Nỗ lực quản lý bệnh nhân lao từ gốc

Nỗ lực quản lý bệnh nhân lao từ gốc
6 giờ trướcBài gốc
Nhân viên Trạm Y tế phường Hương Sơn (TP. Thái Nguyên) giám sát bệnh nhân lao qua phiếu câu hỏi để nắm bắt việc tuân thủ uống thuốc tại nhà của người bệnh.
Hành động sớm, ngăn chặn từ gốc
Từ 5 năm nay, Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên cùng Bệnh viện Phổi Thái Nguyên triển khai thành công chiến lược “2X” (X-quang và xét nghiệm Xpert) tại 32/32 xã, phường. Mục tiêu là phát hiện sớm ca mắc lao và lao tiềm ẩn trong cộng đồng - yếu tố then chốt nhằm cắt đứt chuỗi lây nhiễm.
Từ năm 2020 đến nay, có tới 2.652/2.680 đối tượng nguy cơ cao đã được khám sàng lọc (đạt tỷ lệ 98,9%). Qua đó phát hiện 48 trường hợp có bằng chứng vi khuẩn học và thu nhận điều trị lao tiềm ẩn cho 287 bệnh nhân. Toàn bộ bệnh nhân đều được đưa vào quản lý, điều trị bài bản theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.
Cùng với phát hiện, công tác quản lý và giám sát điều trị tại cộng đồng cũng luôn được các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố chú trọng thực hiện.
Bác sĩ Phan Bích Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố: Bệnh nhân lao được theo dõi sát sao từ việc uống thuốc đúng liều, đúng phác đồ, đến thực hiện xét nghiệm định kỳ. Những người sống chung với bệnh nhân cũng được khuyến cáo phòng ngừa và sàng lọc kỹ lưỡng.
Tại xã Sơn Cẩm, bác sĩ Phạm Thị Thu Hằng chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên khám sàng lọc các trường hợp ho, khạc đờm kéo dài. Mỗi năm, trạm y tế xã quản lý từ 10-14 bệnh nhân lao. Cán bộ trạm trực tiếp giám sát việc uống thuốc hàng ngày, điều trị cho người tiếp xúc nguồn lây và hướng dẫn chế độ dinh dưỡng phù hợp”. Nhờ vậy, nhiều năm liền, xã chỉ ghi nhận một ca tái phát lao.
Năm 2024, TP. Thái Nguyên phát hiện 191 ca lao mọi thể, trong đó có 116 ca có bằng chứng vi khuẩn học. Đặc biệt, 11 ca lao kháng thuốc được theo dõi chặt chẽ tại nhà, phối hợp giữa tuyến thành phố và các bệnh viện chuyên ngành trung ương.
Kết quả điều trị cho thấy, 100% bệnh nhân có bằng chứng vi khuẩn học đã khỏi bệnh; tỷ lệ hoàn thành điều trị đạt 98,4%. Chỉ có 2 trường hợp không theo dõi được - một con số rất nhỏ so với tổng thể.
Việc thực hiện khám sàng lọc đối với người có nguy cơ lao cao tại cơ sở có ý nghĩa rất quan trọng, giúp phát hiện lao sớm (ảnh minh họa).
Giảm kỳ thị, nâng cao nhận thức
Hiểu rõ rằng bệnh lao không chỉ là cuộc chiến y học mà còn là vấn đề xã hội, Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên đã tích cực thực hiện công tác truyền thông nhân Ngày Thế giới phòng chống lao 24-3 hằng năm, cũng như trong các đợt khám, phát thuốc tại các trạm y tế xã, phường đối với các đối tượng có nguy cơ mắc lao.
Năm nay, với chủ đề Ngày Thế giới phòng chống lao được đưa ra là “Việt Nam cam kết, đầu tư, hành động để chấm dứt bệnh lao” đã cho thấy sự quyết tâm mạnh mẽ từ trung ương đến địa phương.
Với các thông điệp được đưa ra, như: “Thay kỳ thị - bằng động viên”, “Lao tiềm ẩn - không ho chẳng sốt - nhớ đừng chủ quan!” hay “Đúng thuốc - đúng liều - đúng thời gian - bệnh lao sẽ khỏi!”... đã và đang được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, góp phần giảm thiểu sự kỳ thị và tăng cường sự hợp tác từ phía người dân.
Công tác phòng chống lao tại TP. Thái Nguyên đã và đang được triển khai trên tinh thần “Khoa học - Dân tộc - Đại chúng”. Mỗi cán bộ y tế cơ sở là “lá chắn” bảo vệ cộng đồng trước bệnh lao. Họ không chỉ là người hướng dẫn điều trị, mà còn là người truyền cảm hứng, nâng cao ý thức và tạo niềm tin cho người bệnh cũng như người thân của bệnh nhân và rộng hơn là cho cả cộng đồng.
Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ cao như xét nghiệm GeneXpert tại tỉnh Thái Nguyên giúp phát hiện sớm và điều trị đúng ngay từ đầu chính là yếu tố then chốt giúp giảm nguy cơ lao kháng thuốc.
Tuy nhiên, xét trên bình diện chung của cả nước, dịch tễ lao tại Việt Nam vẫn còn khá nặng nề. Theo Báo cáo của Chương trình chống lao quốc gia, Việt Nam ghi nhận khoảng 182.000 ca lao mới mỗi năm. Trong đó, 9.900 trường hợp mắc lao kháng thuốc và khoảng 11.000 người tử vong vì căn bệnh này.
Hiện nước ta đứng thứ 12 trong danh sách 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới và xếp thứ 10 về số lượng bệnh nhân lao kháng thuốc.
Đáng nói hơn là chỉ khoảng 60% số ca lao trong cộng đồng được phát hiện. Số ca chưa được xác định chính nguồn lây bệnh tiềm ẩn, tạo ra những thách thức lớn trong công tác kiểm soát bệnh.
Chính vì thế, rất cần sự vào cuộc hơn nữa của ngành y tế trong việc đưa bệnh lao vào danh mục được khám sàng lọc tại các cơ sở y tế, phòng khám, cũng như vào trong danh mục khám sức khỏe định kỳ hằng năm tại các cơ quan.
Ngoài ra, một yếu tố khác cũng rất quan trọng chính là những người đang mắc lao, cần chủ động phòng tránh lây nhiễm cho người khác và mỗi người nên đi khám sức khỏe định kỳ để được phát hiện lao sớm. Có như thế, mục tiêu mà nước ta đưa ra là sẽ chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 mới có cơ hội được thực hiện.
Hệ thống y tế của TP. Thái Nguyên, với những gì đã và đang làm, không chỉ đang bảo vệ sức khỏe cho gần hàng trăm nghìn người dân trên địa bàn, mà còn đang góp phần quan trọng vào mục tiêu chung Vì một Việt Nam không còn bệnh lao.
Hạ Liên
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/y-te/202505/no-luc-quan-ly-benh-nhan-lao-tu-goc-2261837/