2023, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đạt 60 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm xuống còn 2,95%, giảm đáng kể so với những năm trước đó.
Với những biện pháp trên, vùng đồng bào DTTS đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được cải thiện, nâng cao. Đồng thời, giúp phụ nữ DTTS nhanh chóng "vượt khó", thúc đẩy giảm nghèo bền vững, đa chiều cho toàn tỉnh Ninh Bình.
Châu Anh