Nỗ lực phấn đấu để xứng đáng với tên gọi Hoàng Mai

Nỗ lực phấn đấu để xứng đáng với tên gọi Hoàng Mai
12 giờ trướcBài gốc
Phường Hoàng Mai nằm ở cửa ngõ phía Nam của TP Hà Nội, có vị trí chiến lược về giao thông và kinh tế. Đây là địa phương có vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở phía Nam TP, tiếp giáp với nhiều quận nội thành như Hai Bà Trưng, Thanh Xuân và Thanh Trì. Với sự phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, phường Hoàng Mai đang dần trở thành một điểm đến hấp dẫn cả về cư trú lẫn đầu tư.
Đặc điểm chính của phường Hoàng Mai
Trên địa bàn phường có hệ thống giao thông trục chính của Thủ đô như đường Giải Phóng, đường Tam Trinh, đường Vành đai 3, cầu Thanh Trì, có bến xe, ga tàu... Đây là điều kiện thuận lợi để phường Hoàng Mai phát triển đô thị, thương mại, du lịch và dịch vụ. Phường Hoàng Mai vừa được có diện tích 8,72km2; dân số khoảng 100.000 người thuộc 87 tổ dân phố.
Cơ sở hạ tầng xã hội thiết yếu phường Hoàng Mai gồm có: 18 trường học các cấp; 1 trạm y tế, 2 điểm trạm, 1 bệnh viện, 98 cơ sở hành nghề y dược tư nhân, 25 công trình, cụm công trình tôn giáo. Theo nhà thơ Phạm Mầu, đây là vùng đất còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống như: lễ hội làng, lễ hội bơi chải, đình Giáp Nhất, Giáp Nhị, Giáp Tứ, chùa Sét, Đình chùa Yên Sở, chùa Tứ Kỳ....
Trụ sở phường Hoàng Liệt, ảnh chụp sáng 1/7/2025. Ảnh: TA
Trong nhiều năm qua, đây là địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu đô thị, khu dân cư mới đã và đang hình thành như: khu đô thị Gamuda, khu đô thị mới Yên Sở, khu dân cư Thịnh Liệt... Các hoạt động thương mại – dịch vụ, sản xuất – kinh doanh cũng ngày càng phát triển. Với hệ thống trường học, y tế, chợ, công viên cây xanh... ngày càng hoàn thiện hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển mới.
Phường Hoàng Mai là vùng ven, dân cư sống bằng nghề thủ công, buôn bán nhỏ hoặc nông nghiệp. Trong 2 thập kỷ qua, với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, cơ cấu kinh tế của phường đã chuyển dịch rõ rệt từ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sang thương mại - dịch vụ. Hiện nay, nông nghiệp gần như không còn vai trò đáng kể, nhiều diện tích đất nông nghiệp đã được chuyển đổi sang đất ở, đất thương mại, đất công trình công cộng.
Trên địa bàn phường có nhiều cơ sở sản xuất, kho bãi, gara, xưởng cơ khí nhỏ, nằm rải rác trong khu dân cư hoặc theo các tuyến đường lớn như: Tam Trinh, Kim Đồng, Giải Phóng. Một số khu đất từng có chức năng công nghiệp đang được chuyển đổi để xây dựng chung cư, trung tâm thương mại, hạ tầng xã hội, như: ở khu vực Đồng Tàu, gần bến xe Giáp Bát…Trong quá trình phát triển, các ngành nghề truyền thống cũng đã thu hẹp dần để nhường chỗ cho các ngành có giá trị kinh tế cao hơn, phù hợp với định hướng phát triển của TP. Các loại hình dịch vụ kinh doanh, buôn bán, thương mại bán lẻ, logistics, nhà hàng, quán ăn, phát triển mạnh, phục vụ nhu cầu của dân cư đông đúc trong khu vực.
