Giám đốc Sở KH&CN Dương Bình Phú phát biểu tại buổi nghiệm thu. Ảnh: LỆ VĂN
Đây là đề tài nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cấp tỉnh do Trung tâm KH&CN Nông nghiệp - Sinh học La Hiêng (TP Tuy Hòa) chủ trì thực hiện; TS Văn Thị Phương Như (Trường đại học Phú Yên) làm chủ nhiệm, được thực hiện từ tháng 10/2020 đến nay với tổng kinh phí hơn 1,1 tỉ đồng.
Bảo tồn nguồn gen đặc hữu
Chính việc khai thác quá mức và không có kế hoạch bảo tồn nên cây trà Mã Dọ đứng trước nguy cơ cạn kiệt và có nguy cơ tuyệt chủng. Nhận thức được tiềm năng phát triển kinh tế của loài cây này, cũng như cần phải bảo tồn giống trà đặc hữu ở vùng đất Phú Yên, từ nguồn ngân sách, TS Văn Thị Phương Như và các cộng sự đã bắt tay vào nghiên cứu để nhân giống, bảo tồn cây trà Mã Dọ.
TS Văn Thị Như Phương và các cộng sự tiến hành di thực 3 cây trà Mã Dọ từ rừng về vườn ươm để trồng và nghiên cứu, sau đó chọn những cành khỏe để tiến hành giâm hom… nhưng kết quả mang lại không như mong muốn. Vì vậy, để phục tráng cây trà Mã Dọ, nhóm nghiên cứu tiến hành xây dựng quy trình nhân giống cây trà Mã Dọ bằng phương pháp nuôi cấy mô invitro.
Tháng 12/2022, sau gần 1 năm nghiên cứu, thử nghiệm bằng nhiều phương pháp, nhóm đã thành công khi nhân giống invitro được 10.000 cây trà Mã Dọ để đưa ra vườn ươm, trồng thực nghiệm tại xã An Xuân (huyện Tuy An) và xã Xuân Hải (TX Sông Cầu). Mặt khác, chủ nhiệm đề tài và các cộng sự tiếp tục ươm tạo và nuôi cấy hàng ngàn mẫu mô phôi cây trà Mã Dọ để chuyển giao cho ngành Nông nghiệp và người dân có nhu cầu; đồng thời tiến hành thu hoạch trà búp tươi và xây dựng được quy trình sản xuất, chế biến trà Mã Dọ thương phẩm.
Là người tham gia đề tài, ông Võ Đình Phiên (người dân ở xã Xuân Hải) cho biết: “Hằng năm cứ vào tiết lập xuân, người dân lại lên đỉnh Cù Mông hái trà Mã Dọ về nấu uống. Một số người còn lấy trà Mã Dọ sấy khô, ngâm rượu bán cho khách thập phương. Nhưng việc bảo tồn và phát triển thế nào thì không ai quan tâm, nên cũng chỉ còn sót lại vài cây ở rừng. Hiện nay, nhờ TS Như và cộng sự mà cây trà Mã Dọ được phục tráng. Hiện tôi được hướng dẫn cách trồng và chăm sóc loài cây này nên vui lắm! Tôi mong sau khi đề tài nghiệm thu sẽ sớm chuyển giao quy trình trồng và sản xuất trà Mã Dọ cho người dân chúng tôi để phát triển kinh tế”.
Theo TS Văn Thị Phương Như, sau thời gian triển khai, đến nay đề tài đã hoàn thành. Trong đó, nhóm nghiên cứu đã làm chủ được quy trình nhân giống cây trà Mã Dọ; xây dựng quy trình, chăm sóc, thu hoạch trà; xây dựng quy trình sản xuất và chế biến trà Mã Dọ đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Việc nghiên cứu và phát triển thành công không chỉ bổ sung dẫn liệu về đặc điểm thực vật học, mà còn là cơ sở dữ liệu về tính thích ứng của cây trà Mã Dọ ở TX Sông Cầu để có kế hoạch định hướng bảo tồn và phát triển trong thời gian đến”, TS Văn Thị Phương Như chia sẻ.
