Làng nghề sản xuất muối Tuyết Diêm (TX Sông Cầu) gắn liền cuộc sống của người dân ven biển và quá trình hình thành phát triển của tỉnh Phú Yên. Ảnh: NGỌC HÂN
Giá trị và thách thức
Nghề sản xuất muối Tuyết Diêm có lịch sử hình thành và phát triển hơn 300 năm tại xã Xuân Bình. Thời Pháp thuộc, hạt muối ở đây được quý đến mức nhà cầm quyền đã cho xây dựng nhà kho giữa cánh đồng và cắt cử nhân viên luân phiên canh giữ ngày đêm. Muối đắt đỏ tới mức diêm dân trong làng có câu truyền miệng: “Muối Cù Mông ba mươi đồng một hạt” để phản ánh giá trị cao của hạt muối Tuyết Diêm thời bấy giờ và tên gọi Tuyết Diêm xuất phát từ việc người dân muốn miêu tả hạt muối tinh khiết như tuyết, hạt chắc, vị mặn đậm đà không chát, khác biệt những nơi khác.
Theo ông Trần Nguyên Vũ, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Bình, nghề làm muối là nghề truyền thống gắn bó bao đời với bà con địa phương, song thực tế, việc sản xuất muối hiện nay gặp nhiều khó khăn. Do phương thức sản xuất chủ yếu vẫn mang tính thủ công và phụ thuộc vào điều kiện thời tiết nên hiệu quả kinh tế của nghề làm muối chưa thực sự cao.
“Hiện diêm dân đang áp dụng sản xuất muối phơi nước phân tán truyền thống và sản xuất muối áp dụng công nghệ phơi nước trên nền ô kết tinh trải bạt. Sản phẩm muối làm ra chủ yếu là muối thô, chưa có sản phẩm chế biến sâu từ muối nên mặc dù làng nghề Tuyết Diêm đã được công nhận là làng nghề truyền thống năm 2022 và nằm trong kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh giai đoạn 2024-2025, nhưng chưa có dự án cụ thể nào tích hợp ứng dụng công nghệ, đa dạng sản phẩm, du lịch cộng đồng được triển khai tại địa phương”, ông Vũ bày tỏ.
Bà Đặng Thị Kim Sáng, diêm dân ở thôn Tuyết Diêm chia sẻ: Gia đình tôi 3 đời gắn bó với nghề làm muối, vui buồn đều từ hạt muối mà ra. Hiện làng nghề có khoảng 350 hộ dân tham gia sản xuất, dù không giàu lên nhưng cũng ổn định cuộc sống, thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 10 triệu đồng/vụ, thế nhưng bà con vẫn ráng bám nghề.
Ông Trần Đức Hạnh, đại diện làng nghề sản xuất muối Tuyết Diêm cho hay: Diêm dân chúng tôi muốn làm muối không chỉ để giải quyết việc làm mà còn gìn giữ văn hóa truyền thống để nâng cao giá trị sản phẩm và vị thế cho nghề muối. Vì vậy, từ mô hình hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất muối trải bạt, đến nay, các hộ dân đã mở rộng diện tích sản xuất muối trải bạt lên hơn 22ha với 3 sản phẩm muối đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao.
Tái hiện lò hầm muối thủ công truyền thống bằng đất sét và gạch - mô hình giúp du khách hiểu rõ quy trình kết tinh nên hạt muối trắng tinh của người dân Tuyết Diêm tại Trung tâm Thông tin Di sản phố cổ Hà Nội. Ảnh: CTV
Mở hướng phát triển cho nghề muối
Ông Phan Xuân Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Diêm dân lâu nay làm muối phải lao động trực tiếp ngoài trời nắng gắt, đi chân trần trên mặt ruộng nóng rát, gánh nước biển, phơi, cào, vận chuyển muối bằng sức người mà chưa có công nghệ hỗ trợ trong sản xuất và chế biến. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đang khiến điều kiện sản xuất ngày càng bất lợi. Việc kết tinh muối phụ thuộc vào thời tiết nên mưa bão, gió mùa hay độ ẩm cao đều làm giảm sản lượng và gây tổn thất trong mùa vụ. Nhiệt độ tăng bất thường cũng ảnh hưởng đến quá trình bốc hơi, từ đó làm suy giảm chất lượng muối…
Trước thực trạng đó, Hội Nông dân tỉnh đang đề xuất Dự án nâng cao giá trị và đa dạng hóa sản phẩm muối Tuyết Diêm với sự đồng hành của Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP). Đó là lấy người dân làm trung tâm, phát huy vai trò tự quản, tự chủ, liên kết cộng đồng; kết hợp giữa bảo tồn văn hóa và đổi mới sáng tạo; gắn sản xuất với tiêu thụ, du lịch và chuỗi giá trị địa phương - OCOP - sinh kế xanh.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên quốc gia UNDP, muối Tuyết Diêm đã được lựa chọn là 1 trong 3 dự án về muối do UNDP hỗ trợ; đồng thời cũng là một trong 250 dự án tiêu biểu trên toàn quốc thuộc chương trình bảo tồn, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển du lịch, cải thiện sinh kế cho người dân và quản lý rác thải.
