Các nhà thầu phấn đấu đến ngày 31/3/2025 hoàn thành thi công Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc. Ảnh: P.V
Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp
Năm 2024 được xác định là năm "nước rút", có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện thành công các mục tiêu tăng trưởng, phát triển KT-XH giai đoạn 2020-2025. Vì vậy, để có thể "cán đích" các mục tiêu đặt ra, ngay từ những tháng đầu năm, các cơ quan, doanh nghiệp (DN), địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH.
Với tinh thần khẩn trương, tích cực, đồng hành, chia sẻ trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, năm 2024, HĐND tỉnh đã tổ chức 7 kỳ họp, trong đó có 5 kỳ họp chuyên đề, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn.
Chỉ riêng Kỳ họp thứ 17 (kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh đã xem xét, thảo luận, thông qua 9 nội dung điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất, các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng KT-XH của tỉnh năm 2024.
Ông Hà Văn Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Các quyết sách kịp thời, khả thi của HĐND tỉnh đã tạo cơ sở pháp lý để các cấp, ngành chủ động xây dựng giải pháp đột phá thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra.
Để phấn đấu hoàn thành toàn diện ở mức cao nhất các chỉ tiêu đề ra, song hành với công tác kiểm tra tiến độ các dự án trọng điểm, lãnh đạo UBND tỉnh chủ động làm việc với các sở, ban, ngành, DN, nhà đầu tư để nắm bắt những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Lãnh đạo tỉnh cũng chủ trì nhiều phiên họp, hội nghị, tổ chức đối thoại với cộng đồng DN để kịp thời nắm bắt, chỉ đạo các ngành chức năng tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, thu hút đầu tư và hỗ trợ các DN phát triển sản xuất, kinh doanh.
Các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công 3 cầu lớn trên Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc.
Năm 2024, Chi cục Hải quan Thái Nguyên (Cục Hải quan Bắc Ninh) được giao chỉ tiêu pháp lệnh thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) là 2.500 tỷ đồng. Xác định đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, đơn vị đã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính và hỗ trợ để góp phần giúp các DN phát triển sản xuất, kinh doanh, từ đó tăng nguồn thu cho ngân sách.
Theo ông Nguyễn Đăng Chinh, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Thái Nguyên: Chi cục phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh để nắm bắt, tiếp cận các nhà đầu tư mới nhằm kịp thời tư vấn về chính sách đầu tư, thủ tục hải quan… ngay từ khi DN chưa phát sinh hoạt động XNK. Đồng thời duy trì các buổi gặp mặt tại trụ sở cơ quan Hải quan và xuống trực tiếp làm việc để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các DN, qua đó thúc đẩy hoạt động XNK và hoàn thành chỉ tiêu pháp lệnh thu ngân sách năm 2024.
Nỗ lực đạt mức tăng trưởng cao
Năm 2024, Thái Nguyên đề ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 7,5%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 8,5%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản 3,5%...
Kết quả, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2024 đạt trên 6,5%. Tuy không đạt kế hoạch đề ra nhưng tiếp tục tăng trưởng dương, thuộc tốp các địa phương có mức tăng trưởng trung bình khá của cả nước.
Năm 2024, lĩnh vực công nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng lớn nhất của tỉnh, với giá trị sản xuất ước đạt trên 1.030 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với năm trước. Ảnh: L.K
Đáng chú ý, trong bối cảnh khó khăn nhưng năm 2024, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh vẫn đạt 19.680 tỷ đồng, vượt 22% so với dự toán Trung ương giao, đạt 100,8% so với dự toán HĐND tỉnh giao. Con số này cũng cho thấy sức mạnh nội tại, tính ổn định, bền vững của nền kinh tế Thái Nguyên.
Đặc biệt, hoạt động thương mại, dịch vụ duy trì đà phục hồi và tăng trưởng tốt trong năm 2024. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh năm 2024 ước đạt 78,86 nghìn tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ, bằng 104,5% kế hoạch. Trong công tác xây dựng nông thôn mới (NTM), dự kiến đến hết năm 2024, có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM, 11 xã NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mẫu, 1 huyện đạt chuẩn NTM, đạt mục tiêu đề ra.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, nhận định: Nhìn vào "bức tranh" KT-XH của tỉnh, tôi đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, thu hút đầu tư các dự án FDI, công tác hỗ trợ các DN được tỉnh thực hiện tốt.
Ở một khía cạnh khác, đối với một số chỉ tiêu chưa đạt như kỳ vọng, nhưng cũng đã thể hiện được nỗ lực lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng đồng hành với cộng đồng DN, doanh nhân trên địa bàn. Đó là Thái Nguyên tiếp tục giữ vững vị trí thứ 5/63 tỉnh, thành phố về giá trị xuất khẩu; giá trị sản xuất công nghiệp, thu nhập bình quân đầu người (GRDP) cao hơn mức bình quân chung cả nước.
Trong khối doanh nghiệp địa phương, sản phẩm dệt may xuất khẩu của Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG chiếm khá lớn.
Nhìn chung, "bức tranh" KT-XH năm 2024 của tỉnh có nhiều gam màu tươi sáng, phản ánh hiện thực khách quan, sự quyết tâm cao, đồng thuận lớn và hiệu quả chỉ đạo, điều hành tại địa phương, tạo ra những đột phá mới, góp phần quan trọng hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của cả giai đoạn.
Kết quả này cũng tạo niềm tin để Thái Nguyên kỳ vọng đạt mục tiêu tăng trưởng 8,5% vào năm 2025 - năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng: Là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2021-2025, đồng thời là năm tập trung tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Năm 2024, cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ gia tăng; giảm tỷ trọng nông, lâm, thủy sản. Trong đó, cơ cấu khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 57,39%; khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm chiếm 32,53%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,08%.
GRDP bình quân đầu người ước đạt 119,2 triệu đồng, tăng 5,86% (tương đương tăng 6,6 triệu đồng/người/năm) so với năm 2023.
Hằng Nga