Nỗ lực chi trả tiền bồi thường cho người dân

Nỗ lực chi trả tiền bồi thường cho người dân
7 giờ trướcBài gốc
Người dân nhận đền bù, bàn giao mặt bằng tại dự án bờ Bắc kênh Đôi, đường Nguyễn Duy, phường Hưng Phú. (Ảnh QUÝ HIỀN)
Đây là bước cụ thể trong thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, tăng cường phân quyền cho cơ sở. Tuy nhiên, sự thay đổi này đã ảnh hưởng đến tiến độ chi trả bồi thường cho người dân.
Dự án mở rộng Quốc lộ 13 (đoạn cầu Bình Triệu) theo hình thức BOT là dự án đầu tiên UBND cấp phường thực hiện chi trả bồi thường theo mô hình phân quyền. Dự án sử dụng ngân sách để bồi thường, hỗ trợ cho hơn 1.000 hộ dân, với tổng kinh phí hơn 12.435 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiến độ bồi thường đang chậm do vướng mắc thủ tục pháp lý. Ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Sở đang phối hợp với chính quyền phường vận động người dân, nhưng do mô hình mới và số vốn lớn cho nên nhiều cán bộ còn lúng túng khi triển khai.
Tính đến giữa tháng 6/2025, dự án bờ Bắc kênh Đôi (Quận 8 cũ) đã chi trả bồi thường cho khoảng 1.000 trường hợp, đạt gần 56% tổng số hồ sơ với kinh phí gần 3.000 tỷ đồng. Theo đại diện Ban Bồi thường Quận 8 (cũ), UBND phường nơi có đất bị thu hồi sẽ thực hiện chi trả trực tiếp theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Môi trường. Trong khi đó, công tác đo đạc, kiểm đếm và lập hồ sơ pháp lý vẫn do Ban Bồi thường đảm trách, phối hợp với phường để kiểm tra, thẩm định trước khi ban hành quyết định chi trả. Theo ông Võ Chí Dũng, Trưởng ban Bồi thường khu vực Thủ Đức: Năm 2025, trên địa bàn 12 phường của TP Thủ Đức có hơn 70 dự án sử dụng vốn ngân sách cần triển khai bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Khi thẩm quyền chi trả được chuyển về phường, nhiều dự án đang trong giai đoạn thực hiện phải tạm dừng để chờ hướng dẫn. Điển hình như dự án đường Vành đai 2, sau khi đã chi trả cho 776 trường hợp, việc giải ngân tạm ngưng do chưa có quyết định bổ nhiệm Giám đốc Ban kèm theo con dấu, khiến 130 hồ sơ còn lại chưa được chi trả.
Để tháo gỡ vướng mắc, các địa phương kiến nghị UBND thành phố sớm ban hành cơ chế phối hợp giữa các cấp, nhất là với dự án liên quan đến nhiều đơn vị hành chính cấp xã, nhằm bảo đảm tính pháp lý và tránh ách tắc trong chi trả.
Tại một số phường lần đầu thực hiện thẩm quyền ban hành quyết định bồi thường, nhiều cán bộ còn lúng túng, đặc biệt với các dự án quy mô lớn như Quốc lộ 13, có vốn bồi thường hơn 12.000 tỷ đồng. Trong khi đó, thành phố đã duyệt ngân sách, chuyển tiền về cho chủ đầu tư và đặt mục tiêu chi trả trước Tết Nguyên đán 2026, yêu cầu các phường phải triển khai đúng tiến độ và quy trình.
Theo Phòng Bồi thường (Sở Nông nghiệp và Môi trường), hiện nay toàn thành phố có 542 dự án đang thực hiện công tác bồi thường. Trong đó, 159 dự án đã được bố trí vốn năm 2024 với tổng kinh phí giải ngân hơn 34.000 tỷ đồng. Riêng năm 2025, thành phố tập trung giải ngân cho bốn dự án trọng điểm: Bờ Bắc kênh Đôi (5.335 tỷ đồng), Rạch Xuyên Tâm (11.787 tỷ đồng), cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài (gần 4.400 tỷ đồng) và Quốc lộ 13 (12.435 tỷ đồng).
Để bảo đảm tiến độ, Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức lại 22 Ban Bồi thường quận, huyện và TP Thủ Đức nhằm bảo đảm quá trình chuyển giao được thông suốt. Ông Võ Trung Trực nhấn mạnh, các Ban Bồi thường đóng vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là trong việc chuẩn bị hồ sơ pháp lý đầy đủ, chính xác, làm nền tảng cho thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đúng tiến độ, góp phần giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công.
Trong giai đoạn chuyển tiếp, Sở Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các địa phương tạm dừng ban hành quyết định thu hồi đất nếu chưa có cơ chế cụ thể, thay vào đó là trình phương án chuyển giao cho cấp xã theo tinh thần Nghị định số 151. Đối với 159 dự án đang chi trả dở dang trong năm 2024, 22 Ban Bồi thường cần khẩn trương rà soát, đề xuất giải pháp hoàn tất chi trả trước cuối năm 2025, tránh ảnh hưởng đến mục tiêu giải ngân chung của thành phố.
Để hỗ trợ quản lý, Sở giao các Ban Bồi thường xây dựng hệ thống phần mềm theo dõi tiến độ dự án. Việc thuê đơn vị tư vấn phát triển phần mềm được kỳ vọng giúp cung cấp dữ liệu thông suốt, cập nhật liên tục cho lãnh đạo UBND thành phố và các sở, ngành, tăng cường giám sát và điều hành.
Chuyển giao thẩm quyền về cấp cơ sở không chỉ là thay đổi hành chính, mà là bước cụ thể hóa định hướng phân cấp, phân quyền đi vào thực chất. Để chủ trương này phát huy hiệu quả, bên cạnh nỗ lực của chính quyền phường, xã, cần có sự đồng hành của các cơ quan chuyên môn và thống nhất quy trình nghiệp vụ, bảo đảm thu hồi đất, chi trả bồi thường đúng quy định, đúng tiến độ, góp phần thúc đẩy các dự án hạ tầng trọng điểm của thành phố.
VÕ LÊ
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/no-luc-chi-tra-tien-boi-thuong-cho-nguoi-dan-post893678.html