Ngày 19-12, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội thảo định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2035, trọng tâm thúc đẩy kinh tế biển và kinh tế đô thị trở thành động lực phát triển.
Ninh Thuận cần nghị quyết các chính sách ưu đãi
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, nói bối cảnh hiện nay là dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đang được tái khởi động, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước; đến năm 2045 trở thành tỉnh phát triển toàn diện, có thu nhập cao.
Hội thảo định hướng phát triển kinh tế tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: H.H
Do đó, tỉnh Ninh Thuận mời các chuyên gia kinh tế hàng đầu cả nước, các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp ý tưởng sáng tạo, các giá trị mới, có ý nghĩa khoa học, thực tiễn cao, các định hướng lớn, những vấn đề nhằm hiện thực hóa mục tiêu, định hướng và tầm nhìn quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận phát triển nhanh, bền vững.
Theo tiến sĩ Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, việc Quốc hội quyết định tái khởi động hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và đang đặt quyết tâm thực hiện sớm sẽ khẳng định mạnh mẽ hơn vị trí, vai trò của tỉnh Ninh Thuận.
“Đây là cơ hội, lợi thế vượt trội của Ninh Thuận trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc so với nhiều địa phương khác”- tiến sĩ Trần Du Lịch nhận định.
TS Trần Du Lịch phát biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh: H.H
Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng việc tái khởi động xây dựng các nhà máy hạt nhân không làm thay đổi định hướng quy hoạch phát triển tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mà tạo thêm sự đột phá của quá trình hình thành trung tâm năng lượng quốc gia.
Ông Lịch gợi ý nhiệm vụ quan trọng nhất của Ninh Thuận là triển khai quy hoạch bằng các dự án cụ thể để thu hút đầu tư với tâm thế mới.
“Ninh Thuận nên kiến nghị Trung ương, Quốc hội ban hành nghị quyết xây dựng chính sách ưu đãi quốc gia. Có như vậy Ninh Thuận mới tiếp tục biến tiềm năng, lợi thế để phát triển, tăng trưởng kinh tế hai con số như mục tiêu đề ra”- TS Trần Du Lịch đề xuất.
Theo ông Lịch, tỉnh Ninh Thuận nên kiến nghị Trung ương có nghị quyết ưu tiên ngân sách đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho người dân nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; hệ thống chính sách đủ mạnh để phát triển năng lượng tái tạo, ưu tiên phát triển điện gió ngoài khơi để sớm trở thành trung tâm năng lượng quốc gia. Đồng thời cần trao cơ chế phân cấp, phân quyền để Ninh Thuận “tự quyết, tự làm và tự chịu trách nhiệm”.
Cần giải pháp đột phá về kinh tế
Cùng quan điểm, Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nói Ninh Thuận đang có nhiều động lực lớn. Do đó, tỉnh cần có giải pháp, đột phá về thể chế, chính sách để phát triển nhanh, bền vững.
Xây dựng hạ tầng tại khu vực nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1.
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Thiên đề xuất tỉnh Ninh Thuận nên kiến nghị Trung ương trao quyền cho tỉnh một cơ chế để giải quyết các điểm nghẽn của điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực, tạo đột phát của đột phá để thu hút đầu tư, vươn mình phát triển.
Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Quang Bình, giảng viên Trường đại học Kinh tế- Đại học Đà Nẵng, cho rằng tỉnh Ninh Thuận còn nhiều điểm nghẽn, vấn đề trở lực phát triển như mô hình phát triển, cơ cấu kinh tế, lao động, vật chất thể chế, hạ tầng.
Theo ông Bình, tỉnh Ninh Thuận cần tiếp tục đổi mới cách thức phát triển, giải quyết quy mô kinh tế nhỏ, xây dựng các chính sách ưu đãi tập trung vào các ngành kinh tế chiến lược như công nghiệp chế tạo, năng lượng tái tạo, dịch vụ hiện đại.
Đặc biệt, tỉnh Ninh Thuận cần chuẩn bị các điều kiện để xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam qua Ninh Thuận.
Đồng thời, đẩy nhanh đô thị hóa, hiện đại hóa hạ tầng đô thị nhằm thu hút lao động chất lượng cao, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
HUỲNH HẢI