Nỗ lực khôi phục sản xuất nông nghiệp

Nỗ lực khôi phục sản xuất nông nghiệp
3 giờ trướcBài gốc
Anh Đinh Mậu Dịu (SN 1982) ở bản Bang, xã Kim Thủy, gốc gác tận xã Hưng Thủy. Năm 2010, anh cùng vợ con lên xã Kim Thủy để lập nghiệp với giấc mơ làm trang trại chăn nuôi để nhanh chóng thay đổi cuộc sống gia đình. Nhưng, giấc mơ đổi đời của gia đình anh chưa kịp thành hình hài, thì những thành quả, công sức bao năm gia đình anh tích góp, xây dựng bị cuốn trôi theo dòng nước lụt của những ngày cuối tháng 10.
Tàn tích của cơn “lũ quét” kinh hoàng trong đêm 27/10 vẫn còn in hằn rõ nét nơi trang trại của gia đình anh Dịu. Mấy ngày nay, tranh thủ nắng đẹp, anh và những người thân trong gia đình bắt đầu thu dọn, tu sửa, vệ sinh các chuồng trại chăn nuôi bị thiệt hại để bắt đầu khôi phục lại sản xuất. Nhưng, với anh Dịu, đâu đó vẫn còn những ngổn ngang, khó khăn phía trước.
“Trận mưa lụt vừa qua đã làm cho gia đình tôi trắng tay. Trang trại tôi nuôi hơn 8.000 con gà, trong đó, có 4.000 con 55 ngày tuổi và 4.000 con 28 ngày tuổi. Nước ngập vào các chuồng nuôi gần 3,5m khiến toàn bộ số gà bị chết và trôi hết, chỉ sót lại đúng 20 con. Ngoài số gia cầm bị chết, trang trại có 10 con lợn bị chết, nước lụt cuốn và 6 tấn bột thức ăn cho gia cầm bị thiệt hại. Ước tính thiệt hại của gia đình hơn 500 triệu đồng…”, anh Dịu ngậm ngùi.
Ông Hoàng Văn Ngàn thôn Mốc Định, xã Hồng Thủy đang khôi phục lại sản xuất nông nghiệp.
Theo chia sẻ của anh Dịu, hiện khó khăn nhất của gia đình là tìm nguồn vốn để khôi phục sản xuất, bởi nguồn vay ngân hàng của gia đình vẫn còn nợ hơn 300 triệu đồng. Bây giờ, phải cố gắng gượng dậy, vay mượn khắp nơi để khôi phục sản xuất, nếu mình không làm tiếp thì nợ sẽ ngày càng chồng chất.
Thôn Mốc Định, xã Hồng Thủy được “mệnh danh” là thủ phủ trồng hoa phục vụ thị trường Tết và cây hoa màu của huyện Lệ Thủy. Mấy ngày nay, người dân nơi đây đang tất bật thu dọn, cải tạo đồng ruộng để trồng lại các loại rau, hoa màu và hoa Tết.
Gia đình ông Hoàng Văn Ngàn (SN 1965), thôn Mốc Định là một trong những hộ trồng hoa Tết lâu năm tại địa phương. Nhưng, khi bắt đầu bước vào trồng hoa Tết thì mưa lụt đã nhấn chìm toàn bộ diện tích hoa của gia đình, khiến ông mất trắng, bây giờ phải làm lại từ đầu.
“Nhà tôi có gần 2 sào đất trồng hoa phục vụ Tết nhưng mưa lụt đã khiến toàn bộ diện tích hoa bị mất trắng. Mấy hôm nay, tranh thủ trời đẹp, tôi bắt đầu cải tạo đất để ươm giống cây mới và mua lại giống hoa mới từ các địa phương khác về trồng. Dù giá thành có cao hơn so với đầu vụ nhưng những người trồng hoa như chúng tôi vẫn phải khôi phục lại sản xuất…”, ông Ngàn chia sẻ.
“Ngành nông nghiệp đang chỉ đạo bà con nông dân phát huy nội lực tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, tận dụng mọi điều kiện để khôi phục sản xuất nông nghiệp. Trước mắt, đề nghị các ngành quan tâm hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, khắc phục các công trình thủy lợi để kịp thời phục vụ sản xuất đông-xuân 2024-2025; đồng thời, hướng dẫn các địa phương thống kê diện tích cây trồng ngắn ngày vụ thu-đông 2024 (rau màu, ngô,...) và số lượng hạt giống cây trồng (lúa, lạc) bị hư hỏng để đề xuất hỗ trợ, nhằm kịp thời bảo đảm nguồn giống cho sản xuất vụ đông và đông-xuân 2024-2025…”, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy Lê Văn Tân cho biết thêm.
Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy Nguyễn Ánh Ngọc cho biết, trong trận mưa lụt vừa qua, địa phương có gần 50ha hoa màu bị thiệt hại với gần 1.500 hộ bị ảnh hưởng. Ước tính thiệt hại hơn 800 triệu đồng. Hiện, bà con nông dân đang nỗ lực khôi phục sản xuất; đồng thời tiến hành mua các giống hoa ngắn ngày về trồng lại để kịp phục vụ thị trường dịp cuối năm. Địa phương cũng đề nghị các cấp có thẩm quyền cần xem xét hỗ trợ cho người dân kinh phí để mua giống và phân bón nhằm khôi phục lại sản xuất nông nghiệp.
Được biết, mưa lụt đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp huyện Lệ Thủy với gần 600ha hoa màu và rau màu, 36ha diện tích trồng cây lâu năm, 47ha cây trồng hàng năm, 53ha diện tích cây ăn quả tập trung và trên 304ha diện tích rừng bị thiệt hại. Bên cạnh đó, mưa lụt đã làm cho 1.261 con gia súc bị chết, cuốn trôi; 189.530 con gia cầm bị thiệt hại; hơn 421ha diện tích nuôi cá ao hồ nhỏ và hơn 168ha diện tích nuôi cá-lúa, nuôi hồ mặt nước lớn, diện tích lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại…
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Lệ Thủy Lê Văn Tân cho biết, ngay sau bão lụt, địa phương đã tập trung chỉ đạo nhân dân triển khai khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế, sản xuất của người dân cũng như ngân sách của xã, huyện còn gặp nhiều khó khăn. Để giúp người dân sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống, địa phương đề nghị các ban, ngành liên quan tâm hỗ trợ giống lúa, ngô, rau các loại; trong đó, riêng giống lúa cần quan tâm hỗ trợ các loại giống lúa trong cơ cấu chính của huyện; hỗ trợ giống gia cầm, thủy sản các loại; cấp kinh phí khắc phục, sửa chữa hệ thống kênh mương, công trình thủy lợi bị hư hỏng…
Ngọc Hải
Nguồn Quảng Bình : https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202411/no-luc-khoi-phuc-san-xuat-nong-nghiep-2222377/