Sau khi trận động đất xảy ra, sân trường Taw Win Yadanar ở thị trấn Zabu Thiri đã được chuyển thành khu lán trại tạm cho khoảng 200 người dân tạm trú trong điều kiện thiếu thốn. Trong sáng 02/4, lực lượng cứu hộ Bộ Công an Việt Nam đã cử một nhóm đến dựng 2 lều bạt để hỗ trợ người dân chỗ che nắng che sương. Đại tá Nguyễn Minh Khương, trưởng Đoàn công tác, hy vọng những lều bạt này sẽ phần nào bù đắp mất mát, giúp người dân cảm nhận được sự chia sẻ và tình yêu thương sau thảm họa.
Đại tá Nguyễn Minh Khương - đại diện lực lượng Công an Việt Nam tặng thực phẩm cho người dân Myanmar
Sáng cùng ngày, lực lượng cứu hộ của Quân đội nhân dân Việt Nam đã được các bác sĩ của Bệnh viện Ottara Thiri cung cấp sơ đồ chi tiết của bệnh viện và các vị trí nghi ngờ có nạn nhân mắc kẹt; đồng thời cho biết, trong bệnh viện nhiều khả năng có từ 14 - 20 nạn nhân (trong đó 1 thi thể đã được lực lượng cứu hộ của Quân đội nhân dân Việt Nam tìm thấy ngày 01/4). Đoàn đã triển khai 3 tổ tìm kiếm và tìm cách đưa các nạn nhân ra ngoài. Tính đến trưa nay, đã phát hiện được 4 thi thể.
Cán bộ Công an Việt Nam khám chữa bệnh cho người dân Myanmar
Song song với công tác cứu nạn, đội ngũ y tế của đoàn cũng đã tổ chức khám chữa bệnh và phát thuốc cho những người dân bị thương trong trận động đất. Những hoạt động này đã nhận được sự cảm ơn và tình cảm sâu sắc từ phía người dân nơi đây. Bà Daw Maw Maw, một người dân Myanmar, chia sẻ: "Chúng tôi vừa trải qua thảm họa động đất, nhưng những ngày qua, chúng tôi cảm nhận được sự quan tâm và hỗ trợ tận tình từ đoàn cứu hộ Bộ Công an Việt Nam. Họ đã mang đến cho chúng tôi thuốc men và thực phẩm".
Vào chiều 01/4, tại hiện trường bệnh viện thị trấn Xabuthiri, ngoại ô thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar, đội cứu nạn, cứu hộ (CNCH) Bộ Công an Việt Nam đã đưa được thi thể nạn nhân thứ 2 là một nam thanh niên 17 tuổi ra khỏi đống đổ nát. Trước đó, cũng tại khu vực bệnh viện này, đội CNCH của Bộ Công an đã phát hiện và đưa thi thể một thiếu niên 14 tuổi mắc kẹt trong đống đổ nát tại bệnh viện ra ngoài và bàn giao cho chính quyền và gia đình.
Công binh Việt Nam phối hợp với đoàn cứu hộ Thổ Nhĩ Kỳ bàn phương án cứu nạn nhân mắc kẹt
Theo đại diện đội, khu bệnh viện thị trấn Xabuthiri với 1.000 giường này là địa điểm thứ 2 các chiến sỹ làm nhiệm vụ. Trước đó, tối 31/3, tại ngôi nhà trọ 4 tầng ở Zabuthiri, đoàn công tác đã tìm thấy và đưa thi thể 1 bé trai 10 tuổi ra ngoài và bàn giao cho chính quyền cùng người thân.
Đại tá Nguyễn Minh Khương - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và CNCH, Trưởng đoàn CNCH Bộ Công an Việt Nam chia sẻ, tham gia làm nhiệm vụ CNCH ở một nơi xa, ngoài lãnh thổ Việt Nam nên tất cả thành viên trong đội đều gặp khó khăn về ngôn ngữ, thời tiết và cả điều kiện sinh hoạt. Tuy nhiên, những khó khăn này không làm ảnh hưởng tới ý chí và quyết tâm của toàn đoàn với sứ mệnh cao cả là giúp người dân Myanmar vượt qua thảm họa của động đất. Bên cạnh đó, tình cảm quý mến của người dân địa phương tại những nơi đoàn làm nhiệm vụ đã tiếp thêm sức mạnh và tinh thần cho đoàn cứu hộ của Việt Nam.
