Ninh Bình tăng cường giám sát, điều trị, phòng, chống bệnh cúm mùa

Ninh Bình tăng cường giám sát, điều trị, phòng, chống bệnh cúm mùa
6 giờ trướcBài gốc
Bệnh nhi nằm điều trị tại Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Ninh Bình.
Thời gian gần đây, số ca mắc cúm mùa có xu hướng gia tăng, đặc biệt là trẻ nhỏ và người già tại Ninh Bình. Ghi nhận tại Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Ninh Bình, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị gia tăng nhanh trong vài tuần gần đây. Từ đầu tháng 1/2025 đến nay đã có hơn 650 lượt bệnh nhi đến khám do các triệu chứng của cúm, trong đó đã có hơn 200 bệnh nhi nhập viện điều trị, chủ yếu mắc cúm A.
“Cách đây gần 10 ngày bé có biểu hiện sốt, tôi có cho bé uống hạ sốt tại nhà nhưng không giảm nhiều, thêm đó là có biểu hiện ho, khó thở, đờm nhiều nên tôi cho bé vào viện để các bác sĩ điều trị. Sau 7 ngày nằm viện bé đã vui chơi, khỏe mạnh hơn”, chị Bùi Thu Thương, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình chia sẻ.
Người dân không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà, dễ làm bệnh trở nặng và gặp phải các biến chứng đáng tiếc.
Theo các bác sĩ nguyên nhân trẻ mắc bệnh gia tăng là do thời tiết thay đổi đột ngột, đây là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển. Bệnh nhi từ 6 tháng tuổi đến dưới 36 tháng tuổi sức đề kháng còn yếu, chưa thích nghi khi trời chuyển rét nên dễ mắc bệnh, bệnh nặng.
Trao đổi với bác sĩ Vũ Thị Son, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Ninh Bình, được biết: Đa phần các bệnh nhân khi vào viện đều trong tình trạng sốt cao khó hạ nhiệt, sốt kéo dài, ho khò khè, kèm theo những biến chứng của cúm như viêm phổi, viêm tai giữa,... Các trường hợp cúm đơn thuần, điều trị khoảng 3 ngày là ra viện; trường hợp cúm có bội nhiễm phải điều trị từ 7 đến 10 ngày.
Bác sĩ Vũ Thị Son cũng khuyến cáo, vào thời điểm giao mùa nên cho trẻ ăn uống đầy đủ, nâng cao sức đề kháng cho trẻ, đặc biệt là bảo đảm vệ sinh trong gia đình, luôn để phòng thoáng mát, có lưu lượng không khí thay đổi hằng ngày và khi thời tiết giao mùa lạnh không nên cho trẻ ra ngoài thay đổi nhiệt độ đột ngột; cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thăm khám kịp thời khi có những dấu hiệu của cúm. Đối với những gia đình có người có biểu hiện sốt, ho nên cách ly để hạn chế nguồn lây cho trẻ.
Đội ngũ y, bác sĩ Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Ninh Bình thăm khám và điều trị cho các bệnh nhi.
Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm lưu hành ở tất cả các nơi trên thế giới. Các triệu chứng của cúm mùa bao gồm sốt đột ngột, ho (thường là ho khan), đau đầu, đau cơ và khớp, mệt mỏi, đau họng và chảy nước mũi. Ho có thể nặng và kéo dài từ 2 tuần trở lên.
Nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh và gặp biến chứng nặng như trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, đặc biệt là người lớn hơn 65 tuổi có bệnh nền mạn tính như tiểu đường, tim phổi, suy thận hoặc suy gan, hệ miễn dịch suy yếu, nhân viên y tế, người nhà thường xuyên chăm sóc bệnh nhân và người thường xuyên đi du lịch giữa các nước.
Bác sĩ Ngô Thị Thúy, Phụ trách Khoa Dinh dưỡng-Tiêm chủng, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Ninh Bình cho biết thêm: Cúm mùa là loại virus rất phức tạp, nó luôn tìm cách biến đổi cấu trúc kháng nguyên bề mặt để lẩn trốn hệ miễn dịch vào vật chủ, nên hằng năm các nhà nghiên cứu sẽ căn cứ vào thời tiết, khí hậu, … để bào chế ra các chủng vaccine tương đương với các chủng virus lưu hành hiện nay. Vì vậy, tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên và người trưởng thành cần tiêm vaccine cúm mùa mỗi năm. Mùa đỉnh của cúm sẽ rơi vào mùa đông xuân, nên thời điểm tiêm phòng tốt nhất là vào tháng 9, 10.
Hiện Bệnh viện Sản-Nhi Ninh Bình có đầy đủ các loại vaccine cúm mùa để tiêm cho tất cả các đối tượng. Trung bình mỗi tháng Khoa Dinh dưỡng-Tiêm chủng của bệnh viện tiêm khoảng 200-250 mũi cúm.
Theo bác sĩ Nguyễn Mai Thanh, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình, từ tháng 1/2025, số lượng bệnh nhân mắc cúm tăng nhẹ so với 2 tháng trước. Kết quả giám sát thường xuyên tại các bệnh viện tuyến tỉnh cho thấy số ca nhập viện do cúm có xu hướng gia tăng nhưng theo chu kỳ mùa của bệnh; chưa ghi nhận diễn biến bất thường về triệu chứng lâm sàng.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế tại Công văn số 656/BYT-DP ngày 8/2/2025 về việc tăng cường phòng, chống bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, ngành y tế tỉnh Ninh Bình đã chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị phòng, chống dịch, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, quyết liệt dập tắt nhanh khi có dịch và khi dịch còn ở diện hẹp; theo dõi sát và thường xuyên đánh giá tình hình dịch bệnh để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Đồng thời, phối hợp với các đơn vị truyền thông tăng cường đưa tin, bài để tuyên truyền khuyến cáo người dân về đặc điểm lây truyền của bệnh cúm, các triệu chứng bệnh, khai báo bệnh, các biện pháp phòng chống lây truyền cúm cho bản thân, gia đình theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng; tổ chức tốt việc khám, tư vấn, điều trị bệnh cúm, hướng dẫn kịp thời các biện pháp phòng bệnh, chuẩn bị đầy đủ không để thiếu thuốc, không tăng giá thuốc; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo tại bệnh viện theo đúng quy định của Bộ Y tế.
VĂN LÚA - YẾN TRINH
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/ninh-binh-tang-cuong-giam-sat-dieu-tri-phong-chong-benh-cum-mua-post859644.html