Quang cảnh tọa đàm.
Tọa đàm nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam, là dịp để chia sẻ định hướng xây dựng sản phẩm mới, phát huy lợi thế biển, đồng bằng, đồi núi, tâm linh, sinh thái, đô thị góp phần đưa Ninh Bình trở thành cực tăng trưởng du lịch hàng đầu miền Bắc và cả nước trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch nhấn mạnh, việc hợp nhất ba tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định đang mở ra những cơ hội để tái định vị du lịch Ninh Bình với quy mô và tầm vóc mới, khai phá những tiềm năng chưa được tận dụng, tạo đột phá cho sự phát triển liên vùng. Ninh Binh hội tụ đầy đủ điều kiện “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn có năng lực cạnh tranh quốc tế, trở thành trung tâm du lịch văn hóa - sinh thái - tôn giáo hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Đồng chí Giám đốc Sở Du lịch Bùi Văn Mạnh phát biểu khai mạc tọa đàm.
Tuy nhiên, bên cạnh thời cơ lớn, ngành Du lịch Ninh Bình mới cũng đang đối diện với nhiều thách thức như sự khác biệt về sản phẩm du lịch và định hướng phát triển giữa ba địa phương cũ; hạ tầng giao thông kết nối chưa đồng bộ… Do đó, đồng chí Bùi Văn Mạnh mong muốn thông qua tọa đàm, ngành Du lịch Ninh Bình có thể tham vấn các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp để xây dựng, hoàn thiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; đề xuất các giải pháp trong quản lý, thu hút đầu tư, liên kết các sản phẩm, tạo đà phát triển của Du lịch Ninh Bình trong giai đoạn mới.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã nghe Dự thảo Đề án phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Theo đó, mục tiêu của Đề án phấn đấu xây dựng tỉnh Ninh Bình mới trở thành trung tâm du lịch tổng hợp, phát triển theo chiều sâu, có trọng điểm, dựa trên nền tảng tài nguyên đặc sắc. Phấn đấu đến năm 2030, trở thành một trung tâm du lịch lớn, quan trọng cấp quốc gia và quốc tế, là cực tăng trưởng du lịch của vùng Đồng bằng sông Hồng. Đến năm 2045, trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế, là hạt nhân dẫn dắt phát triển du lịch xanh - thông minh - văn minh.
Về mục tiêu cụ thể, tập trung phát triển 4 trục giá trị “cốt lõi”, gồm trục di sản văn hóa tôn giáo lịch sử; trục di sản thiên nhiên sinh thái bảo tồn; trục du lịch nông thôn cộng đồng ven biển; trục du lịch sáng tạo văn hóa đương đại công nghệ cao. Duy trì và nâng cao thương hiệu du lịch Ninh Bình gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Phấn đấu có 15-20 khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao; đến năm 2030 đón 25 triệu lượt khách, doanh thu 25.700 tỷ đồng.
Tại hội nghị, các đại biểu, chuyên gia đều đánh giá cao tính cấp thiết của Đề án, cũng như sự chuẩn bị chủ động, công phu, khoa học của ngành Du lịch Ninh Bình. Đồng thời đề xuất một số ý kiến để Đề án hoàn thiện hơn, thúc đẩy du lịch Ninh Bình phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh, không gian mới như công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển công nghiệp văn hóa kết nối giá trị di sản; đẩy mạnh công nghệ số trong số hóa di sản; tăng cường tour trải nghiệm giáo dục, bổ sung loại hình du lịch nghiên cứu, khảo cổ, khai thác du lịch đêm, văn hóa ẩm thực…
Các ý kiến đề xuất, góp ý tại tọa đàm là những gợi mở quan trọng, ý nghĩa để Sở Du lịch nghiên cứu, chỉnh sửa, hoàn thiện Đề án trong thời gian tới.
Minh Hải-Anh Tuấn