Lực lượng cứu hộ Việt Nam tại hiện trường
Các lực lượng vui mừng sau khi đưa được người thanh niên ra khỏi đống đổ nát
Đại tá Nguyễn Minh Khương cho biết thêm, toàn đội làm việc liên tục, chắt chiu từng phút giây với mong muốn duy nhất là tìm được người còn sống sót dù cho đó không phải là điều dễ dàng. Trên thực địa, các thành viên trong đội CNCH tranh thủ ăn vội chiếc bánh mỳ, uống chút nước lấy sức sau đó lại gấp rút trở lại thực hiện nhiệm vụ. Các CBCS trong đoàn chia sẻ, thời tiết tại Myanmar rất nóng, anh em làm việc liên tục mồ hôi ướt đẫm quần áo nhưng đôi tay không thể nghỉ ngơi bởi thời gian là hy vọng duy nhất đối với các nạn nhân còn đang mắc kẹt.
Công an Việt Nam chăm sóc sức khỏe cho người dân Myanmar
Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH - Bộ Công an, Trưởng đoàn CNCH Bộ Công an Việt Nam cho biết, ngày 02/4, đội ngũ y tế của Đội CNCH Bộ Công an Việt Nam đã tổ chức thăm khám, phát thuốc cho nhiều người dân bị thương do động đất gây ra ở Myanmar... Việc làm này đã nhận được những tình cảm sâu sắc của người dân địa phương.
Trận động đất kinh hoàng xảy ra 5 ngày trước tại Myanmar đã khiến hàng chục nghìn người dân ở khu vực Thủ đô Nay Pyi Taw phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Người dân ở khu vực này đang sống trong cảnh không có điện, thiếu nước sạch và thiếu thốn các nhu yếu phẩm thiết yếu lẫn sự chăm sóc về y tế. Vì vậy, trong sáng 02/4, Đội CNCH Bộ Công an Việt Nam đã cử một nhóm CBCS đến dựng 2 lều bạt để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng động đất có chỗ trú tạm. Khu vực dựng lều dã chiến đặt tại sân trường học Taw Win Yadanar, thị trấn Zabuthiri.
Đại tá Nguyễn Minh Khương chia sẻ, trong quá trình triển khai CNCH, bất cứ khi nào có thể, Đội CNCH đều sẻ chia những tình cảm, vật chất của đoàn cho người dân bị nạn. Đó là tình cảm chân thành mà lực lượng CNCH Việt Nam dành cho người dân Myanmar.
Thêm 1 người được cứu sống sau 5 ngày mắc kẹt trong trận động đất ở Myanmar
5 ngày sau trận động đất mạnh 7,7 độ richter, chính quyền quân sự Myanmar thông báo đã cứu sống thêm một người đàn ông 26 tuổi khỏi đống đổ nát của một khách sạn ở thủ đô Naypyitaw. Người đàn ông này được lực lượng cứu hộ chung của Myanmar và Thổ Nhĩ Kỳ giải cứu vào lúc 12 giờ 30 (giờ địa phương) ngày 02/4. Đây được coi là một kỳ tích bởi thông thường, cơ hội sống sót của các nạn nhân mắc kẹt giảm đáng kể sau "thời gian vàng" 72 giờ đầu tiên. Trước đó một ngày, lực lượng cứu hộ Myanmar cũng đã giải cứu thành công một người phụ nữ 63 tuổi khỏi đống đổ nát sau 91 giờ bị mắc kẹt.
Trong diễn biến liên quan, cùng ngày, Chính phủ Nhật Bản cho biết sẵn sàng cung cấp khoảng 6 triệu USD viện trợ không hoàn lại khẩn cấp cho các nạn nhân trong trận động đất tàn khốc tại Myanmar. Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo khoản viện trợ sẽ được cung cấp thông qua các tổ chức quốc tế, xét đến nhu cầu nhân đạo lớn tại Myanmar. Trước đó, Nhật Bản cũng đã cử một đội ngũ y tế tới Myanmar và quyết định cung cấp hàng cứu trợ khẩn cấp như vật dụng vệ sinh, nước và máy lọc nước cho người dân bị ảnh hưởng thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) với sự hậu thuẫn của chính phủ và Liên hợp quốc.
Trúc Giang