Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận tham quan Tiểu dự án Môi trường bền vững TP. Phan Rang - Tháp Chàm và Dự án Đập ngăn mặn sông Dinh (Ảnh: Thanh Bình)
“Hai địa phương, một điểm đến”
Ninh Thuận và Bình Thuận có nhiều nét tương đồng, nhất là về lịch sử, văn hóa, du lịch. Chương trình Hợp tác phát triển văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2023 - 2025 giữa hai địa phương được ký kết vào tháng 10/2023 mở ra một trang mới, tận dụng và khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Từ đây, các điểm đến được kết nối, hình thành các chương trình du lịch đặc sắc mang thương hiệu chung của hai địa phương.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận nhìn nhận, việc xây dựng chương trình “hai địa phương, một điểm đến” là phù hợp với hai tỉnh. Tuy nhiên, để tăng sức hút, thì phải xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù. Vì thế, việc chia sẻ kinh nghiệm xây dựng sản phẩm du lịch phải phù hợp với mục tiêu, thị trường cốt lõi, bổ sung cho nhau.
Với Chương trình Hợp tác phát triển văn hóa, thể thao và du lịch, hai địa phương hợp tác giao lưu văn hóa, tổ chức biểu diễn nghệ thuật nhân các sự kiện văn hóa, chính trị của hai tỉnh; phối hợp trưng bày các ấn phẩm du lịch, văn hóa, con người Bình Thuận, Ninh Thuận tại hai địa phương; giao lưu thể thao và tham quan, học tập các mô hình thể thao tiêu biểu của nhau; hợp tác phát triển du lịch, trao đổi thông tin, hỗ trợ quảng bá, phối hợp tổ chức các chương trình xúc tiến du lịch và đào tạo nhân lực du lịch…
Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận khẳng định: “Với tài nguyên phong phú, đa dạng, hệ thống hạ tầng giao thông giữa Bình Thuận và Ninh Thuận được kết nối, trong đó có tuyến đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã đi vào hoạt động, góp phần rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai địa phương, mở ra cơ hội liên kết hợp tác, hỗ trợ, chia sẻ thế mạnh, Bình Thuận và Ninh Thuận sẽ phát huy sức mạnh nội lực và ngoại lực để cùng phát triển”, ông Nhân chia sẻ.
Đối với tỉnh Ninh Thuận, ông Lê Thanh Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết, du lịch xanh, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp là xu hướng mà tỉnh đang hướng tới. Ninh Thuận mong muốn Hiệp hội Du lịch của hai tỉnh cùng hỗ trợ nhau để phát triển du lịch.
Tăng cường Hợp tác
Mới đây, ngày 8/11/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức chuyến công tác trao đổi kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội tại Ninh Thuận về các lĩnh vực như thu hút đầu tư, xây dựng quy hoạch, chuyển đổi số, phát triển các khu du lịch…
Ninh Thuận và Bình Thuận đã đề xuất ký kết hợp tác trên các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, tương đồng như công nghiệp năng lượng, kinh tế biển, du lịch, văn hóa, nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi số, xúc tiến đầu tư, thương mại, dịch vụ, liên thông hồ thủy lợi… Hai tỉnh hợp tác để đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế; phát triển mạnh kinh tế biển; phát triển phù hợp kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, tạo khí thế phát triển liên vùng.
Ông Nguyễn Hoài Anh, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận bày tỏ ấn tượng trước sự phát triển của tỉnh Ninh Thuận sau 32 năm tái lập. Nhiều lĩnh vực mà Bình Thuận cần nghiên cứu, tham khảo, học tập kinh nghiệm của Ninh Thuận, qua đó cộng hưởng phát triển. Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận đề nghị, thời gian tới, hai tỉnh sớm ký kết chương trình hợp tác ở một số lĩnh vực mang tính khả thi, hiệu quả, như chương trình hợp tác phát triển về văn hóa; phối hợp tổ chức xúc tiến đầu tư chung hoặc chia sẻ thông tin về đầu tư; mô hình đầu tư hạ tầng kết nối thủy lợi giữa hai tỉnh...
Ông Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận mong muốn, thời gian tới, hai tỉnh tiếp tục thường xuyên trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, đề ra những giải pháp phù hợp thực tiễn và có mối quan hệ hợp tác thắt chặt hơn nữa.
Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận đề nghị các sở, ngành hai tỉnh nghiên cứu, trao đổi và sớm thống nhất ký kết hợp tác chính sách nhằm thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững; trong đó tập trung khai thác thế mạnh chung của Ninh Thuận và Bình Thuận về năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi; chia sẻ kinh nghiệm về thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Chăm. Đồng thời, hai bên tăng cường cung cấp thông tin về xúc tiến đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; liên kết phát triển các trung tâm logistics có tính cạnh tranh cao trong khu vực.
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan của tỉnh Ninh Thuận tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương có liên quan của tỉnh Bình Thuận để trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau và đề ra những giải pháp, cách làm phù hợp với thực tiễn, bảo đảm việc hợp tác hiệu quả và có những bước phát triển mới.
Linh Đan
P.V