Đối với người Dao Khâu ở huyện Sìn Hồ, những nghề thủ công truyền thống như: chạm bạc và thêu không chỉ là kế sinh nhai mà còn là linh hồn văn hóa, sợi dây nối liền quá khứ và hiện tại. Tại xã Phăng Sô Lin, nơi có đồng bào Dao Khâu sinh sống, nghề chạm bạc vẫn được gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Ông Chẻo A Sử, nghệ nhân chạm bạc lâu năm ở bản Tả Sử Chồ (xã Phăng Sô Lin) được xem là “bàn tay vàng” trong nghề. Từ đôi bàn tay khéo léo, sự kiên nhẫn và mắt thẩm mỹ tinh tế, ông đã tạo ra những món đồ trang sức bằng bạc tinh xảo như: vòng cổ, vòng tay, hoa tai và những vật phẩm gắn liền với đời sống tinh thần của người Dao Khâu. Để làm ra một bộ sản phẩm chạm bạc tinh xảo, đảm bảo cả về hình thức và chất lượng, nguyên liệu bắt buộc phải là bạc trắng nguyên chất có độ dẻo và độ bóng cao. Nếu không, sản phẩm dễ xỉn màu hay gãy khi sử dụng. Quá trình chế tác một sản phẩm trải qua nhiều công đoạn công phu, từ tạo hình khối, ghép chi tiết, đến chạm trổ hoa văn. Điều quan trọng nhất của một người thợ chạm bạc phải có đôi tay khéo léo, sự kiên trì, nhẫn nại, cùng mắt thẩm mỹ tinh tế và trí tưởng tượng phong phú để sáng tạo nhưng vẫn giữ được văn hóa truyền thống. Nhờ nỗ lực không ngừng, ông Sử không chỉ duy trì nghề chạm bạc còn hướng dẫn con cháu theo nghề. Hiện tại, con rể của ông đã tự lập với nghề, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Trên địa bàn xã Phăng Sô Lin hiện có 3 hộ gia đình duy trì nghề truyền thống này.
Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ thêu xã Phăng Sô Lin (huyện Sìn Hồ).
Người Dao Khâu ở huyện Sìn Hồ còn nổi tiếng với nghề thêu hoa văn trên trang phục - biểu tượng văn hóa được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Đối với phụ nữ Dao Khâu, thêu thùa không chỉ là kỹ năng cần thiết trong đời sống còn là cách thể hiện tâm hồn, tình yêu và niềm tự hào dân tộc. Những bộ trang phục thổ cẩm với hoa văn độc đáo, rực rỡ sắc màu chính là “các tác phẩm nghệ thuật” được tạo nên từ đôi tay khéo léo.
Chị Tẩn Mý Gấn ở bản Tầm Choong (xã Tả Phìn) chia sẻ: “Từ khi còn rất nhỏ, tôi được bà và mẹ dạy thêu. Mỗi đường kim, mũi chỉ đều phải thật cẩn thận và tỷ mỉ. Nhìn những họa tiết trên váy áo, tôi rất tự hào về văn hóa của dân tộc mình”.
Một bộ trang phục hoàn chỉnh có làm từ vài tháng đến cả năm để hoàn thành. Từng chi tiết như hoa văn trên áo, gấu quần hay thắt lưng đều được chăm chút tỷ mỉ và mang ý nghĩa riêng biệt. Những họa tiết này phản ánh tín ngưỡng, thể hiện những câu chuyện về thiên nhiên, đời sống lao động của đồng bào.
Từ năm 2022 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sìn Hồ đã vào cuộc, thành lập các tổ hợp tác và câu lạc bộ bảo tồn nghề thêu truyền thống. Đến nay, hơn 30 phụ nữ Dao Khâu tại 2 xã: Tả Phìn và Phăng Sô Lin tham gia sinh hoạt ở 2 câu lạc bộ cùng nhau học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Những sản phẩm thủ công như: áo, váy, khăn thổ cẩm không chỉ phục vụ nhu cầu gia đình còn làm hàng hóa.
Nghề thêu và chạm bạc còn gắn bó mật thiết với các nghi lễ quan trọng trong đời sống người Dao Khâu. Tuy nhiên, trước sự thay đổi của đời sống hiện đại, cả 2 nghề đang đối diện với nguy cơ mai một. Lớp trẻ bận rộn với công việc mưu sinh, ít có thời gian học hỏi và gìn giữ, đây chính là trăn trở của những người có nhiều năm gắn bó với nghề truyền thống.
Ông Triệu Tài Phúc - Phó Chủ tịch UBND xã Phăng Sô Lin chia sẻ: “Xã luôn khuyến khích và hỗ trợ bà con giữ gìn nghề thủ công truyền thống. Nghề thêu và chạm bạc không chỉ góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc Dao Khâu còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế và du lịch địa phương. Nhờ những nỗ lực này, nghề thủ công truyền thống của người Dao Khâu ở Sìn Hồ đang dần hồi sinh”.
Nghề chạm bạc và thêu của người Dao Khâu ở huyện Sìn Hồ chính là sợi dây kết nối các thế hệ, giữ gìn bản sắc dân tộc trong vòng xoáy của cuộc sống hiện đại. Giữa không gian núi rừng hùng vĩ, người phụ nữ Dao Khâu cẩn thận từng mũi thêu, hay tiếng búa gõ nhẹ trên những mảnh bạc vẫn còn vang vọng. Đó là minh chứng cho tình yêu văn hóa và niềm tự hào dân tộc, là lời nhắn gửi thiết tha đến thế hệ sau, tiếp tục gìn giữ và trân quý những giá trị tinh hoa mà cha ông để lại.
Mạnh Hùng