Nỗ lực làm xanh những dòng kênh

Nỗ lực làm xanh những dòng kênh
2 ngày trướcBài gốc
Kênh Tham Lương-Bến Cát-Rạch Nước Lên đang được thành phố khẩn trương cải tạo, chỉnh trang để nâng cao mỹ quan đô thị. (Ảnh THẾ ANH)
Kỳ tích cải tạo kênh nhiêu lộc-thị nghè
Từng bị ô nhiễm nghiêm trọng, kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè dài gần 10km qua Quận 1, Quận 3, quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình đã có thời gian trở thành “kênh chết” bởi rác thải, nhà lấn chiếm trái phép và môi trường xuống cấp nghiêm trọng. Ông Trần Văn Nghĩa, 65 tuổi, ở chung cư Miếu Nổi (quận Bình Thạnh) cho biết: Ông sinh sống bên dòng kênh này suốt những năm tuổi thơ của mình. Mùa khô nắng nóng, mùi hôi nồng nặc xộc vào nhà; mùa mưa, triều cường thì ngập ngụa. Từ năm 1993, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai dự án cải tạo tuyến kênh với quy mô di dời khoảng 50.000 dân. Sau 10 năm thi công với sự quyết tâm của thành phố và hỗ trợ từ trung ương, kênh đã hồi sinh cùng dòng nước trong, cây xanh, công viên và tuyến đường đôi mang tên Hoàng Sa-Trường Sa. Người dân nơi đây có cuộc sống mới tốt hơn. Theo ông Nghĩa, nếu không có những quyết sách táo bạo, đúng đắn của thành phố, người dân sống dọc tuyến kênh chắc sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè sau cải tạo không chỉ cải thiện môi trường sống mà còn mở ra tiềm năng phát triển du lịch đường thủy. Quận 1 tổ chức các tour du lịch trên kênh; Quận 3 đưa lễ hội đua ghe ngo thành điểm nhấn văn hóa hằng năm.
Dự án Tàu Hũ-Bến Nghé, Kênh Đôi-Kênh Tẻ cũng làm sống lại bến Bình Đông (Quận 8) với chợ hoa, lễ hội truyền thống. Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Phương Thảo nhấn mạnh: Dự án cải tạo Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè đã góp phần cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng sống cho người dân, thúc đẩy phát triển bền vững thành phố. Công trình này không chỉ mang ý nghĩa kinh tế-xã hội mà còn là điểm nhấn trong xây dựng mỹ quan đô thị.
Huy động mọi nguồn lực để chỉnh trang đô thị
Theo thống kê, từ năm 1993 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã di dời khoảng 44.300 căn nhà ven kênh rạch. Giai đoạn 2026- 2030, thành phố đặt mục tiêu di dời thêm gần 40.000 căn, tập trung tại Quận 7, Quận 8, huyện Nhà Bè… Trong đó, có các dự án lớn như các kênh: Hàng Bàng, Tân Hóa-Lò Gốm, Tàu Hũ-Bến Nghé, Tham Lương-Bến Cát-Rạch Nước Lên, rạch Xuyên Tâm…
Tuy đạt được thành công nhất định, nhưng chương trình chỉnh trang đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua còn chậm tiến độ. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) đặt mục tiêu hoàn thành di dời toàn bộ nhà ở trên và ven kênh rạch với 20 nghìn hộ dân, thông qua 65 dự án, tổng vốn hơn 44 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 5 năm chỉ gần 2.400 căn được di dời, đạt hơn 12% kế hoạch.
Trước đó, giai đoạn 2011-2015 cũng chỉ đạt gần 24% kế hoạch với khoảng 3.300 căn được di dời trong tổng số 14.000 căn dự kiến. Đơn cử, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh) sau nhiều năm trì hoãn, dù được khởi động lại vào cuối tháng 4/2025 nhưng công tác bàn giao mặt bằng vẫn chậm trễ vì vướng pháp lý. Một số tuyến kênh sau cải tạo đã bị tái lấn chiếm, ô nhiễm. Mỗi năm, hàng chục tuyến rạch bị bồi lấp, biến thành bãi rác tự phát khiến nhiều địa phương tiếp tục đối mặt ô nhiễm và môi trường sống xuống cấp.
Ông Lý Thanh Long, Chánh Văn phòng Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thiếu nguồn vốn là trở ngại lớn nhất đối với chương trình di dời nhà ở ven, trên kênh rạch. Trong khi nguồn lực phân tán cho nhiều mục tiêu, cơ chế xã hội hóa không còn hiệu quả do quỹ đất hạn hẹp. Việc bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng gặp khó do nhiều hộ không có giấy tờ hợp pháp hoặc đã chuyển nhượng bằng giấy tay.
Để đẩy nhanh tiến độ di dời nhà ở ven, trên kênh rạch trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Thành phố Hồ Chí Minh có thể huy động nguồn lực xã hội thông qua việc khai thác quỹ đất ven kênh trước khi chỉnh trang. Khi giá đất còn thấp, thành phố có thể quy hoạch, chỉnh trang, sau đó đấu giá, chuyển nhượng theo quy định để tạo nguồn thu bù đắp phần vốn đầu tư ứng trước, giảm áp lực cho ngân sách. Nên triển khai chỉnh trang kênh rạch theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng), như cách đang thực hiện dọc tuyến metro, từ đó thúc đẩy phát triển theo cơ chế thị trường, không phụ thuộc ngân sách.
Tiến sĩ Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Kinh tế tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Với các cơ chế thông thoáng hơn về đền bù, giải phóng mặt bằng và thu hút đầu tư xã hội hóa, thành phố đã tháo gỡ nhiều nút thắt tồn tại những năm qua. Mục tiêu đến năm 2030 thay thế toàn bộ nhà ở tạm bợ ven kênh bằng hạ tầng đồng bộ, khu đô thị văn minh là hoàn toàn khả thi nếu các nguồn lực được sử dụng hiệu quả.
QUANG QUÝ - NHẬT THÀNH
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/no-luc-lam-xanh-nhung-dong-kenh-post873301.html