Nỗ lực khắc phục hậu quả của bão số 3

Nỗ lực khắc phục hậu quả của bão số 3
12 giờ trướcBài gốc
Đặc biệt hơn, nhiều vùng trồng cây ăn quả, hoa cây cảnh giá trị cao cũng bị ảnh hưởng khiến nhiều nông dân từ tỷ phú trở về trắng tay. Tái thiết sản xuất sau bão bên cạnh nỗ lực từ nội tại, nông dân đang rất cần sự hỗ trợ kịp thời từ Thành phố.
Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ giống và vật tư cho nông dân xã Thư Phú, huyện Thường Tín mô hình cây vụ đông.
Nhiều hộ trắng tay sau bão
Đã hơn một tháng kể từ khi bão số 3 đổ bộ khiến mực nước sông Hồng dâng cao gây ngập lụt, nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp vùng bãi sông vẫn còn ngổn ngang. Tại xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, cánh bãi vẫn một màu ảm đạm của cây ăn quả chết khô chưa được người dân dọn dẹp và nông dân chưa sẵn sàng bắt tay trồng lại vụ mới.
Anh Lương Anh Đức vừa thu dọn những gốc phật thủ chết khô, vừa buồn bã chia sẻ: “Gia đình tôi ở xã Đắc Sở (huyện Hoài Đức) lên Đan Phượng thuê 9,2 mẫu đất trồng phật thủ nhưng nay đã bị hỏng hết. Không tính công lao động, tôi đầu tư vào vườn phật thủ này 250 triệu/mẫu cho giống, phân bón, giàn leo, hệ thống tưới tự động. Tổng thiệt hại hơn 2 tỷ đồng”.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Phật thủ xã Đắc Sở Nguyễn Quang Định cho biết: Bãi sông Hồng thuộc địa bàn các xã Trung Châu, Hồng Hà, Liên Hồng... của huyện Đan Phượng hiện có hàng trăm hộ dân Đắc Sở thuê đất trồng phật thủ với diện tích từ 3 đến 10 mẫu/hộ. So với các cây rau màu, vòng quay ngắn chỉ cần vài ba tháng, thì cây ăn quả, hoa cây cảnh cần nhiều tháng, nhiều năm trồng, chăm sóc mới bắt đầu được thu hoạch nên thiệt hại rất lớn. Cả xã Đắc Sở thiệt hại hơn 250 tỷ đồng. Nhiều gia đình từng “phất lên” nhờ cây phật thủ giờ trong cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất, việc bắt tay làm lại thực sự là thử thách rất lớn.
Là xã vùng bãi chuyên canh chuối với diện tích hơn 120ha, xã Vân Nam (huyện Phúc Thọ) cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do bão số 3 gây ra.
Gia đình ông Nguyễn Văn Vương (thôn 4, xã Vân Nam) cho biết: “Gia đình có 3ha trồng 8.000 cây chuối tây từ năm 2023 với vốn đầu tư 1,3 tỷ đồng để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Hiện chuối đã mang buồng, bình thường thì chỉ hơn tháng nữa là thu được khoảng 130 đến 150 tấn chuối. Tuy nhiên, gió lớn của bão số 3 đã khiến ruộng chuối gãy đổ hoàn toàn”.
Không những thất thu, sau bão gia đình ông Vương vẫn phải bỏ ra một khoản tiền khá lớn thuê nhân công, máy móc thu dọn cây gãy, đổ để giữ lại những cây chuối con còn sót lại trong vườn để tận dụng làm giống cho vụ chuối mới.
Thống kê của Phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ cho thấy, bão số 3 và mưa lũ sau bão đã khiến hơn 1.000ha lúa bị ngập, gãy đổ; gần 300ha rau màu bị hư hỏng; khoảng 450ha cây ăn quả bị ảnh hưởng về năng suất.
Còn theo Bí thư Quận ủy Tây Hồ, Lê Thị Thu Hằng, trên địa bàn quận có 65 ha/99ha diện tích cây đào bị mất trắng (chiếm 65,4%); có 27,5/tổng số 30ha quất bị thiệt hại (trên 90%). Riêng người trồng đào thiệt hại khoảng 39 tỷ đồng, thiệt hại với việc trồng cây quất là 25 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, bão số 3 và úng ngập sau bão đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành Nông nghiệp Thủ đô. Ước tính, đã có 22.848ha lúa bị gãy đổ, dập nát; 13.832ha lúa bị ngập; 10.830ha rau màu bị ngập; 9.045ha cây ăn quả và 4.212ha thủy sản bị ảnh hưởng; 3.299 con gia súc bị chết; 453.104 con gia cầm bị chết, thất lạc... Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn xảy ra khoảng 40 sự cố công trình đê điều và trên 150 sự cố công trình thủy lợi... Thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ tại Hà Nội là trên 2.287 tỷ đồng.
Hỗ trợ để nông dân khôi phục sản xuất
Ngay sau khi bão tan và hết úng ngập, nông dân tại các vùng sản xuất ở Hà Nội đã chủ động dọn dẹp lại đồng ruộng, trồng lại đối với diện tích rau màu bị chết; tăng cường chăm sóc đối với diện tích cây bị ảnh hưởng.
