Trước đây, đầu giờ sáng hoặc giờ tan học, không khó để bắt gặp hình ảnh các em học sinh, nhất là học sinh THPT, điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm. Ở một số tuyến đường còn xuất hiện những nhóm học sinh dàn hàng ba, hàng bốn, đi sai phần đường, làn đường, chở quá số người quy định, sử dụng ô, điện thoại, nói chuyện, đùa giỡn… gây mất TTATGT và ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện tham gia giao thông khác. Cá biệt, một số học sinh thực hiện các hành vi lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, gây nguy hiểm cho bản thân và người đi đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông (TNGT).
Theo đánh giá của lực lượng chức năng, thời gian gần đây, tình trạng vi phạm ATGT trong học sinh có nhiều diễn biến phức tạp: một số học sinh điều khiển xe gắn máy khi chưa đủ tuổi và không có giấy phép lái xe; không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng trên đường khi tham gia giao thông; nhiều bậc cha mẹ không thực hiện đội mũ bảo hiểm cho con khi tham gia giao thông bằng xe máy...
Để tăng cường công tác bảo đảm TTATGT cho học sinh trong tình hình mới, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh đã tham mưu Giám đốc công an tỉnh ban hành kế hoạch mở đợt cao điểm bảo đảm TTATGT cho học sinh trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch, lực lượng CSGT, cảnh sát trật tự các địa phương phối hợp với các cơ quan truyền thông, chính quyền địa phương và các nhà trường đẩy mạnh công tác TTPBGDPL về TTATGT; tập huấn kỹ năng điều khiển phương tiện, xử lý tình huống khi tham gia giao thông cho học sinh các cấp học; đồng thời, tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm về TTATGT đối với học sinh, cha mẹ học sinh, người giám hộ, người giao phương tiện cho học sinh khi chưa đủ điều kiện, các chủ phương tiện... vi phạm các quy định về TTATGT. Trong quá trình tuần tra kiểm soát, các lực lượng thực hiện xử lý vi phạm kết hợp tuyên truyền, giáo dục, phối hợp áp dụng chế tài xử lý linh hoạt, bảo đảm theo quy định của pháp luật.
Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh kiểm tra, tuyên truyền học sinh chấp hành pháp luật về TTATGT.
Trong 1 tháng triển khai, lực lượng CSGT, cảnh sát trật tự toàn tỉnh đã tổ chức 326 buổi tuyên truyền trực tiếp tại các nhà trường cho trên 168 nghìn học sinh, giáo viên; tuyên truyền lưu động 407 lượt, đăng tin bài 45 lượt trên trang thông tin điện tử Công an tỉnh; tổ chức cho 1.016 giáo viên và học sinh ký cam kết chấp hành quy định về TTATGT; trao tặng trên 1.000 mũ bảo hiểm cho học sinh; phát trên 80 nghìn tờ rơi, 35 nghìn cuốn cẩm nang, sách pháp luật về TTATGT.
Lực lượng CSGT toàn tỉnh đã bố trí 1.546 lượt tổ công tác, gồm 7.290 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia tuần tra kiểm soát , xử lý vi phạm; tiến hành đã lập biên bản xử lý 1.335 trường hợp, phạt tiền 742 triệu đồng, tạm giữ 436 xe mô tô, xe gắn máy, 262 phương tiện khác; cảnh cáo 278 trường hợp; gửi thông báo về nhà trường để có hình thức xử lý và có biện pháp giáo dục phù hợp đối với những học sinh vi phạm... Thông qua đó, đã giúp nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của học sinh cũng như cha mẹ học sinh; góp phần làm giảm các vi phạm TTATGT và các vụ TNGT trong học sinh.
Thượng tá Nguyễn Khánh Trường, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: Thời gian trước, tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ trong học sinh trên địa bàn tỉnh diễn ra tương đối phức tạp, nhưng sau một tháng thực hiện đợt cao điểm bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh, với nhiều biện pháp tích cực và sự vào cuộc từ nhiều phía, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của học sinh và cha mẹ học sinh có nhiều chuyển biến tích cực.
Mặc dù vậy, hiện nay vẫn còn một số trường hợp học sinh, cha mẹ học sinh còn lơ là, chủ quan trong thực hiện các quy định về ATGT; tình trạng vi phạm TTATGT trong học sinh còn tiềm ẩn nhiều phức tạp; tình trạng giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông vẫn còn xảy ra nhiều. Ngay trong Tháng cao điểm xử lý vi phạm TTATGT đối với học sinh, lực lượng CSGT, cảnh sát trật tự các địa phương toàn tỉnh đã xử lý nghiêm đối với 513 trường hợp chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện, 268 trường hợp giao xe cho người chưa đủ tuổi, phạt tiền trên 400 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 204 trường hợp.
Cũng qua thực tế kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định của học sinh liên quan đến điều khiển xe mô tô, xe gắn máy tại một số trường học vẫn còn xuất hiện một số học sinh điều khiển xe mô tô, xe gắn máy có dung tích xi lanh trên 50cm3 tới trường; để tránh việc quản lý, theo dõi của nhà trường và lực lượng chức năng, một bộ phận học sinh không đưa các loại xe mô tô, xe gắn máy có dung tích xi lanh trên 50 cm3 vào lán xe nhà trường mà gửi tại một số hộ dân gần cổng trường...
Việc học sinh lưu thông bằng các loại phương tiện không được pháp luật cho phép sẽ tiềm ẩn rất lớn các nguy cơ gây mất TTATGT và TNGT. Bởi theo quy định của Luật Giao thông đường bộ hiện nay, người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50 cm3, người đủ 18 tuổi trở lên được điều khiển xe mô tô, xe gắn máy có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên. Điều này đồng nghĩa với việc đa phần các em học sinh đang theo học ở cấp THPT chưa đủ tuổi theo quy định để được cấp giấy phép lái xe đối với các loại xe có dung tích trên 50cm3.
Thời gian tới, lực lượng CSGT và công an các địa phương tiếp tục phối hợp với ngành Giáo dục duy trì, đẩy mạnh công tác TTPBGDPL về TTATGT trong học sinh; tăng cường cam kết giữa nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh về chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Đồng thời, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, thực hiện thông báo công khai danh tính học sinh vi phạm đến các nhà trường, địa phương và gia đình để có biện pháp phối hợp giáo dục, xử lý, ngăn ngừa từ sớm. Và, quan trọng hơn hết, các bậc cha mẹ học sinh cần nâng cao ý thức trách nhiệm, thường xuyên theo dõi, quản lý, giáo dục, nhắc nhở con em chấp hành nghiêm quy định pháp luật khi tham gia giao thông, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của bản thân và người tham gia giao thông.
Trần Ích