Với lợi thế biển đảo sạch đẹp, đảo Cù Lao Chàm trở thành điểm du lịch nổi tiếng, thu hút nhiều du khách tới đây, giúp người dân có thêm thu nhập từ hoạt động du lịch. Ảnh: Bích Nguyên
Cù Lao Chàm có hệ sinh thái rất đa dạng bao gồm hệ sinh thái rừng thường xanh, hệ sinh thái nông nghiệp trên đảo, hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rong biển, hệ sinh thái bờ triều - vùng đá... được liên kết để hình thành hành lang đa dạng sinh học nối liền từ rừng xuống biển, từ biển tới vùng bờ. Theo thông tin từ Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, khu vực này có trên 1.000 loài động, thực vật sinh sống trên đảo và hơn 1.300 loài sinh vật biển, trong đó có rất nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo tồn ở Việt Nam và trên thế giới. Tháng 5/2009, Cù Lao Chàm chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An. Trước đó, năm 2005, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quy chế quản lý khu bảo tồn biển, với tổng diện tích 23.500ha, bao gồm 7 hòn đảo và phần mặt biển xung quanh. Năm 2006, UBND tỉnh Quảng Nam ra quyết định thành lập Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm nhằm quản lý, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên đối với phần diện tích biển quanh các đảo.
Trồng phục hồi rạn san hô
Ông Huỳnh Ngọc Diên, Trưởng phòng Truyền thông và phát triển cộng đồng, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết: “Trong 20 năm qua, tính từ lúc thành lập, Ban quản lý đã và đang phối hợp cùng với BĐBP tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản, xử lý các phương tiện hoạt động khai thác hải sản trái phép. Đặc biệt, trong giai đoạn từ 2004-2009, Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm đã biệt phái một cán bộ xuống cùng ăn, cùng ở, cùng làm; hướng dẫn, tập huấn cho chúng tôi nghiệp vụ, cách thức tuần tra trên biển, kỹ năng xử lý vi phạm và truyền thông bảo vệ môi trường, kiến thức pháp luật cho ngư dân”.
Luật Thủy sản quy định vùng đệm, phân khu dịch vụ hậu cần, phục hồi sinh thái được bảo vệ nghiêm ngặt, hạn chế khai thác thủy sản. Thực tế, rạn san hô là bãi đẻ của nhiều loài động vật biển nên được bảo vệ nghiêm ngặt. Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã và đang tiến hành các hoạt động phục hồi, tái tạo các rạn san hô bằng giải pháp trồng san hô. “Đến nay, chúng tôi đã trồng được hơn 1ha san hô trong tổng vùng. Theo dõi cho thấy rạn san hô phục hồi khá tốt, các loại san hô bàn, phiến phát triển được 1cm/năm; san hô nhành phát triển 5-10cm/năm. Điều đáng mừng là người dân cũng tham gia cấy ghép san hô. Với sự chung sức, đồng lòng bảo vệ môi trường, đến nay, vùng bãi Bắc đã phục hồi được nguyên vẹn như 20-30 năm trước” - ông Diên cho biết.
Dân số ở đảo Cù Lao Chàm hiện có gần 3.000 người. Vào mùa du lịch, hòn đảo này đón số lượng khách du lịch gấp hơn 2 lần dân số của đảo mỗi ngày. Hoạt động du lịch mang lại nguồn lợi sinh kế và đóng góp vào sự phát triển kinh tế cho địa phương nhưng cũng đang tạo áp lực tới công tác bảo tồn đa dạng sinh học, giữ gìn môi trường biển, đảo. Để hạn chế tới mức thấp nhất tác động của hoạt động du lịch tới đa dạng sinh học biển đảo Cù Lao Chàm, hiện, người dân và du khách đã được khuyến cáo tuyệt đối không sử dụng túi nilon và không giẫm đạp lên san hô khi lặn biển hoặc tham gia các hoạt động dưới nước. Đối với hoạt động lặn san hô, du khách chỉ được lặn ở các khu vực được phép, có khống chế mực nước và có giám sát từ hệ thống camera giám sát.
Kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác thủy sản
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác thủy sản cũng được tăng cường. Ông Ngô Đình Quý, Trưởng phòng Tuần tra - kiểm soát cho hay: “Chúng tôi phối hợp với lực lượng BĐBP và chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch tuần tra từ đầu năm theo tuần, tháng cả ban ngày và ban đêm, trung bình khoảng 2-3 lượt tuần tra mỗi tuần. Chúng tôi kiểm soát các hoạt động dịch vụ du lịch, nhất là tại các khu vực du khách được bơi, lặn biển để ngăn chặn du khách vớt sinh vật lên bờ, bắt ốc, câu cá... và hướng dẫn, truyền thông cho du khách về ý thức bảo vệ môi trường biển; nhắc nhở, xử lý các trường hợp ngư dân vi phạm khai thác thủy sản trong khu bảo tồn, khai thác sai tuyến, sai vùng”.
Cán bộ Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm tuần tra, tuyên truyền thông tin pháp luật cho ngư dân đang khai thác thủy sản trên biển. Ảnh: Ngọc Diên
Cũng theo ông Quý, vùng biển đảo Cù Lao Chàm hiện có hơn 300 loài đặc hữu, trong đó có cua đá. Việc khai thác cua đá do Tổ hợp tác xã quản lý điều tiết về số lượng, ngư dân chỉ được phép khai thác cua đá khi chúng đạt đến kích thước theo quy định để đảm bảo nguồn lợi cua biển không bị khai thác quá mức. Mỗi con cua được khai thác đều có dán tem.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, trước đây, 90% người dân trên đảo làm nghề biển, 10% sản xuất nông nghiệp. Với định hướng phát triển kinh tế xanh, bền vững cơ cấu nghề nghiệp ở đây đã thay đổi theo hướng giảm nghề khai thác thủy sản sang các ngành nghề khác. Hiện nay, tỉ lệ người dân làm nghề biển đã giảm xuống còn 60% nhằm giảm áp lực khai thác, góp phần bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, cảnh quan môi trường. 40% dân số còn lại của đảo Cù Lao Chàm chuyển sang làm dịch vụ du lịch.
Cán bộ Biên phòng cùng vào cuộc
Chia sẻ về những nỗ lực tuyên truyền, nâng cao nhận thức giữ gìn môi trường sinh thái cho người dân và du khách, Thiếu tá Trần Quốc Tuấn, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm cho hay: “Ngoài các buổi tuyên truyền tập trung, chúng tôi còn tới từng ghe tuyên truyền tại cảng cho ngư dân về các quy định của pháp luật trong khai thác thủy sản; thực hiện tuần tra, phát hiện, xử lý phương tiện khai thác thủy sản vi phạm pháp luật. Một trong những nhiệm vụ quan trọng ở đây là bảo vệ khu dự trữ sinh quyển, nhất là rạn san hô, thảm thực vật biển, vận động nhân dân và du khách nói không với túi nilon, rác thải nhựa”...
Hiện, Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm thực hiện tuần tra định kỳ ít nhất 2 lần/tuần để kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản, trọng tâm là khu vực cấm khai thác, khu vực trong diện bảo vệ nghiêm ngặt như Hòn Lá, Hòn Lao, Hòn Khô mẹ, Khô con...
Thiếu tá Tuấn cho biết, từ năm 2019, đảo Cù Lao Chàm thực hiện phong trào nói không với túi nilon, đổi túi nilon lấy túi tái chế, túi làm bằng vật liệu tự hủy. Phối hợp với chính quyền địa phương, cán bộ Biên phòng cùng vào cuộc vận động du khách không sử dụng túi nilon, không mang túi nilon ra đảo. “Sau một thời gian tuyên truyền, vận động, đến nay, người dân trên đảo chỉ dùng túi kết bằng sợi, dùng lá bàng để gói thực phẩm. Cả người dân và du khách đều có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường” - Thiếu tá Tuấn nói.
Bên cạnh đó, Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm cũng phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức Đoàn Thanh niên tiến hành làm sạch biển vào thứ 7 hàng tuần với các hoạt động thu gom rác thải, phát quang đường ven biển, nhặt vỏ chai, túi nilon từ biển trôi dạt vào bờ... Những hoạt động trên đang góp phần giữ cho đảo Cù Lao Chàm luôn xanh tươi, vừa bảo tồn được các hệ sinh thái, các giá trị đa dạng sinh học, vừa thúc đẩy và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xanh.
Hà My