Sự xuất hiện của các chung cư cao tầng, khu đô thị mới như khu đô thị Đồng Tàu, khu tái định cư Thịnh Liệt, Đô thị mới Đại Kim, Khu đô thị mới Đền Lừ, Khu đô thị Ao Sào,… tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp dịch vụ và thương mại hoạt động. Các tuyến phố chính như: Kim Đồng, Tam Trinh, Giải Phóng, Nguyễn Chính, Trương Định là những điểm phát triển mạnh về dịch vụ - thương mại trên địa bàn phường.
Hướng tới mục tiêu đô thị xanh
Định hướng phát triển trong thời gian tới, phường tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, cải tạo chỉnh trang đô thị, cải tạo tổng thể các khu chung cư cũ, khu nhà ở thấp tầng xung quanh khu vực có ga đường sắt đô thị theo mô hình TOD phục vụ phát triển kinh tế dịch vụ, thương mại.
TP sẽ tập trung đầu tư vào phát triển hệ thống đường sắt đô thị, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển trong khu vực và kết nối với các phường lân cận và phát triển kinh tế dịch vụ dựa trên hệ thống ga đường sắt đô thị. Cải tạo chỉnh trang đô thị, cải tạo tổng thể các khu chung cư cũ, khu nhà ở thấp tầng xung quanh khu vực có ga đường sắt đô thị theo mô hình TOD dọc theo những tuyến chạy qua địa bàn như: tuyến số 01, tuyến số 03, tuyến số 04.
Phường Hoàng Liệt làm tốt công tác tuyên truyền sự kiện lớn của đất nước. Ảnh MA
Chính quyền các cấp sẽ từng bước chuyển đổi chức năng sử dụng hoặc di chuyển cơ sở sản xuất không phù hợp quy hoạch ra khỏi khu vực nội đô. Quỹ đất sau khi di dời sẽ được xem xét, cân đối, bổ sung cho quỹ đất xây dựng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật còn thiếu. Nghiên cứu chuyển đổi một phần quỹ đất để hình thành các trung tâm động lực thương mại dịch vụ.
"Phường chúng tôi sẽ phát triển theo xu hướng đô thị xanh, tận dụng không gian ngầm để phát triển hạ tầng công cộng như hệ thống ngầm điện, nước, và giao thông công cộng, giúp giải quyết vấn đề ùn tắc và hạn chế không gian mặt. Hoàng Mai sẽ ưu tiên khoanh vùng bảo vệ các khu vực cây xanh, mặt nước trên địa bàn phường; xóa bỏ tình trạng ngập, úng cục bộ; khai thác tiềm năng lợi thế không gian mặt nước kết hợp các giải pháp cải tạo cảnh quan, kiểm soát chất lượng nước ao, hồ,… thành nguồn lực phát triển" - Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy phường Hoàng Mai Nguyễn Xuân Linh khẳng định.
Thuận lợi lớn của phường Hoàng Mai là địa phương đang có một đội ngũ lãnh đạo có nhiều kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo, đứng đầu là Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy phường Nguyễn Xuân Linh. Trong số 7 phường mới được thành lập tại vùng đất phía Nam Thủ đô, duy nhất phường Hoàng Mai, có người đứng đầu cấp ủy là Thành ủy viên từng kinh qua vị trí Chủ tịch huyện, Bí thư Quận ủy. Ngoài ra, phường Hoàng Mai có nhiều cán bộ đã từng kinh qua cấp quản lý Ban QLDA Đầu tư xây dựng, Thanh tra quận, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và thể thao quận, Hội LHPN quận...
Ngay sau khi thành lập, phường sẽ tiến hành rà soát lại quy hoạch, phân tích các điểm mạnh của địa phương, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2025-2030, tiến hành tổ chức đại hội Đảng để thống nhất mục tiêu, ý chí hành động.
An Thanh
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/no-luc-phan-dau-de-xung-dang-voi-ten-goi-hoang-mai.751455.html