TS Văn Thị Phương Như và thành viên hội đồng nghiệm thu kiểm tra thực địa việc trồng trà Mã Dọ ở xã Xuân Hải (TX Sông Cầu). Ảnh: LỆ VĂN
Mở rộng diện tích trồng
Mới đây, Hội đồng KH&CN cấp tỉnh đã thống nhất nghiệm thu đề tài Nghiên cứu và phát triển cây trà Mã Dọ tại TX Sông Cầu. Các thành viên hội đồng đánh giá cao kết quả mà chủ nhiệm và nhóm nghiên cứu thực hiện, nhất là công tác phục tráng, bảo tồn và nhân giống, trồng cây trà Mã Dọ tại thực địa, cũng như việc xây dựng quy trình sản xuất và chế biến sản phẩm từ cây trà…, nhằm góp phần bảo tồn, nâng cao giá trị, tiềm năng phát triển kinh tế của giống trà đặc hữu này.
PGS.TS Nguyễn Văn Minh (Trường đại học Tây Nguyên), ủy viên phản biện hội đồng nhận xét: “Tác động của kết quả đề tài góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích canh tác, góp phần thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân địa phương. Kết quả nghiên cứu đã sẵn sàng chuyển giao và ứng dụng tại một số vùng trên địa bàn tỉnh”.
Theo ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, thành viên hội đồng nghiệm thu, trà Mã Dọ có hương vị và giá trị đặc biệt, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở TX Sông Cầu cũng tạo cho trà Mã Dọ những đặc trưng riêng có như: hàm lượng chất tanin và những hoạt chất có khả năng chống oxy hóa cao; sắc hương chè có màu đỏ giống hồng trà nhưng ngon hơn và có chút vị mặn mòi từ gió biển, rất tốt cho sức khỏe.
“Chúng tôi đánh giá cao mục tiêu của đề tài là nghiên cứu giải pháp bảo vệ, bảo tồn, khai thác và phát triển cây trà Mã Dọ bền vững, gắn với phát triển du lịch sinh thái. Từ đó nâng cao giá trị, tạo thu nhập cho người sản xuất trà ở TX Sông Cầu nói riêng và tỉnh Phú Yên nói chung. Cùng với việc bảo tồn, phát huy giá trị trên diện tích trà Mã Dọ hiện có thì việc mở rộng diện tích trà Mã Dọ tập trung, áp dụng kỹ thuật canh tác hiện đại là hướng đi phù hợp, mang lại hiệu quả cao là điều chúng tôi mong muốn những người thực hiện đề tài sớm chuyển giao và nhân rộng cho địa phương trong thời gian đến”, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu bày tỏ.
Theo ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN, kết quả đề tài Nghiên cứu và phát triển cây trà Mã Dọ đã hoàn thành mục tiêu đề ra, được hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh đánh giá cao, có ý nghĩa thực tiễn khi xác định được các biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc cây trà Mã Dọ, góp phần bảo tồn, khai thác và phát triển cây trà tại địa phương, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.
Kết quả này là cơ sở để chúng tôi sẽ đề xuất UBND tỉnh cho phép giao Sở NN&PTNT xây dựng dự án trồng trà Mã Dọ trên địa bàn TX Sông Cầu hoặc có thể mở rộng trên địa bàn huyện Đồng Xuân, Tuy An. Các cấp, ngành liên quan sớm đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển và xây dựng thương hiệu nhãn hiệu, sản phẩm OCOP cho trà Mã Dọ để góp phần quảng bá sản phẩm thương mại trong thời gian đến.
Sản phẩm trà có giá trị hàng hóa và giá trị xuất khẩu cao. Hiện giá trị trên thị trường thế giới trong những năm gần đây khá ổn định, bình quân từ 1.200-1.900 USD/tấn trà đen, từ 200-300 USD/tấn trà xanh, trà vàng. Vì vậy, việc phát triển và bảo tồn cây trà Mã Dọ không chỉ bảo tồn được nguồn gen quý có nguy cơ tuyệt chủng, mà còn góp phần đa dạng cây trồng, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.
TS Văn Thị Phương Như
VĂN TÀI