Nỗ lực để minh bạch thị trường bất động sản

Nỗ lực để minh bạch thị trường bất động sản
2 giờ trướcBài gốc
Hà Nội đã nâng hạng mức diện tích đất được cho phép tách thửa nhằm hạn chế tình trạng nhà ống, nhà siêu mỏng. Ảnh: Việt Anh.
Trong những tháng qua, thị trường bất động sản (BĐS) ven đô nóng lên bởi những cuộc đấu giá đất nền lên đến hàng trăm triệu đồng/m2. Điển hình như các phiên đấu giá đất vào tháng 8, 9 tại một số huyện ngoại thành Hà Nội như Thường Tín, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai… giá liên tục tăng cao đạt mức trên 100 triệu/m2, thậm chí ở mức hơn 133 triệu/m2. Mỗi phiên đấu giá có hàng nghìn hồ sơ đăng ký, đất trúng đấu giá cao gấp từ 15 - 20 lần giá khởi điểm. Bên cạnh đó, những dự án mới được triển khai có mức giá cao “ngất ngưởng”. Những căn hộ đã qua sử dụng nhiều năm, nhà ở xã hội, cũng tăng giá một cách bất thường.
Theo ông Nguyễn Mãi – Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lộc, những hiện tượng trên gây nhiễu loạn thị trường, tạo nên sự thiếu minh bạch của thị trường BĐS. Đây là những dấu hiệu của hoạt động thao túng và đầu cơ, thổi giá, những dấu hiệu này cần phải được ngăn chặn. Trước những dấu hiệu trên, UBND TP Hà Nội đã đề nghị công an thành phố vào cuộc để kịp thời phát hiện vi phạm về đấu giá đất, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã có biện pháp ngăn chặn các trường hợp vi phạm quy định đấu giá không được tiếp tục tham gia đấu giá. Ngăn chặn, hạn chế các trường hợp đã từng tham gia đấu giá, trả giá cao bất thường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền trúng đấu giá theo quy định.
Theo ông Mãi, để ngăn chặn đầu cơ, thổi giá, sốt ảo, làm minh bạch thị trường BĐS, mọi giao dịch đều phải được thực hiện qua ngân hàng xem giao dịch đó có thực sự được thực hiện hay không. Bên cạnh đó cần nâng % số tiền đặt cọc lên cao hơn (theo quy định hiện nay là 20%) nhằm tránh bỏ cọc và ràng buộc trách nhiệm của nhà đầu tư.
“Thành phố đã có những quyết định rất hợp lý đó là hạn chế tổ chức đấu giá để giao đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở. Ưu tiên việc đấu giá đất có thu tiền sử dụng, cho thuê đất với đối tượng là tổ chức để thực hiện dự án đầu tư nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất và khắc phục được hiện tượng đầu cơ, găm giữ đất. Bên cạnh đó, từ ngày 1/8/2024, Luật Kinh doanh BĐS 2023 và Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực đã quy định quản lý chặt chẽ, hạn chế triệt để việc phân lô bán nền.
Theo đó, các doanh nghiệp sẽ không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà phải xây nhà trước khi mở bán. Cùng với việc hạn chế đấu giá đất, quy định này cũng khiến cho nguồn cung thị trường đất nền bị hạn chế nhiều so với trước” - ông Mãi nói thêm.
Từ ngày 7/10/2024, UBND TP Hà Nội đã nâng hạng mức diện tích đất được cho phép tách thửa từ 30m2 lên mức mới. Cụ thể, thửa đất tách thửa phải có chiều dài và chiều rộng từ 4m trở lên, diện tích tối thiểu là 50m2. Điều này sẽ hạn chế việc các cá nhân kinh doanh BĐS theo kiểu biến tướng đi gom đất có diện tích lớn sau đó phân nhiều lô nhỏ để bán. Việc nâng hạn mức diện tích đất được phép tách thửa cũng hạn chế được phần nào tình trạng nhà ống, nhà siêu mỏng.
Liên quan đến việc phân lô bán nền, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp cho rằng, việc cấm phân lô bán nền tại các đô thị nói chung và Hà Nội nói riêng buộc các doanh nghiệp, chủ đầu tư phải chuyển hướng đầu tư sang xây dựng những sản phẩm nhà ở hoàn thiện và tập trung vào nhóm khách hàng thực sự có nhu cầu. Điều này góp phần làm cho thị trường BĐS được minh bạch, đồng thời hạn chế được tình trạng thổi giá, sốt ảo nhà đất.
THÁI NHUNG
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/no-luc-de-minh-bach-thi-truong-bat-dong-san-10295174.html