Nỗ lực xác định danh tính liệt sĩ qua mẫu ADN

Nỗ lực xác định danh tính liệt sĩ qua mẫu ADN
6 giờ trướcBài gốc
Từ đầu năm 2025 đến nay, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an và Công ty GeneStory tổ chức thu nhận mẫu ADN cho 1 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 15 mẹ liệt sĩ và 18 thân nhân là anh chị em ruột của các liệt sĩ chưa xác định được danh tính trên địa bàn tỉnh. Qua đó thể hiện sự tri ân và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước cùng toàn xã hội đối với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Ý nghĩa nhân văn
Năm 2025 đánh dấu tròn 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025). Đây là dịp để cả nước tri ân những hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước, tiếp tục thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” - truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện tại trên cả nước vẫn còn khoảng 500.000 liệt sĩ chưa xác định được danh tính, trong đó Khánh Hòa có gần 3.000 trường hợp. Những con số này là nỗi đau, sự day dứt của các gia đình cũng như các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.
Đoàn công tác đến nhà thu mẫu ADN của mẹ liệt sĩ.
Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, việc thu thập mẫu ADN để xây dựng “Ngân hàng gen liệt sĩ chưa xác định thông tin và thân nhân liệt sĩ” là giải pháp khoa học hiện đại, thể hiện sự quyết tâm của Nhà nước trong việc xác định danh tính cho các liệt sĩ. Công nghệ ADN với khả năng phân tích di truyền chính xác, mở ra hy vọng cho việc xác định danh tính liệt sĩ từ những hài cốt vô danh, giúp gia đình tìm lại người thân và khép lại những nỗi đau kéo dài hàng thập kỷ.
Chương trình thu nhận mẫu ADN không chỉ mang ý nghĩa khoa học mà còn là hành động tri ân sâu sắc. Tại Khánh Hòa, thời gian qua, việc lực lượng công an tổ chức đoàn công tác trực tiếp đến từng nhà để lấy mẫu ADN cho các mẹ liệt sĩ thể hiện sự chu đáo và tôn kính của lực lượng công an đối với các mẹ liệt sĩ. Hành động này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các gia đình mà còn gửi đi thông điệp rằng xã hội luôn ghi nhớ và trân trọng sự hy sinh của các liệt sĩ.
Câu chuyện của lòng tri ân
Một trong những câu chuyện xúc động được ghi nhận trong đợt thu mẫu ADN là trường hợp của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Dóc (99 tuổi, đang sinh sống tại Tổ dân phố Hà Liên, phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa). Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Dóc là mẹ của hai liệt sĩ Nguyễn Chẳng và Nguyễn Quyện, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt của cả hai người con. Dù sức khỏe yếu, không thể đi lại, song tinh thần của mẹ vẫn tràn đầy hy vọng khi đoàn công tác đến nhà. Niềm phấn khởi của mẹ không chỉ là mong mỏi cá nhân mà còn là khát vọng của các gia đình liệt sĩ trên cả nước, đó là tìm lại được người thân, dù chỉ là một cái tên trên bia mộ. Hình ảnh đoàn công tác đến từng nhà thu mẫu ADN và tặng quà tri ân, động viên các mẹ đã khắc họa rõ nét tinh thần “uống nước nhớ nguồn”. Những món quà dù nhỏ bé song là tấm lòng, sự tri ân đối với những hy sinh của các liệt sĩ.
Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, trước khi triển khai đợt thu mẫu ADN vừa qua, Công an tỉnh đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Từ tháng 8-2024, lực lượng Công an đã phối hợp với các ngành liên quan để rà soát, xác định gần 3.000 thân nhân của liệt sĩ chưa xác định danh tính. Đây là khối lượng công việc khổng lồ, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan. Việc tiếp tục rà soát để thu thập ADN từ các thân nhân khác cho thấy quyết tâm của Khánh Hòa trong việc không bỏ sót bất kỳ trường hợp nào.
Sự phối hợp với Công ty GeneStory, đơn vị có chuyên môn trong lĩnh vực phân tích di truyền, cho thấy sự chuyên nghiệp trong cách tiếp cận của chương trình. Công nghệ ADN không chỉ là công cụ khoa học mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa những hy sinh thầm lặng và lòng tri ân của thế hệ hôm nay. Theo đó, việc thu nhận mẫu ADN để xác định danh tính liệt sĩ là một bước tiến lớn, nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Trước hết, số lượng liệt sĩ chưa xác định danh tính trên cả nước rất lớn, đòi hỏi nguồn lực tài chính, nhân lực và thời gian đáng kể. Riêng tại Khánh Hòa, con số gần 3.000 liệt sĩ chưa có thông tin phần mộ hoặc hài cốt là một bài toán khó, đặc biệt khi nhiều thân nhân của liệt sĩ đã lớn tuổi, sức khỏe yếu, hoặc đã qua đời; kế đến là công nghệ ADN dù tiên tiến, song vẫn cần sự phối hợp chặt chẽ giữa việc thu mẫu, phân tích và đối chiếu với các hài cốt liệt sĩ. Quá trình này không chỉ đòi hỏi kỹ thuật mà còn cần sự chính xác trong việc lưu trữ và quản lý dữ liệu di truyền. Việc xây dựng ngân hàng gen liệt sĩ là bước đi đúng đắn, nhưng để ngân hàng này hoạt động hiệu quả cần có sự đầu tư dài hạn và đồng bộ. Trong đó, cần đảm bảo được thực hiện với sự minh bạch và có sự hỗ trợ tâm lý đầy đủ cho các gia đình.
THÀNH LONG
Nguồn Khánh Hòa : http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202505/no-luc-xac-dinh-danh-tinh-liet-si-qua-mau-adn-f2819d2/