Nỗ lực an cư ở vùng có nguy cơ ảnh hưởng thiên tai

Nỗ lực an cư ở vùng có nguy cơ ảnh hưởng thiên tai
7 giờ trướcBài gốc
Một góc khu TĐC bản Lở, xã Thiên Phủ.
Ảnh hưởng của đợt sạt trượt đất, đá cuối tháng 2/2025, ngôi nhà sàn của ông Bùi Văn Hanh (thôn Cả, xã Bá Thước) bị sập hoàn toàn, sau nhiều tháng ăn gửi, nằm nhờ nhà người quen, nay gia đình chuẩn bị dọn vào ở trong nhà ngôi nhà mới được xây dựng khang trang, kiên cố. Chia sẻ về niềm vui này, ông Hanh cho biết: “Trong quá trình làm nhà, ngoài sự hỗ trợ quỹ đất từ anh em họ hàng, gia đình còn được người dân trong thôn ủng hộ 10 triệu đồng mua sắm vật dụng thiết yếu. Phía chính quyền địa phương cũng thường xuyên quan tâm, huy động lực lượng hỗ trợ ngày công, vận chuyển vật liệu... Về nơi ở mới, điều kiện sinh hoạt an toàn, thuận tiện hơn. Đặc biệt, mưa bão năm nay sẽ không còn phải thấp thỏm nỗi lo sạt lở”.
Sau hơn 3 năm, kể từ ngày rời nơi ở cũ đến khu TĐC theo Đề án sắp xếp dân cư vùng bị ảnh hưởng thiên tai của tỉnh, cuộc sống của 34/144 hộ dân ở bản Lở (xã Thiên Phủ) có nhiều đổi khác. Những ngôi nhà sàn, nhà xây kiên cố mọc lên san sát, các hộ dân được sử dụng các dịch vụ xã hội tiện ích cơ bản, có công trình vệ sinh, nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn, an ninh, trật tự đảm bảo. Ông Lương Văn Thiên (sinh năm 1967, dân tộc Mường), một trong những hộ dân tiên phong đến sinh sống tại đây, cho biết: Hằng năm chính quyền địa phương đã hỗ trợ, thúc đẩy giải quyết việc làm cho bà con thông qua chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xuất khẩu lao động, làm việc ở các nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh. Từ ngày chuyển đến đây, tư duy, nhận thức của chúng tôi thay đổi rõ rệt, cùng nhau đoàn kết, năng động trong phát triển sản xuất, đời sống dần khấm khá hơn.
Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nỗ lực từ các cấp, ngành, các khu TĐC mới đã được xây dựng, nhiều hộ dân sinh sống ở những nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét đã được “an cư”, ổn định cuộc sống, tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Cuộc sống của đồng bào Mông tại khu TĐC bản Ón, xã Tam Chung có nhiều đổi thay.
Bản Ón - một trong những bản người Mông xa xôi, khó khăn bậc nhất của xã biên giới Tam Chung. Trước đây, bản có nhiều điểm có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, người dân luôn phải thấp thỏm lo sợ tình trạng sạt lở đất.
Phó Chủ tịch UBND xã Tam Chung, ông Đỗ Viết Quân cho biết: Năm 2022, UBND tỉnh phê duyệt đầu tư dự án khu TĐC tập trung tại bản Ón, với tổng vốn hơn 15 tỷ đồng trên diện tích 3ha để bố trí sắp xếp ổn định cho 42/114 hộ của bản. Đến nay, cuộc sống người dân có nhiều chuyển biến rõ rệt, bà con chịu khó tiếp cận, học hỏi thêm nhiều kiến thức trên các phương tiện thông tin đại chúng, đầu tư máy móc, nông cụ phát triển kinh tế. Nhiều hộ bỏ thói quen nuôi thả gia súc, gia cầm chuyển sang nuôi nhốt, thả trên đồi nên vệ sinh môi trường đã được cải thiện. Hiện, khu TĐC có 14 hộ được công nhận gia đình văn hóa, thu nhập bình quân đầu người đạt 31,4 triệu đồng/năm, trẻ em trong độ tuổi đến trường đầy đủ, 6 học sinh đang theo học bậc THPT, 10 lao động làm việc tại các công ty trong nước.
Trước tình hình nhiều thôn, bản khu vực miền núi còn nằm trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng thiên tai, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, các cấp ngành, địa phương trong tỉnh đã nỗ lực triển khai xây dựng Đề án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi giai đoạn 2021-2025 và đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4845/QĐ-UBND ngày 1/12/2021, điều chỉnh tại Quyết định số 511/QĐ-UBND ngày 21/2/2025, với mục tiêu đến năm 2025 thực hiện sắp xếp, ổn định cho 2.225 hộ dân (TĐC xen ghép 599 hộ, TĐC liền kề 300 hộ/17 khu và TĐC tập trung 1.326 hộ/31 khu). Tính đến hết ngày 20/7, trên địa bàn các xã miền núi thuộc đề án đã tổ chức sắp xếp ổn định cho 409/2.225 hộ. Nét nổi bật trong việc thực hiện đề án là đã gắn việc di dân với thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từ đó nhiều bản làng mới được hình thành, diện mạo nông thôn khởi sắc; đời sống bà con dần ổn định, yên tâm sản xuất. Không còn tình trạng di cư tự do và chặt phá rừng, đốt nương làm rẫy, góp phần quan trọng trong bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ chính trị, trật tự an toàn xã hội...
Ngôi nhà được xây dựng khang trang của gia đình ông Bùi Văn Hanh (thôn Cả, xã Bá Thước).
Đại diện Phòng Kinh tế hợp tác và Bố trí dân cư, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, tiến độ thực hiện xây dựng các khu TĐC còn khá chậm. Nguyên nhân do đa số các hộ dân vùng ảnh hưởng thiên tai là các hộ nghèo, cận nghèo nên việc tự tìm quỹ đất thực hiện di chuyển khó khăn, trong khi địa hình các xã khu vực miền núi bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn, quỹ đất ở hạn chế. Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh chưa đủ để đầu tư xây dựng đầy đủ các hạng mục hạ tầng kỹ thuật ở các khu TĐC... Toàn tỉnh hiện còn 20 dự án chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chủ đầu tư, Sở Nông nghiệp và Môi trường đang tiếp tục phối hợp với các địa phương để lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình thẩm định theo quy định.
Thời gian tới, để đẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện đề án, nhiệm vụ đề ra của các cấp, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương cần huy động tối đa nguồn lực, nhất là nguồn lực trong Nhân dân. Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, vị trí, vai trò của bố trí dân cư đối với phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, chống giảm nhẹ thiên tai, củng cố an ninh - quốc phòng...
Bài và ảnh: Trung Lê
Nguồn Thanh Hóa : https://vhds.baothanhhoa.vn/no-luc-an-cu-o-vung-co-nguy-co-anh-huong-thien-tai-38323.htm