Nỗ lực thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc đổi mới để phát triển đất nước bền vững

Nỗ lực thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc đổi mới để phát triển đất nước bền vững
20 giờ trướcBài gốc
Việt Nam có chính sách tốt đã thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Trong ảnh: Nhà máy hóa dầu 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hoạt động về đêm. Ảnh: Hải Luận
Xóa bỏ kiểu điều hành cũ
Đất nước ta đã trải qua đời sống khó khăn trăm bề, với cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, tỷ lệ lạm phát lên tới trên 800% vào năm 1986. Bên ngoài thì bị cô lập về chính trị, bao vây về kinh tế. Trước tình hình đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986) đánh dấu bước ngoặt có tính lịch sử về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế ở Việt Nam. Đại hội khẳng định quan điểm đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trên cơ sở đổi mới cơ cấu kinh tế, chấp nhận kinh tế nhiều thành phần và chuyển sang nền sản xuất hàng hóa. Kiên quyết xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, xây dựng cơ chế quản lý có kế hoạch theo phương thức hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Cả nước là một thị trường thống nhất, có nhiều thành phần kinh tế tham gia; Nhà nước bỏ quyền định giá, giữ giá, thay vào đó là điều tiết giá bằng các biện pháp, công cụ kinh tế.
30 năm Việt Nam hội nhập với kinh tế thế giới
Mùa Xuân Ất Tỵ năm 2025 được xem là tròn 30 năm Việt Nam hội nhập với kinh tế thế giới. Chừng ấy thời gian, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải đi qua từ bước chập chững đầu tiên trong “chợ toàn cầu” rộng lớn để vừa bàn, vừa học, vừa làm, vừa điều chỉnh chính sách, xây dựng chiến lược cho nhiều năm tiếp theo.
Chỉ sau một năm “luồng gió đổi mới” đi qua, năm 1987, Quốc hội thông qua Luật Đầu tư nước ngoài. Đây được coi là bước ngoặt lịch sử, văn bản pháp lý quan trọng, bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu thâm nhập vào thị trường nước ta, nắm bắt cơ hội phát triển kinh doanh, kéo theo đó là trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến, cách quản trị doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, tiếp cận thị trường thế giới..., làm cho nền kinh tế của chúng ta có nhịp độ phát triển sôi động ngay thời kỳ đầu đổi mới.
Nhằm đáp ứng nhập khẩu thiết bị siêu trường, siêu trọng, linh kiện xây dựng các nhà máy sản xuất ở các tỉnh phía Nam, Chính phủ đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng nước sâu Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) đón được tàu có tải trọng 50.000 - 80.000 tấn, gỡ được nút thắt “đầu vào” và “đầu ra” sản phẩm cho vùng kinh tế trọng điểm. Hiện nay, hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải đã đón được những chiếc “tàu mẹ” lớn nhất thế giới, chở hàng hóa đi thẳng đến nước Mỹ và châu Âu.
Một vấn đề cực kỳ quan trọng cho nền kinh tế phát triển, đó là điện năng. Đầu những năm 1990, các nhà máy điện ở miền Bắc, đặc biệt là thủy điện Hòa Bình không phát huy được tối đa công suất sản xuất điện, trong khi khu vực miền Nam, nhu cầu điện rất lớn, dẫn đến mất cân bằng cung - cầu, phải hạn chế phụ tải bằng cách cắt điện luân phiên. Điều “tối kỵ” với nhà đầu tư nước ngoài, không thể đổ vào hàng tỉ đô la Mỹ đầu tư ở một đất nước hàng ngày phải “chờ” điện, sản xuất theo kiểu cầm chừng.
Ngày 5/4/1992, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phát lệnh khởi công xây dựng công trình truyền tải điện 500kv Bắc Nam, mục tiêu truyền tải khoảng 2 tỷ kwh/năm, từ miền Bắc vào miền Nam. Chỉ 2 năm sau ngày khởi công, toàn bộ đường dây và các trạm biến áp 500kv đã được bàn giao vận hành. Qua đây mới thấy quyết tâm hành động mạnh mẽ của Chính phủ và cả hệ thống chính trị, làm ra hệ thống điện quốc gia, vĩnh viễn chấm dứt thời kỳ phát điện phân tán, cục bộ từng địa phương trên cả nước. Điều quan trọng là đã xóa bỏ kiểu điều hành cũ, thay đổi cách quản trị, hành động kiểu mới, lấy mục tiêu đại cục của nền kinh tế để đưa ra những quyết định nhanh chóng, kịp thời.
Kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ
Thực hiện đường lối đổi mới, có lẽ thể hiện trên lĩnh vực nông nghiệp là rõ nét nhất và sớm nhất. Cả đất nước nhanh chóng thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, người dân gọi là “khoán 10”, là “cú hích” mạnh mẽ cho sản xuất nông nghiệp. Ruộng đất giao khoán cho nông dân, như “nắng hạn gặp mưa rào”, bà con nỗ lực lao động sản xuất, kết quả mang lại đó là “tiền tươi thóc thật”. Nhờ đó, nhiều vùng quê đã “cầm chân” được cái đói giáp hạt kéo dài triền miên nhiều năm. Đất nước từ chỗ phải nhập khẩu hàng triệu tấn lương thực, dần dần đủ ăn, có dư xuất khẩu, rồi trở thành cường quốc xuất khẩu lương thực của thế giới.
Kinh tế biển giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế quốc gia. Trong ảnh: Tổ hợp du lịch 5 sao trên đảo Hòn Tre, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Hải Luận
Năm 1990, Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty ra đời, là những văn bản pháp lý đầu tiên quy định về hoạt động doanh nghiệp tại Việt Nam. Theo đó, nhiều tổng công ty Nhà nước được thành lập, thường gọi là “Công ty 90, 91”, trở thành hạt nhân của nền kinh tế, đến hôm nay đã trở thành những tổng công ty, tập đoàn kinh tế hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn kinh tế thế giới. Cùng với đó, hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần chính thức được công nhận đã tạo điều kiện cho thành phần kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ. Đầu năm 2022, cả nước có gần 700.000 doanh nghiệp tư nhân, thu hút 58,1% số lao động, chiếm 59,3% tài sản và tạo ra 57,8% doanh thu thuần của các doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam. Nhiều công ty đã lớn mạnh trở thành tập đoàn kinh tế: Vingroup, Hòa Phát, Trường Hải, Vietjet, FPT...
Thế giới có nhiều biến đổi sâu sắc, chiến tranh xung đột diễn ra ở một số nơi, trình độ khoa học công nghệ phát triển như vũ bão. Đặc biệt, ngành chip, bán dẫn có thể làm thay đổi nền kinh tế thế giới. Việt Nam đã nhanh chóng vào cuộc ngay, ngày 21/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Đây là bước tiến lớn trong việc đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn, một ngành công nghiệp đang trở thành trụ cột trong nền kinh tế toàn cầu.
Trước một thế giới phát triển mạnh mẽ, có nhiều người muốn nước ta phát động “công cuộc đổi mới lần 2". Mục tiêu của Chính phủ đặt ra, chỉ riêng quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 100 tỉ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 20 - 25%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 1.045 tỉ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 20 - 25%. Hiện nay, một số trường đại học của Việt Nam tập trung đào tạo kỹ sư bán dẫn, chế tạo..., sẵn sàng tạo ra nguồn lực lao động có trình độ cao, đáp ứng cho đất nước phát triển.
Hải Luận
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/no-luc-thuc-day-manh-me-cong-cuoc-doi-moi-de-phat-trien-dat-nuoc-ben-vung-post485406.html