Ninh Hòa: Vụ ớt bấp bênh

Ninh Hòa: Vụ ớt bấp bênh
20 giờ trướcBài gốc
Năng suất phụ thuộc vào thời tiết, sâu bệnh rình rập, trong khi giá cả thị trường “nhảy múa” theo thương lái khiến cho mỗi vụ thu hoạch ớt của nông dân thị xã Ninh Hòa lúc được lúc mất. Tuy đây là cây trồng có diện tích đáng kể, nhưng bài toán đầu ra cho trái ớt vẫn là điều khiến người trồng ớt trăn trở.
Năng suất không ổn định
Trên cánh đồng ớt ở thôn 1, xã Ninh Sơn, ngay từ sáng sớm, vợ chồng ông Đào Quang Học đã bắt đầu thu hoạch ớt. Những trái ớt chín đỏ hoặc nửa chín nửa xanh được chọn để hái. Ông Học cho biết: “Đất vùng này, sau khi thu hoạch tỏi, nông dân thường trồng ớt hoặc hành, đậu phộng. Tùy mỗi nhà có cách luân canh khác nhau. Năm nay, gia đình tôi trồng 8 sào ớt (8.000m²). Sau 3 đợt hái cho thu về tổng cộng gần 10 tấn ớt tươi”.
Nông dân xã Ninh Sơn thu hoạch ớt.
Theo bà Bùi Thị Ngân - vợ ông Học, nông dân trong xã chủ yếu trồng loại ớt chỉ thiên giống Chánh Phong 04 (ớt đỏ). Ớt trồng từ 2,5 đến 3 tháng bắt đầu cho thu hoạch. Việc hái ớt không diễn ra một lần, mà ớt chín, già tới đâu hái tới đó, thường 20 - 25 ngày hái một đợt. Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, ớt cho khoảng 3 - 4 đợt thu hoạch trái nhiều, sau đó trái ít dần, nông dân không còn thu hái nữa vì không đủ bù chi phí. Trường hợp gặp mưa gió nhiều, ớt chỉ cho vài đợt hái và năng suất cũng ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Đỗ Ngọc Quang ở thôn Bình Sơn, xã Ninh Thọ cho biết, có lúc ớt gần chín đỏ, gặp trận mưa bị úng hư hết. Cũng có lúc sâu hại, bệnh khảm lá hoành hành khiến cho vườn ớt không ra trái hoặc trái xấu, bán không được. 5 sào ớt của gia đình ông chỉ cho thu hoạch được khoảng 2,5 tấn ớt. Nhiều hộ trồng ớt còn mất trắng.
Theo số liệu từ Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị thị xã Ninh Hòa, năm nay, nông dân trên địa bàn trồng khoảng 56ha ớt. Diện tích ớt chủ yếu tập trung ở các xã: Ninh Thọ 21ha, Ninh An 10ha, Ninh Sơn 7ha, Ninh Phước 6ha...
Tuy hầu hết các hộ trồng ớt ở thị xã Ninh Hòa đều dùng một giống ớt, áp dụng quy trình chăm sóc gần như nhau, ở một vùng đất có sự tương đồng, nhưng năng suất lại không giống nhau. Cũng 1.000m² ớt, có hộ thu được 3 - 4 đợt, có hộ chỉ thu được 1 đợt rồi phải nhổ bỏ vì sâu hại. Do vậy, năng suất có khi lên tới 1,5 tấn/1.000m², cũng có hộ chỉ thu được vài trăm kilôgam ớt.
Giá ớt tăng, giảm thất thường
Không chỉ chênh lệch lớn về năng suất, giá bán ớt cũng không ai giống ai. Như hộ ông Đào Quang Học, thu hoạch lứa đầu ông bán được 70.000 đồng/kg; các lứa sau ông chỉ bán được hơn 20.000 đồng/kg, phổ biến khoảng 25.000 đồng. Giá thu mua ớt có khi tăng cao, có khi tụt thấp với biên độ rộng. “Thương lái mua bao nhiêu thì chúng tôi biết bấy nhiêu, chứ nông dân trồng ớt ít ai biết vì sao giá cả lại nhảy múa như vậy” - ông Học chia sẻ.
Loại ớt chỉ thiên giống Chánh Phong 04 (ớt đỏ) được trồng nhiều.
Theo các nông dân ở xã Ninh Sơn, với 1.000m² trồng ớt, chi phí đầu tư khoảng 15 triệu đồng. Nhà nào làm được khoảng 1 tấn ớt, với giá bán khoảng 25.000 đồng/kg, mỗi sào ớt cho thu nhập 10 triệu đồng. Còn hộ nào dính sâu bệnh, mưa gió vào dịp ớt sắp chín coi như lỗ vốn.
Bà Huỳnh Thị Lan Anh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Thọ cho biết, khi trời nắng to, ớt gặp sâu xanh, bọ trĩ phá hại; trời mưa sinh ra nấm. Loại cây trồng này cần ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ như nhà màng, nhà lưới, với hệ thống tưới tiêu, chăm sóc hiện đại, quy trình khép kín mới có thể thu về năng suất, chất lượng ổn định. Tuy nhiên, hầu hết diện tích trồng ớt không phải đất chuyên canh nên các hộ không đầu tư nhà lưới; nếu muốn đầu tư, số vốn bỏ ra ban đầu cũng không nhỏ.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Hội Nông dân thị xã Ninh Hòa cho biết, thời gian tới, hội sẽ tập trung phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về xây dựng thương hiệu, mã vùng trồng cho cây ớt trên địa bàn. Đồng thời, hỗ trợ nông dân đưa nông sản ớt lên sàn thương mại điện tử, quảng bá sản phẩm tại các hội thảo, phiên chợ nông sản... Đồng thời, hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân và nguồn vốn ủy thác từ các ngân hàng để đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng cây ớt, áp dụng quy trình trồng trọt được chứng nhận, tạo điều kiện từng bước xây dựng thương hiệu ớt trên địa bàn, góp phần phát triển nông sản ổn định hơn.
NGỌC KHÁNH
Nguồn Khánh Hòa : http://www.baokhanhhoa.vn/doi-song/202505/ninh-hoa-vu-ot-bap-benh-afa26c8/