“Qua khảo sát thực địa và trực tiếp trao đổi, thảo luận với đại diện cộng đồng làng nghề, tôi ghi nhận và trân trọng đối với những nội dung mà Hội Nông dân tỉnh đã đề xuất trong dự án này. Chính làng nghề sản xuất muối Tuyết Diêm sẽ là đơn vị trực tiếp tiếp nhận và triển khai các hoạt động để bảo tồn làng nghề truyền thống và gắn kết với du lịch cộng đồng”, bà Huyền đánh giá.
Mới đây, tại Trung tâm Thông tin Di sản phố cổ Hà Nội đã diễn ra sự kiện ra mắt không gian trưng bày sản phẩm muối Tuyết Diêm. Chương trình do Hội Nông dân tỉnh, UBND TX Sông Cầu, Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố Hà Nội, Công ty TNHH Du hành Đại Hữu đồng phối hợp tổ chức. Tại sự kiện, không gian trưng bày đã giới thiệu nhiều dòng sản phẩm từ muối Tuyết Diêm, gồm: muối hầm, muối hột truyền thống; muối sức khỏe; muối tâm linh; cà phê muối và combo quà tặng gắn với du lịch văn hóa Phú Yên. Đặc biệt, không gian hầm muối truyền thống bằng lò gạch đất sét được tái hiện chân thực, tạo ấn tượng mạnh về sự kỳ công của nghề làm muối.
Ông Phan Xuân Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh
Qua tham vấn, lấy ý kiến góp ý các sở, ngành về ý tưởng dự án, đa số các đơn vị đều thống nhất cao; đồng thời góp thêm nhiều ý kiến theo hướng tích hợp sinh kế, công nghệ, văn hóa, du lịch cộng đồng… để Hội Nông dân tỉnh xây dựng hoàn chỉnh đề án đã đề xuất. Ông Nguyễn Hải Triều, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Thời gian tới, sở sẽ phối hợp với chính quyền địa phương triển khai một số giải pháp xúc tiến thương mại. Cụ thể là hỗ trợ xây dựng thương hiệu muối sạch Sông Cầu, kết nối với các doanh nghiệp thu mua, chế biến muối nhằm tạo chuỗi giá trị bền vững; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ thương mại, sàn thương mại điện tử và truyền thông số...
Theo Hội Nông dân tỉnh, mục tiêu tổng thể của dự án là nhằm góp phần nâng cao sinh kế bền vững và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu cho cộng đồng diêm dân Tuyết Diêm thông qua việc ứng dụng công nghệ phù hợp, phát triển sản phẩm muối giá trị gia tăng, bảo tồn làng nghề truyền thống và gắn kết với du lịch cộng đồng.
“Chúng tôi kỳ vọng sẽ đưa muối Tuyết Diêm trở thành mô hình điểm về du lịch nông thôn bền vững, vừa bảo tồn môi trường sinh thái, vừa đầu tư nâng cấp hạ tầng như kênh dẫn nước, khu vực đón khách, hệ thống xử lý vệ sinh môi trường, tạo niềm tin cho du khách trong và ngoài nước…”, ông Phan Xuân Hạnh khẳng định và cho biết thêm: Mới đây, tại Trung tâm Thông tin Di sản phố cổ Hà Nội đã diễn ra sự kiện ra mắt không gian trưng bày sản phẩm muối Tuyết Diêm. Chương trình do Hội Nông dân tỉnh, UBND TX Sông Cầu, Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố Hà Nội, Công ty TNHH Du hành Đại Hữu đồng phối hợp tổ chức. Tại sự kiện, không gian trưng bày đã giới thiệu nhiều dòng sản phẩm từ muối Tuyết Diêm, gồm: muối hầm, muối hột truyền thống; muối sức khỏe; muối tâm linh; cà phê muối và combo quà tặng gắn với du lịch văn hóa Phú Yên. Đặc biệt, không gian hầm muối truyền thống bằng lò gạch đất sét được tái hiện chân thực, tạo ấn tượng mạnh về sự kỳ công của nghề làm muối.
NGỌC HÂN