Ninh Thuận tìm giải pháp thoát khỏi 'vùng trũng' du lịch

Ninh Thuận tìm giải pháp thoát khỏi 'vùng trũng' du lịch
3 giờ trướcBài gốc
Khách du lịch Hàn Quốc vui chơi tại điểm du lịch tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Lệ Giang
Khách thích ngắm nhìn cảnh đẹp
“Em đã đi du lịch nhiều nơi rồi, nhưng hoa bằng lăng tím ở vùng núi đá huyện Thuận Nam vẫn để lại ấn tượng đặc biệt. Từ quốc lộ 1A rẽ xuống đường ven biển (Cà Ná), xe ô tô liên tục tấp vào bãi đỗ để du khách ngắm nhìn hoa trên đồi. Bao nhiêu tháng, hứng chịu nắng gắt, sau đợt mưa lớn, những cây bằng lăng nơi núi đá bắt đầu bung nở ra hoa màu tím tươi thắm cả một vùng đồi, dưới là biển xanh ngắt, phong cảnh hài hòa trước mỏm núi nhô ra biển, có con đường uốn lượn xung quanh” - Chị Nguyễn Xuân Lan, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh bị vẻ đẹp thiên nhiên hút hồn, chia sẻ.
Gia đình chị Lan chỉ đi qua đường ven biển tỉnh Ninh Thuận, ghé thăm vườn nho ở huyện Ninh Hải, ngắm nghía vùng ven Vườn quốc gia Núi Chúa... Tối ra Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa thuê khách sạn lưu trú khoảng 3 ngày. Đa phần du khách đến Ninh Thuận đều khẳng định, cảnh vật ở đây tuyệt vời, nhưng chỉ “thoáng qua” để họ ngắm nhìn cảnh đẹp, ít khi ở lại vài ngày để tìm hiểu chiều sâu văn hóa, cốt cách con người Ninh Thuận, nơi có đồng bào Chăm sinh sống đông nhất nước.
Ninh Thuận có nhiều sản phẩm du lịch đa dạng và độc đáo như: Hệ thống tháp Chăm và những danh lam thắng cảnh đẹp như vịnh Vĩnh Hy, biển Ninh Chữ, Bình Tiên, đồi cát Nam Cương, Mũi Dinh, Cà Ná... Ninh Thuận còn là miền đất phong phú về lịch sử, văn hóa, là điểm hội tụ của nhiều phong tục, truyền thống người Chăm, Raglai... Các loại hình du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng đặc sắc cùng các dịch vụ đi kèm cũng góp phần tạo nên nét riêng, khác biệt, mới lạ thu hút du khách.
Tại Hội nghị tổng kết công tác phối hợp phát triển du lịch 3 tỉnh ven biển Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên vừa mới diễn ra, đại biểu tỉnh Ninh Thuận cho rằng, tỉnh có sản phẩm du lịch đa dạng, nhưng vẫn nằm ở “vùng trũng” du lịch, ở phía Nam có tỉnh Bình Thuận đã hút hết khách, phía Tây có Đà Lạt, phía Bắc có thành phố biển Nha Trang.
“Những năm trước, Khánh Hòa “chi viện” cho Ninh Thuận lượng khách Nga khá lớn. Bây giờ, khách Nga giảm mạnh, khách Hàn Quốc có vào chơi ban ngày, chiều tối quay về Nha Trang lưu trú. Làm sao giữ chân khách quốc tế ở lại Ninh Thuận giống như Nha Trang, đây là một bài toán khó” - ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận nêu thực trạng.
Khoảng cách từ sân bay quốc tế Cam Ranh đến các điểm du lịch phía Bắc tỉnh Ninh Thuận cũng bằng đoạn đường từ sân bay quốc tế về phía Bắc thành phố Nha Trang. Mỗi ngày, sân bay này đón mấy chục chuyến bay quốc tế, đa phần khách về lưu trú ở tỉnh Khánh Hòa. Hiện nay, đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang đã đưa vào sử dụng, lượng khách nội địa từ miền Đông Nam Bộ cũng thường đi xe ô tô thẳng đến Nha Trang.
Tuyến đường ven biển từ Bình Tiên - Cà Ná đi qua cánh đồng điện gió rất đẹp. Ảnh: Lệ Giang
Tập trung phát triển các "chất liệu" văn hóa Chăm
Ngày 23/2/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 266/QĐ-TTg về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ đến năm 2045, nhằm khai thác các giá trị tiềm năng tổng thể để phát triển du lịch và kinh tế - xã hội. Đồng thời, là cơ sở pháp lý về quy hoạch để quản lý, thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào phát triển các khu vực ven biển tỉnh Ninh Thuận, trở thành một trong các vùng du lịch trọng điểm quốc gia, là điểm đến hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao trong khu vực, cả nước và quốc tế.
Vườn quốc gia Núi Chúa có Khu bảo tồn biển với tổng diện tích 7.352ha. “Mật độ rạn san hô ở Vườn quốc gia Núi Chúa lớn nhất cả nước, các loài sinh vật biển cư ngụ khá phong phú, chính vì vậy, hàng năm, nhiều rùa biển đến bãi cát đẻ trứng. Đây là nguồn “vốn tự nhiên”, cần tổ chức thật tốt công tác bảo vệ môi trường và khai thác hoạt động du lịch. Chẳng hạn, dịch vụ lặn biển ngắm nhìn sinh vật cảnh, du khách quốc tế rất thích loại hình này. Ninh Thuận vẫn chưa tổ chức sản phẩm này để “hái ra tiền” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang gợi mở.
Ở phía Tây tỉnh Ninh Thuận có Vườn quốc gia Phước Bình, hiện nay còn những đàn bò tót, điều thú vị là bò tót tự nhiên giao phối với bò của người dân nuôi ở ven rừng, đẻ ra những con bò tót F1. Nếu tổ chức bài bản, gắn với những câu chuyện bảo vệ rừng, bảo vệ đàn bò tót trở thành sản phẩm du lịch mới hấp dẫn.
Ông Nguyễn Phi Hồng Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch Việt Promotion, tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Công ty tôi chuyên làm dịch vụ lữ hành du lịch, thường xuyên đưa khách từ thành phố Nha Trang vào Ninh Thuận tham quan, nhận thấy: Thứ nhất, các dịch vụ ở thành phố Phan Rang - Tháp Chàm còn đơn điệu, chưa đủ hấp dẫn để khách du lịch chi tiền, bản chất đi du lịch là tiêu tiền. Thứ hai, Ninh Thuận có nhiều làng, xã, huyện có nhiều đồng bào Chăm sinh sống, đây là giá trị lịch sử, văn hóa, đời sống sinh hoạt phong phú, đa dạng. Cần phải có những “bàn tay” của các nhà tổ chức văn hóa, du lịch chuyên nghiệp và chính quyền địa phương, người dân cùng bàn bạc, tổ chức lại các điểm du lịch. Qua đó, kể cho được những câu chuyện về lịch sử, văn hóa Chăm. Thứ ba, thiết lập những điểm du lịch rời rạc, thành chuỗi, cung đường du lịch khép kín để thuận lợi thời gian di chuyển của khách, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch. Chỉ có những điểm du lịch tốt mới giữ chân khách lưu trú ở lại Ninh Thuận nhiều ngày”.
Tập trung tháo gỡ những khó khăn
“Tôi đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh. Tập trung tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp du lịch. Cùng với đó, cần phải rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch thích hợp trong quy hoạch tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” - ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận thông tin.
Lệ Giang
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/ninh-thuan-tim-giai-phap-thoat-khoi-vung-trung-du-lich-post484627.html