Người thợ gánh cầu ong từ các thùng ong về để lấy mật. (Ảnh: Công Luật/TTXVN)
Vườn quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Ninh Bình, được bao bọc bởi hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú, mỗi mùa hoa sú vẹt nở, các chủ ong đưa đàn hàng nghìn con về lấy mật.
Bên cạnh việc hỗ trợ người dân chọn vị trí đặt thùng ong để lấy mật hiệu quả, Vườn quốc gia Xuân Thủy còn hỗ trợ về công nghệ chế biến, tăng cường quảng bá thương hiệu giúp người nuôi ong mở rộng thị trường tiêu thụ.
Nhộn nhịp mùa con ong lấy mật
Mới hơn 5h sáng, nhưng tại điểm đặt hơn 700 đàn ong của ông Nguyễn Văn Tùng tại vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy đã nhộn nhịp tiếng nói cười, tiếng máy móc quay mật cũng như tiếng vo ve của hàng nghìn con ong bay lượn xung quanh các thùng ong.
Từ đầu tháng 5, ông Tùng đã đưa đàn ong về Vườn quốc gia Xuân Thủy để lấy mật hoa sú, hoa vẹt, nhưng đây mới là lần thứ ba ông Tùng được quay mật (lấy mật ong).
Ông Nguyễn Văn Tùng chia sẻ trung bình mỗi vụ hoa sú, hoa vẹt nở, người nuôi ong sẽ thu hoạch được từ 5-8 lần mật, song năm nay hoa sú vẹt nở muộn, hoa nở không nhiều nên sản lượng mật ong cũng kém hẳn, đợt lấy mật lần này sản lượng ước chỉ khoảng 3 tạ mật. Từ nay tới cuối vụ hoa, chủ ong cũng chỉ thu hoạch được khoảng 2 lần mật nữa.
Theo ông Tùng, để khai thác mật ong hiệu quả nhất, lượng mật không bị hao hụt cũng như bảo đảm sức khỏe cho đàn ong, ông thường lựa chọn thu hoạch mật trong khoảng thời gian từ 5-9h sáng, mỗi lần thu hoạch mật sẽ thuê đội thợ tại địa phương từ 10-12 người để tiến hành lấy mật, quay mật với giá công lao động từ 300.000-400.000/người/ngày.
Người dân dọn đàn ong từ cầu ong để chuẩn bị lấy mật. (Ảnh: Công Luật/TTXVN)
Mùa hoa sú vẹt năm nay, anh Nguyễn Văn Khánh, xã Giao Phúc, tỉnh Ninh Bình, đưa khoảng 130 đàn ong về Vườn quốc gia Xuân Thủy để lấy mật. Do đã quen thuộc với địa hình, anh Khánh lựa chọn đặt các thùng ong của mình ven sườn đê nơi có nhiều cánh rừng sú vẹt rậm rạp để ong lấy mật hiệu quả nhất, không phải bổ sung thêm thức ăn cho đàn ong.
Anh Khánh cho hay năm nay thời tiết không thuận lợi, hoa nở muộn và không nhiều, đến nay sau 2 tháng đưa đàn về ông mới chỉ thu hoạch được một đợt hoa sú, còn hoa vẹt chưa thu được lần mật nào. Sản lượng mật vụ hoa sú chỉ khoảng hơn 2 tạ mật, giảm một nửa so với mọi năm. Giá mật năm cũng như các năm trước, dao động từ 60.000-80.000 đồng/kg, song mật bán nhanh, khai thác đến đâu được người dân, thương lái thu mua hết đến đấy.
Khuyến khích người dân tham gia chuỗi liên kết
Vườn quốc gia Xuân Thủy, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là vùng lõi có tầm quan trọng đặc biệt của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới đất ngập nước liên tỉnh ven biển châu thổ sông Hồng. Vườn quốc gia có diện tích hơn 7.100 ha, hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú với cánh rừng sú, vẹt rộng lớn bao quanh, hằng năm từ tháng 4 đến tháng 8, hoa sú vẹt nở cũng là thời điểm người nuôi ong từ khắp nơi đưa đàn về lấy mật.
Theo những chủ ong lâu năm, khác với các loại mật từ những loại cây trồng khác như: nhãn, vải, cao su… loài cây sú, vẹt sống ở điều kiện nửa nước, nửa cạn, điều kiện sống khắc nghiệt nên cho ra loại mật ong sú vẹt thơm ngon, mùi thơm đặc trưng, vị thanh nhẹ rất dễ uống. Đặc biệt mật ong sú vẹt rất sạch do khai thác từ loài cây mọc tự nhiên nên không bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, do đó mật ong sú rất vẹt được thị trường ưa chuộng.
Ông Vũ Quốc Đạt, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Xuân Thủy, cho biết mùa hoa sú vẹt năm nay có 17 chủ ong đưa khoảng 8.000 đàn ong về lấy mật, sản lượng mật ước đạt từ 70-80 tấn. Để giúp người nuôi ong thuận lợi trong khâu tiêu thụ mật, những năm qua Vườn quốc gia Xuân Thủy và chính quyền địa phương đã tăng cường quảng bá, giới thiệu về các sản phẩm OCOP mật ong vườn quốc gia thông qua các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh để người tiêu dùng biết đến và lựa chọn sản phẩm.
Mật ong sau khi quay xong được đổ vào từng can. (Ảnh: Công Luật/TTXVN)
Hiện, Vườn quốc gia Xuân Thủy đã xây dựng được thương hiệu mật ong vườn quốc gia đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, đã có nhiều hộ trên địa bàn đáp ứng được các tiêu chuẩn về nuôi ong, chế biến mật ong được tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Vườn quốc gia cũng sẵn sàng chia sẻ quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận nhãn hiệu OCOP cho người dân, khuyến khích người dân tham gia chuỗi liên kết để cải thiện hình ảnh, nâng cao giá trị gia tăng.
Phó Giám đốc Vườn quốc gia Xuân Thủy Vũ Quốc Đạt thông tin, vườn quốc gia cũng đã nghiên cứu và phát triển thành công công nghệ chế biến hạ thủy phần giúp lọc hết các tạp chất, không làm tăng nhiệt mật ong, từ đó chất lượng dinh dưỡng và màu sắc được bảo đảm. Sau khi hạ thủy phần, tỷ lệ nước trong mật ong giảm xuống còn 20%, không phát sinh nấm mốc, không bị lên men, bảo quản được lâu hơn. Mật ong sú vẹt đạt tiêu chuẩn OCOP bán ra thị trường thường có giá trị cao hơn khoảng 10-20% so với mật ong truyền thống./.
(TTXVN/Vietnam+)