Ninh Thuận: Kinh nghiệm thành công trong phát triển thương mại điện tử

Ninh Thuận: Kinh nghiệm thành công trong phát triển thương mại điện tử
5 giờ trướcBài gốc
Ngày 14/5/2021, UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành Kế hoạch số 2351/KH-UBND về việc phát triển TMĐT tỉnh giai đoạn 2021-2025, với tổng nguồn kinh phí thực hiện là 6,61 tỷ đồng. Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi TMĐT trong doanh nghiệp và cộng đồng để tăng hiệu quả kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; đẩy mạnh giao dịch TMĐT xuyên biên giới giúp các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.
Đưa nông sản lên sàn TMĐT
Tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025, khoảng 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến thông qua các sàn TMĐT, mạng xã hội, các ứng dụng TMĐT bán hàng và các website TMĐT bán hàng...; Doanh số TMĐT B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) tăng 25%/năm, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh…
Thực hiện kế hoạch trên, từ ngày 30/12/2022, sàn TMĐT tỉnh Ninh Thuận (tại địa chỉ http://sanphamninhthuan.vn) chính thức đi vào vận hành nhằm kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) đưa các mặt hàng nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP… lên sàn.
Sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh - Ảnh: Minh Thương
Thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận cho hay, đến nay, có hơn 90 đơn vị tham gia sàn TMĐT của tỉnh, với 350 sản phẩm tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, từ các sản phẩm nông sản như: nho, táo, măng tây, nha đam... đến các sản phẩm chế biến, thủ công mỹ nghệ, du lịch lữ hành... Ngoài ra, rất nhiều sản phẩm của tỉnh được đưa lên giới thiệu, mua bán tại các sàn TMĐT lớn như: Shopee, Lazada, Tiki; các kênh mạng xã hội: Facebook, Zalo... Sản lượng tiêu thụ qua các kênh số trung bình chiếm 25-30% sản lượng tiêu thụ của các DN, cơ sở sản xuất.
Cùng đó, Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận đã hỗ trợ xây dựng 14 bộ thương hiệu trực tuyến, gồm: website, hệ thống email, fanpage trên facebook, landing page và 18 website thương mại điện tử cho các cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm đặc thù; hỗ trợ 18 phần mềm bán lẻ; hỗ trợ 224 đơn vị ứng dụng, sử dụng hợp đồng điện tử trong giao dịch thương mại. Thực tế, thời gian qua, các sàn TMĐT đã hỗ trợ rất tốt cho các hộ nông dân trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; giúp cho các hộ sản xuất nông nghiệp tìm kiếm được nhiều thị trường tiêu thụ.
Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ
Để đạt được những kết quả khả quan đó, Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện đồng bộ, đẩy mạnh ứng dụng TMĐT trong kết nối cung cầu sản phẩm với thị trường trong nước và quốc tế. Trong đó, Ninh Thuận chú trọng công tác tuyên truyền. Hằng năm, Sở Công Thương tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức về TMĐT để thay đổi nhận thức, thói quen từ bán hàng truyền thống sang bán hàng trực tuyến. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước, đội ngũ thực thi pháp luật về TMĐT; cập nhật tình hình phát triển của TMĐT trong nước và thế giới.
Đồng thời, tỉnh Ninh Thuận tổ chức các lớp tập huấn, khóa đào tạo ngắn hạn về TMĐT cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh theo các chủ đề chuyên sâu. Trong đó, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai quy trình bán hàng trực tuyến, quy trình kinh doanh theo các mô hình B2B và B2C; cũng như cách thức tích hợp công cụ thanh toán trực tuyến, quảng bá, marketing hiệu quả cho website; cách thức quảng bá tăng sự tiếp cận tới khách hàng trên mạng xã hội. Sở Công Thương tỉnh cũng thường xuyên rà soát, tổng hợp nhu cầu của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu để hỗ trợ quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.
Siêu thị trên địa bàn thành phố Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận) chấp nhận thanh toán bằng hình thức chuyển khoản qua thẻ ATM hoặc quét mã QR - Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN
Ông Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Ninh Thuận cho biết, với mục tiêu trở thành một trong những địa phương tiên phong trong ứng dụng TMĐT, tỉnh Ninh Thuận đã xác định 4 trụ cột chính để phát triển kinh tế số, bao gồm: TMĐT - thanh toán không dùng tiền mặt; số hóa các ngành kinh tế; quản trị số và dữ liệu số. Tỉnh đặt mục tiêu năm 2024 kinh tế số chiếm khoảng 12% GRDP; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 30%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 7% và 100% sản phẩm OCOP của tỉnh được đưa lên các sàn thương mại điện tử.
Để đặt mục tiêu đó, năm 2024, tỉnh Ninh Thuận dành trên 606 triệu đồng để triển khai các nội dung, giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng rộng rãi TMĐT trong doanh nghiệp và cộng đồng. UBND tỉnh giao Sở Công Thương phối hợp các sở, ngành, đơn vị, địa phương tập trung triển khai ba nhóm nhiệm vụ chính, bao gồm: đào tạo phát triển nguồn nhân lực về TMĐT; phát triển các sản phẩm, giải pháp TMĐT; nghiên cứu xây dựng giải pháp thúc đẩy tăng tỷ lệ thanh toán điện tử, giảm tỷ lệ sử dụng tiền mặt tại các chợ.
Sở Công Thương Ninh Thuận cũng phối hợp với Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức các hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh với các sàn TMĐT để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm qua các sàn TMĐT nhiều hơn nữa. Nhằm bảo vệ, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, cũng như doanh nghiệp khi tham gia mua bán trực tuyến, Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận thường xuyên kiểm tra, giám sát đảm bảo chất lượng, giá cả các mặt hàng trên các sàn.
Hòa Linh/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/cong-nghe/chuyen-doi-so/ninh-thuan-kinh-nghiem-thanh-cong-trong-phat-trien-thuong-mai-dien-tu-post1125634.vov