Nỗ lực xóa 'điểm đen' tai nạn giao thông đường đèo, núi

Nỗ lực xóa 'điểm đen' tai nạn giao thông đường đèo, núi
8 ngày trướcBài gốc
Hiện trường vụ tai nạn tại Sơn La làm 6 người chết và 9 người bị thương. (Nguồn: Minh Tiến)
Liên tiếp xảy ra tai nạn
Là tuyến đèo uốn lượn, có 7 vị trí quanh co, nguy hiểm, đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) từ lâu đã được xem là khu vực thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Ngày 30/3 vừa qua, tại khu vực này đã xảy ra một vụ tai nạn khiến 1 người thiệt mạng và 3 người khác bị thương. Theo thông tin, khoảng 17h30, chiếc xe khách đang lưu thông theo hướng Đà Lạt - TP Hồ Chí Minh bất ngờ va chạm với phần đuôi của xe tải chạy cùng chiều phía trước, mất lái, lao sang phần đường ngược lại rồi rơi xuống vực sâu khoảng 20 mét.
Trước đó, một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng khác cũng đã xảy ra ở quốc lộ 6 hướng Sơn La - Hà Nội, khiến 6 người chết và 9 người bị thương. Vụ việc xảy ra vào khoảng 23h30 ngày 21/2, khi xe khách di chuyển đến địa phận huyện Yên Châu (Sơn La) thì va chạm với xe đầu kéo đang lưu thông theo hướng ngược lại. Được biết, khu vực này cũng là nơi có đặc thù địa hình vùng cao, đèo dốc quanh co.
Có thể thấy, hai địa điểm xảy ra tai nạn đều có điểm chung là địa hình hiểm trở, nhiều đèo dốc, cong cua liên tục, tầm nhìn hạn chế... Đây cũng là hai trong số nhiều tuyến đường đèo, núi tại Việt Nam xuất hiện nhiều “điểm đen” tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Việc tai nạn nghiêm trọng liên tiếp xảy ra không chỉ gây thiệt hại về người và tài sản mà còn tạo ra tâm lý hoang mang, lo lắng cho các tài xế mỗi khi lưu thông qua những cung đường này.
Làm rõ nguyên nhân để tìm cách khắc phục
Theo các chuyên gia, mặc dù các tuyến đường đèo, núi thường xuyên được cảnh báo về mức độ nguy hiểm, nhưng tai nạn giao thông vẫn liên tục xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bên cạnh nguyên nhân liên quan đến hạ tầng, nhiều nguyên nhân khách quan khác như điều kiện thời tiết xấu, thiên tai, phương tiện gặp sự cố kỹ thuật như nổ lốp, mất phanh, mất lái... cũng góp phần làm tăng nguy cơ tai nạn.
Đặc biệt, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn tại khu vực này còn có liên quan trực tiếp tới người điều khiển phương tiện. Qua điều tra của cơ quan chức năng, nhiều vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân xuất phát từ kỹ năng lái xe và ý thức của người điều khiển phương tiện. Điển hình, các vụ xe khách tai nạn trên tuyến đường đèo, núi thời gian qua, phần lớn đều có liên quan đến hành vi phóng nhanh, vượt ẩu hoặc do lỗi chủ quan, không làm chủ được tình huống của tài xế.
Nhìn từ những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho thấy, việc nâng cấp hạ tầng giao thông, hay đầu tư các công trình bảo đảm an toàn giao thông là rất cần thiết, nhưng chưa đủ. Quan trọng hơn cả chính là ý thức chấp hành pháp luật của người dân, đặc biệt là những người trực tiếp tham gia giao thông. Bởi lẽ, dù hạ tầng có được cải thiện đến đâu, nếu người điều khiển phương tiện thiếu ý thức thì nguy cơ xảy ra tai nạn vẫn luôn tiềm ẩn.
Chính vì vậy, để xử lý triệt để các “điểm đen” tai nạn giao thông, cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt từ các cơ quan chức năng, hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thời gian qua, nhận thấy khu vực đèo Bảo Lộc xảy ra nhiều vụ xe khách phóng nhanh, vượt ẩu, gây tai nạn hoặc gây nguy hiểm cho các phương tiện đang lưu thông qua đèo. Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Lâm Đồng đã thành lập tổ công tác, thường xuyên tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an toàn giao thông trên đèo Bảo Lộc. Từ đầu năm 2025 tới nay, riêng đối với xe ô tô vận tải hành khách, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý tổng cộng 250 trường hợp vi phạm các quy định khi tham gia giao thông trên đèo Bảo Lộc.
Bên cạnh yếu tố ý thức, một trong những điều kiện quan trọng nhất để bảo đảm an toàn giao thông đối với các tài xế khi lưu thông qua các tuyến đường đèo, núi chính là tích lũy kinh nghiệm và nâng cao kỹ năng điều khiển phương tiện. Chia sẻ với truyền thông, Thượng tá Phạm Việt Công - Phó Chánh Văn phòng An toàn giao thông Quốc gia nhận định, kỹ năng điều khiển phương tiện, phán đoán tình huống trên các cung đường đèo dốc rất quan trọng. Do đó, để làm chủ được tốc độ, tay lái, dễ dàng xử lý tình huống trên đường, tài xế cần tuân thủ nguyên tắc “lên số nào, xuống số đó”, tức phải giữ nguyên số thấp khi xuống dốc. Đặc biệt phải tuân thủ quy định về tốc độ, làn đường, tránh vượt ẩu nguy hiểm.
Linh Chi
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/no-luc-xoa-diem-den-tai-nan-giao-thong-duong-deo-nui-post544888.html