Nỗ lực xóa bỏ tình trạng sinh con tại nhà

Nỗ lực xóa bỏ tình trạng sinh con tại nhà
6 giờ trướcBài gốc
2 tháng có 8 ca sinh tại nhà
5 năm gần đây, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản tại các xã đồng bào dân tộc thiểu số và vùng cao của huyện Hàm Thuận Bắc, kể cả xã La Dạ đã có nhiều nỗ lực và tiến bộ đáng kể. Tỷ lệ phụ nữ sinh đẻ tại các cơ sở y tế như trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực hoặc bệnh viện đạt mức 100%. Tuy nhiên, trong 2 tháng gồm tháng 5 và tháng 6/2024, xã La Dạ ghi nhận 8 trường hợp sản phụ sinh con tại nhà. Điều này đã dấy lên một mối lo ngại về nguy cơ tai biến sản khoa có thể xảy ra, đe dọa đến tính mạng của sản phụ, trẻ sơ sinh.
Khám sức khỏe cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Hàm Thuận Bắc cho biết: Nguyên nhân được xác định là do phong tục, tập quán sinh con tại nhà vẫn tồn tại ở một bộ phận người dân tộc thiểu số của xã La Dạ. Đặc biệt là trong dòng họ có người biết đỡ đẻ theo phương pháp dân gian, nên thực hiện những ca này cho người thân trong dòng họ. Trung tâm Y tế Hàm Thuận Bắc phát hiện sự việc của La Dạ, nên tham mưu UBND huyện có Văn bản số 2133 (1/7/2024) gửi UBND xã La Dạ yêu cầu tuyên truyền, vận động phụ nữ mang thai đến cơ sở y tế sinh con để đảm bảo sức khỏe. Đến nay, tình trạng sinh con tại nhà ở xã La Dạ không còn xảy ra.
UBND huyện Hàm Thuận Bắc yêu cầu UBND xã La Dạ tuyên truyền trong hệ thống chính trị tại địa phương và người dân biết được những nguy hiểm khi sinh con tại nhà. Vận động phụ nữ mang thai chủ động đến cơ sở y tế sinh để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và con. Nắm bắt số mụ vườn hoạt động tại địa phương, cam kết không hoạt động đỡ đẻ tại nhà. Trạm Y tế và y tế thôn, bản xã La Dạ tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân về nguy cơ xảy ra tai biến sản khoa khi sinh tại nhà. Đảm bảo thuốc và trang thiết bị y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, đặc biệt là công tác sinh đẻ tại Trạm Y tế.
Nhiều xã đạt 100% sinh tại trạm
Tuy nhiên, nhiều xã đồng bào dân tộc thiểu số và vùng cao khác trong tỉnh có tỷ lệ phụ nữ sinh đẻ tại cơ sở y tế đạt 100%, không có trường hợp nào sinh con tại nhà. Cụ thể, xã Phan Sơn, xã Phan Lâm, xã Phan Điền (Bắc Bình), xã Hàm Cần, xã Mỹ Thạnh (Hàm Thuận Nam), xã Đông Giang, Đông Tiến (Hàm Thuận Bắc)… Điều này cho thấy sự khác biệt rõ rệt trong công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng. Các xã này đã thành công nhờ vào những nỗ lực không ngừng của chính quyền, y tế địa phương.
Bác sĩ Huỳnh Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Y tế Bắc Bình chia sẻ: Trước đây, người dân chưa hiểu biết và thường sinh con tại nhà. Tình trạng này dẫn đến trẻ bị uốn ván rốn, tử vong sơ sinh cao. Nhờ công tác truyền thông trực tiếp hoặc gián tiếp tích cực từ các cộng tác viên (cô đỡ thôn - bản), người dân tin vào cơ sở y tế và không còn sinh tại nhà trong những năm gần đây.
Một trong những yếu tố quan trọng giúp các xã này đạt được thành công trong việc vận động phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế là sự phối hợp của chính quyền địa phương, các cơ sở y tế và đội ngũ cộng tác viên thôn bản. Cô đỡ thôn bản là “cánh tay nối dài” của y tế cơ sở được đào tạo, tập huấn, được cấp chứng chỉ và nắm vững các kiến thức tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản, thay thế dần những cô mụ vườn với phương pháp dân gian. Đồng thời, thường xuyên thăm hỏi, động viên các gia đình, phụ nữ mang thai tham gia khám thai định kỳ và sinh con tại các cơ sở y tế. Ngoài ra, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh qua nhiều kênh thông tin, từ các buổi sinh hoạt cộng đồng đến các phương tiện truyền thông địa phương. Những hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về các nguy cơ khi sinh con tại nhà. Từ đó giúp người dân hiểu rõ hơn về lợi ích của việc sinh tại trạm y tế, chuyển sang tin tưởng và lựa chọn sinh con tại cơ sở y tế, góp phần giảm thiểu nguy cơ tai biến sản khoa và bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và trẻ sơ sinh.
TRANG HIẾU
Nguồn Bình Thuận : https://baobinhthuan.com.vn/no-luc-xoa-bo-tinh-trang-sinh-con-tai-nha-125907.html