Tại vựa rau an toàn Phú An, xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ, Bí thư Chi bộ thôn Phú An Hoàng Đình Mùi cho biết: “Không chờ hỗ trợ, nhân dân đã ra đồng bãi để thu gom toàn bộ những tàn dư cây trồng bị hỏng; thu gọn các giàn bầu, giàn bí bị sập do gió lớn, xới lại đất cho tơi để bắt tay ngay vào vụ đông. Đến thời điểm này, nhiều thửa ruộng trồng rau đã xanh trở lại. Nếu vụ rau thuận lợi như các năm trước, mỗi ngày ở bãi rau an toàn Phú An, chúng tôi có thể xuất được 15 - 20 tấn rau ra thị trường, bà con rất phấn khởi”.
Cùng với nỗ lực nội tại, các hộ dân cũng mong muốn được Thành phố, huyện quan tâm. Ông Doãn Văn Thắng, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Vân Nam, huyện Phúc Thọ, cho biết: “Trước thiệt hại rất lớn, chúng tôi động viên các hộ vượt qua khó khăn. Chúng tôi đã đề xuất với huyện đề nghị Thành phố hỗ trợ nhân dân một phần cây giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để nhân dân yên tâm sản xuất".
Còn với các hộ trồng phật thủ ở xã Đắc Sở (huyện Hoài Đức), mong muốn lớn nhất là được Thành phố hỗ trợ tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để tái thiết sản xuất sau bão lũ.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết: “Để khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão, sớm ổn định đời sống nhân dân, UBND thành phố chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương các cấp xây dựng, triển khai thực hiện các phương án phục hồi sản xuất. Trên cơ sở tính toán, ngành Nông nghiệp Hà Nội đề ra mục tiêu phấn đấu diện tích cây vụ đông đạt 32.000 - 33.000ha (tăng 3.000 - 4.000ha so với kế hoạch trước đó), tập trung vào các loại cây trồng: Rau các loại, ngô, lạc, khoai lang, khoai tây... Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề xuất Thành phố có cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân phát triển cây vụ đông".
Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết: Vụ đông 2024, huyện phấn đấu tăng thêm khoảng 200ha diện tích rau màu ngắn ngày, đồng thời, tổ chức vụ Đông sớm, ngay khi nước lũ rút đối với những diện tích cây trồng không còn thu hoạch được. Bên cạnh việc chú trọng sản xuất cây rau màu ngắn ngày, huyện cũng chỉ đạo các phòng, ngành chức năng, 21 xã, thị trấn tạo điều kiện về mọi mặt hỗ trợ bà con nông dân khôi phục diện tích cây ăn quả, hoa cây cảnh đã có thương hiệu như bưởi Phúc Thọ; bưởi Tam Vân; chuối Vân Nam; hoa, cây cảnh Tích Giang; tăng cường hỗ trợ người dân về khoa học kỹ thuật...
Để kịp thời hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tại kỳ họp thứ 18 diễn ra ngày 4-10, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết về hỗ trợ phát triển sản xuất cây vụ đông, góp phần khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn thành phố năm 2024. Theo đó, đối tượng áp dụng nghị quyết là các tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện sản xuất cây vụ đông năm 2024 tại các diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại từ 30% trở lên do bão số 3 và mưa lũ sau bão. Chủng loại cây trồng được hỗ trợ là cây đậu tương, ngô, khoai tây, khoai lang, lạc, rau các loại. Thời gian áp dụng vụ đông năm 2024. Cụ thể, đối với đậu tương, ngô, lạc là 12 triệu đồng/ha; khoai tây, khoai lang là 30 triệu đồng/ha; rau các loại là 10 triệu đồng/ha. Nguồn kinh phí từ nguồn ngân sách Thành phố cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện để hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định. Tổng kinh phí dự kiến là 213,392 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đây mới là hỗ trợ cho cây vụ đông, đối với nhiều vùng sản xuất cây ăn quả, hoa cây cảnh như đào, quất Nhật Tân, phật thủ tại huyện Đan Phượng đến nay vẫn chưa có hỗ trợ.
Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Quận đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất hỗ trợ 60 triệu đồng/ha với cây đào và 90 triệu đồng/ha với cây quất từ nguồn ngân sách cấp quận”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoài Đức đề nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo các ngân hàng tạo điều kiện giãn nợ, giảm lãi suất hoặc không thu lãi của nông dân và những hộ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng sau cơn bão số 3; hỗ trợ nông dân và những hộ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại có vốn đầu tư, khôi phục sản xuất. Sự hỗ trợ kịp thời sẽ giúp nông dân thêm vững vàng, nỗ lực vươn lên, nhanh chóng khôi phục sản xuất để ổn định cuộc sống.
Mạnh Dũng
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/no-luc-khac-phuc-hau-qua-cua-bao-so-3-681581.html