Nỗ lực bảo vệ rừng Amazon của người Kanamari

Nỗ lực bảo vệ rừng Amazon của người Kanamari
2 giờ trướcBài gốc
Những người phụ nữ thu lượm rau, củ, quả tự nhiên giàu dinh dưỡng trong chế độ ăn của người Kanamari. Ảnh: National Geographic
Thung lũng Javari được biết đến như một khu bảo tồn, nơi sinh sống của nhóm người Kanamari bản địa duy trì lối sống biệt lập với dân số ước tính khoảng 6.000 người. Khu vực nguyên sơ của người Kanamari có kích thước tương đương lãnh thổ Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, những con số này chỉ tính theo số lượng các thành viên của 7 bộ lạc mà chính quyền Brazil đã thiết lập được liên lạc.
Với sự cho phép của người dân bản địa, một số đoàn thám hiểm đã được phép tiếp cận vào lãnh thổ của người Kanamari, từ đó, những hình ảnh và thông tin về bộ tộc sống tách biệt với thế giới hiện đại được lan tỏa tích cực. Thức ăn của người Kanamari là sắn, các loại rau, củ, quả chủ yếu do phụ nữ thu hoạch, trong khi đàn ông người Kanamari săn bắn, đánh cá trong môi trường tự nhiên.
Đa số người trẻ tuổi ở khu vực này được nuôi dạy theo phong tục truyền thống, nhưng cũng có một số ít người được chọn lọc và gửi đến các thị trấn gần đó để học thêm những tiến bộ của xã hội hiện đại. Trong bối cảnh vùng đất hoang sơ ngày càng bị xâm hại, việc người Kanamari dần dần “lột xác”, ứng dụng những tiến bộ phát triển của nhân loại trong đời sống đã giúp họ rất nhiều trong việc ứng phó với các mối đe dọa.
Tại khu vực của người Kanamari, người ngoài bị cấm vào, nhưng sức hấp dẫn của khoáng sản, gỗ và động vật hoang dã dồi dào là điều không thể cưỡng lại đối với nhiều người. Người Kanamari duy trì lối sống cổ, chủ yếu dựa vào đất đai, nhưng mảnh đất nuôi dưỡng họ đang bị đe dọa ngày càng nghiêm trọng bởi những người ngoài thèm khát tài nguyên thiên nhiên trù phú của Amazon. Điều này đã khiến người Kanamari phải chật vật ứng phó với cảnh tượng quê hương tổ tiên của họ bị phá hủy.
Đối với người Kanamari, rừng được ví như là cha mẹ của họ, cung cấp cho họ mọi thứ trong cuộc sống. Vì vậy, nạn khai thác gỗ và tài nguyên thiên nhiên tại rừng Amazon đã thực sự xâm phạm nghiêm trọng đến đời sống tinh thần và cả sinh kế của người Kanamari.
Trong lịch sử, người Kanamari từng đối đầu với các tổ chức tội phạm và hứng chịu nhiều đau thương mất mát khi hoàn toàn “lép vế” trước sức mạnh của vũ khí hiện đại. Những thủ lĩnh và cả những người đến từ xã hội hiện đại hỗ trợ người Kanamari cũng từng bị ám sát bởi những phần tử tội phạm khai thác tài nguyên.
Vì vậy, người Kanamari đã tham gia vào một liên minh các cơ quan chức năng của chính quyền Brazil để ngăn chặn và đẩy lùi nạn tàn phá thiên nhiên. Trong đó, người Kanamari với tư cách là cộng đồng quản lý tại khu vực được cung cấp nhiều thiết bị, phương tiện hiện đại để phụ trách tuần tra, phát hiện những kẻ xâm phạm và báo cáo cho cơ quan chức năng. Một trong những nguyên tắc quan trọng là người Kanamari chỉ phát hiện và thông báo tới lực lượng chức năng, tuyệt đối không đối đầu với tội phạm, bởi việc làm này là vô cùng nguy hiểm.
Tại ngôi làng Sao Luis, Tù trưởng Mauro Kanamari (người Kanamari) cho hay, với sự quyết tâm bảo vệ thiên nhiên của người dân bản địa cùng sự hỗ trợ của chính quyền, nhiều nhóm người khai thác trái phép đã bị đẩy lùi. Lượng gỗ thu lại từ “lâm tặc” thường được tịch thu, nhưng hiện nay, số lượng gỗ bị khai thác bất hợp pháp ngày càng lớn đã gây nên nỗi sợ hãi cho người dân bản địa. Những người có vai trò trong các nỗ lực chống phá rừng vẫn thường xuyên bị đe dọa, thậm chí là thường trực nguy cơ bị ám sát.
Trong những thông điệp được người Kanamari truyền tới xã hội hiện đại đều xuyên suốt một mong muốn to lớn là có được sự hỗ trợ đẩy lùi các loại tội phạm khai thác tài nguyên. Đặc biệt, người Kanamari không coi rừng Amazon là sở hữu riêng của mình, mà nhấn mạnh rằng, đây là tài sản của toàn nhân loại. Vì vậy, việc bảo vệ rừng Amazon không chỉ là bảo vệ môi trường sống của người Kanamari, mà còn là tương lai của toàn thế giới.
Thanh Trúc
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/no-luc-bao-ve-rung-amazon-cua-nguoi-kanamari-post482413.html