Ninh Bình tập trung quyết liệt phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Ninh Bình tập trung quyết liệt phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
5 giờ trướcBài gốc
Theo đó, UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã trực tiếp chỉ đạo, huy động các nguồn lực của địa phương, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; giao trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan chuyên môn, người đứng đầu chính quyền cơ sở trong việc tổ chức phòng, chống, khống chế dịch bệnh. Huy động các nguồn lực, chủ động bố trí ngân sách dự phòng để mua hóa chất, vôi bột, huy động cả hệ thống chính trị để khoanh vùng dịch, rà soát, tổ chức tiêu hủy, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh thêm ổ dịch và phấn đấu kết thúc tất cả các ổ dịch trước ngày 20/6/2025.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền liên tục trên hệ thống đài truyền thanh đến tận các thôn, xóm, tổ dân phố để nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng, người sản xuất, người tiêu dùng về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh; hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học, khử trùng tiêu độc môi trường; thực hiện nghiêm công tác khai báo chăn nuôi định kỳ, khai báo khi mới nhập đàn với UBND cấp xã.
Ninh Bình yêu cầu thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Ảnh minh họa
Tỉnh yêu cầu đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm vụ xuân - hè năm 2025. Báo cáo, đánh giá cụ thể, chi tiết hiệu quả, tác động của vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi để làm cơ sở khoa học, thực tiễn để tổ chức triển khai tiêm phòng trong giai đoạn tới. Phấn đấu hoàn thành tiêm phòng trước ngày 10/6/2025. Giao đơn vị và cán bộ đầu mối chủ trì, phụ trách phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường trong việc thông tin, báo cáo dịch bệnh kịp thời, hiệu quả. Khoanh vùng trọng điểm chăn nuôi của địa phương, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, tuyên truyền chủ trang trại chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh; chỉ đạo bố trí lực lượng, có phương án bảo vệ các vùng trọng điểm, không để xảy dịch bệnh, bảo vệ tổng đàn, đảm bảo tăng trưởng chăn nuôi.
Giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì phối hợp với các sở ban ngành có liên quan thực hiện việc kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; kịp thời phát hiện, báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh phê bình các địa phương lơ là, chủ quan, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo làm dịch bệnh phát sinh, lây lan. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phân công cán bộ, phối hợp, tăng cường với cán bộ chuyên môn cấp huyện hướng dẫn, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh.
Tăng cường công tác lấy mẫu giám sát tại các chợ, điểm buôn bán lợn, sản phẩm của lợn, cơ sở giết mổ động vật để đánh giá lưu hành và cảnh báo dịch bệnh; kiểm soát chặt chẽ công tác kiểm dịch vận chuyển, chủ động phối hợp với các lực lượng: công an, quản lý thị trường kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn và các sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, không đảm bảo quy định phòng, chống dịch bệnh. Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh; tổng hợp, đánh giá hiệu quả tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn châu Phi để hướng dẫn, khuyến cáo sử dụng tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh cho đàn lợn. Xây dựng tài liệu hướng dẫn chính quyền cấp xã mới công tác phòng chống dịch bệnh theo quy định (Ban chỉ đạo, tổ lưu động, biểu mẫu tổng hợp báo cáo…) để chính quyền cấp xã mới thành lập chủ động trong triển khai thực hiện.
Giao Sở Tài chính căn cứ khả năng cân đối ngân sách và điều kiện thực tiễn tham mưu phương án bố trí kinh phí kịp thời, đúng quy định để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.
Sở Công Thương: Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý thị trường, chủ động phối hợp với lực lượng Thú y, Công an, Thanh tra giao thông phát hiện và xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép, không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên thị trường.
Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng thuộc Công an địa phương phối hợp với các lực lượng chức năng của ngành Công Thương, Quản lý thị trường, Nông nghiệp và môi trường và chính quyền địa phương trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp vứt xác lợn chết ra môi trường, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật, sản phẩm động vật.
Sở Nội vụ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn các đơn vị hành chính sau sáp nhập kiện toàn đội ngũ cán bộ phụ trách công tác phòng, chống dịch bệnh, thú y tại cơ sở theo quy định, đảm bảo sự chuyển tiếp hành chính không ảnh hưởng đến hoạt động giám sát, xử lý ổ dịch và triển khai các chính sách hỗ trợ.
UBND cấp xã (bao gồm cả UBND cấp xã mới thành lập khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp) chủ động thực hiện các quy định về phòng chống dịch bệnh động vật theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Môi trường và cơ quan chuyên ngành thú y, đảm bảo vận hành hoạt động được ngay, không để khoảng trống. Tổ chức tuyên truyền, vận động liên tục trên đài truyền thanh ba cấp để người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch, thông tin, báo cáo kịp thời. Phân công cán bộ theo địa bàn đảm bảo công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh không bị gián đoạn trong quá trình chuyển tiếp đơn vị hành chính.
Tổ chức đặt các biển cảnh báo có dịch, các chốt kiểm dịch tạm thời, thành lập các tổ kiểm tra lưu động, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ ổ dịch và việc vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn ra vào vùng có dịch. Tuyệt đối không để tình trạng vứt xác lợn ốm, chết ra ngoài môi trường. Tổ chức tiêu hủy lợn bệnh đúng quy định, lập hồ sơ hỗ trợ người dân theo cơ chế chính sách hiện hành.
Sở Nôngnghiệp và Môi trường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh; thường xuyên tổng hợp, báo cáo vấn đề phát sinh về UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo.
Quý Nguyễn
Nguồn Kinh tế Môi trường : https://kinhtemoitruong.vn/ninh-binh-tap-trung-quyet-liet-phong-chong-dich-ta-lon-chau-phi-99035.html