Nỗ lực giải quyết tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng

Nỗ lực giải quyết tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng
14 giờ trướcBài gốc
Chiều 25/12, Sở LĐ-TB&XH tổ chức hội nghị sơ kết việc thực hiện Nghị định số 131/2021/NĐ-CP của Chính phủ về ưu đãi đối với người có công với cách mạng.
Đại biểu dự hôi nghị.
Triển khai Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ngày 9/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ưu đãi người có công và Nghị định số 131/2021/NĐ-CP, Nghị định số 75/2021/NĐ-CP, Nghị định số 55/2023/NĐ-CP, Nghị định số 77/2024/NĐ-CP, Sở LĐ-TB&XH đã tích cực, chủ động phối hợp Báo Hà Tĩnh, Đài PT&TH tỉnh và các cơ quan báo chí tuyên truyền sâu rộng các quy định của Chính phủ và kết quả thực hiện chế độ, chính sách trên địa bàn tỉnh.
Thông qua các hình thức tuyên truyền đã thiết thực góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, kịp thời giải quyết chế độ, chính sách, đảm bảo quyền lợi của người có công.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đặng Văn Dũng báo cáo kết quả thực hiện Nghị định số 131/NĐ-CP của Chính phủ về ưu đãi người có công với cách mạng.
Từ năm 2022 đến nay, Sở LĐ-TB&XH đã xác nhận và giải quyết chính sách cho 132 đối tượng là cán bộ lão thành, cán bộ tiền khởi nghĩa, liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học theo Nghị định 131/2021/NĐ-CP. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã xác nhận, thực hiện chế độ chính sách cho 303.379 đối tượng người có công.
Sở LĐ-TB&XH đã giải quyết chế độ cho 21.112 trường hợp theo Nghị định số 131/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, giải quyết hưởng đồng thời hai chế độ cho 885 trường hợp; mai táng phí 9.637 trường hợp (người có công 5.364 trường hợp, đối tượng khác 4.273 trường hợp); bảo hiểm y tế 1.792 trường hợp; vợ liệt sĩ tái giá 15 trường hợp; thờ cúng liệt sĩ 1.414 trường hợp; chất độc hóa học 60 trường hợp; giám định lại thương tật 85 trường hợp; sửa đổi thông tin hồ sơ 2.023 trường hợp; cấp lại bằng Tổ quốc ghi công 2.412 trường hợp; cấp giấy chứng nhận người có công 1.269 trường hợp; di chuyển hài cốt liệt sĩ 81 trường hợp; xác định danh tính liệt sĩ 155 trường hợp (Sở LĐ-TB&XH ban hành quyết định xác định bằng phương pháp thực chứng 16 trường hợp, đề nghị các tỉnh xác định 139 trường hợp)...
Trong 3 năm qua (2022-2024), Hà Tĩnh đã tổ chức điều dưỡng tập trung cho 8.991 lượt người có công tại Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh; điều dưỡng tại nhà 29.114 lượt người, với tổng kinh phí thực hiện hơn 46,3 tỷ đồng.
Người có công tham gia điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh.
Những năm qua, công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được Sở LĐ-TB&XH, Bộ CHQS tỉnh và các sở, ngành, huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện chu đáo, hiệu quả. Tính từ năm 1999 đến nay, Hà Tĩnh đã quy tập được 821 hài cốt liệt sĩ tại Lào về nước.
3 năm qua, toàn tỉnh cũng đã trao tặng 756.819 suất quà, với tổng số tiền hơn 204 tỷ đồng. Trong đó: Quà Chủ tịch nước trao tặng 302.671 suất, số tiền 92,453 tỷ đồng; quà của tỉnh trao tặng 203.605 suất với số tiền hơn 55,5 tỷ đồng; quà cấp huyện, cấp xã và huy động từ nguồn xã hội hóa trao tặng 250.543 suất với số tiền hơn 56 tỷ đồng.
Từ năm 2022 đến nay, Quỹ đền ơn đáp nghĩa các cấp đã huy động số tiền hơn 16,5 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí huy động được, các huyện, thành phố, thị xã đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 104 nhà ở cho người có công, kinh phí 5,9 tỷ đồng; tặng 125 sổ tiết kiệm, kinh phí 459 triệu đồng và nhiều hoạt động hỗ trợ khác.
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải tặng quà ông Vương Khả Thìn - bệnh binh, thương binh 4/4 ở thôn Nguyên, xã Thạch Kênh, huyện Thạch Hà nhân dịp 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2024).
Giai đoạn 2022 – 2024, việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công theo Nghị định số 131/2021/NĐ-CP trên địa bàn Hà Tĩnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn phát sinh một số khó khăn, vướng mắc do chưa có hoặc chưa quy định rõ trong các văn bản pháp luật như: Quy định về thủ tục hồ sơ xác nhận liệt sỹ hy sinh trong chiến tranh, nhất là đối với những trường hợp hy sinh trong kháng chiến chống Pháp; trường hợp được công nhận liệt sĩ chết do vết thương tái phát; trường hợp người hoạt động kháng chiến có con đẻ đã hưởng chế độ nhiễm chất độc hóa học mà bố (mẹ) chưa được công nhận là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
Công tác xác nhận thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng vẫn còn tồn đọng do đối tượng không có giấy tờ gốc, một số trường hợp khi lập hồ sơ thì các thông tin cá nhân không khớp với hồ sơ gốc nên chưa được hưởng chế độ theo quy định; người được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng nhưng không còn thân nhân chủ yếu thì các đối tượng khác như con dâu, con rể, cháu... không được hưởng trợ cấp một lần; một số trường hợp người hoạt động cách mạng đã hy sinh, có tên khắc trên nhà bia, đài tưởng niệm liệt sĩ cấp xã, hoặc có phần mộ an táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện nhưng thân nhân không còn lưu giữ bất cứ giấy tờ nào, dẫn đến không thể xác lập hồ sơ công nhận liệt sĩ…
Trong thời gian tới, để thực hiện hiệu quả chính sách ưu đãi người có công, Sở LĐ-TB&XH đã đề xuất, kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, xem xét trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến việc thực hiện Nghị định số 131/2021/NĐ-CP, Nghị định số 75/2021/NĐ-CP, Nghị định số 55/2023/NĐ-CP phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Nam Giang
Nguồn Hà Tĩnh : https://baohatinh.vn/no-luc-giai-quyet-tot-chinh-sach-uu-dai-nguoi-co-cong-voi-cach-mang-post279871.html