Nô nức lễ hội đầu năm

Nô nức lễ hội đầu năm
2 ngày trướcBài gốc
Trên các kênh thông tin, mạng xã hội, có lẽ hình ảnh vòng xòe đoàn kết quanh ánh lửa bập bùng sưởi ấm những vòng tay của nhân dân các dân tộc xã Mường Khoa những ngày qua thu hút lượng người dõi không ít. Vòng xòe nối liền những vành khăn của phụ nữ dân tộc Lào nơi đây đã đi vào thơ ca, làm nên nét trữ tình đắm say của vùng đất gắn liền với dòng Nâm Mu xanh ngắt. Xòe được xem linh hồn của các lễ hội vùng Tây Bắc, không xòe, hội không vui. Do vậy, khép lại lễ hội bao giờ cũng là vòng xòe đoàn kết để rồi những dư âm của ngày xuân còn lâng lâng mãi trong lòng mỗi người dân.
Đồng chí Đoàn Thị Phượng - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Khoa chia sẻ: Lễ hội xòe chiêng năm nay mở đầu bằng hoạt động giao lưu bóng đá giữa các bản với nhau. Đây cũng là hoạt động tập dượt để xã tổ chức đại hội điểm thể dục thể thao cấp huyện vào cuối tháng 2. Buổi tối, bà con được thưởng thức chương trình văn nghệ “cây nhà, lá vườn” của các bản trong xã, ngoài ra xã còn mời các đội văn nghệ bản của xã Phúc Khoa đến giao lưu. Vui là vậy nên nhân dân các bản nô nức tụ họp cổ vũ bóng đá từ sớm, chiều lại tập trung ở trụ sở UBND xã thưởng thức và vui vòng xòe.
Nhân dân vui vòng xòe đoàn kết tại Lễ hội xòe chiêng tại xã Mường Khoa (huyện Tân Uyên).
Pắc Ta là nơi hội tụ bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng Tây Bắc, nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc Thái, Dao, Khơ Mú và một số dân tộc khác; được thiên nhiên ban tặng những cảnh quan tươi đẹp, hấp dẫn, như: suối nước nóng Nà Ún; cánh đồng lúa cò giàng Bó Lun; vùng rau, củ, quả Tân Bắc. Tất cả các yếu tố đó đã và đang được khơi dậy và phát huy để Pắc Ta thúc đẩy phát triển văn hóa - du lịch. Pắc Ta cũng có nền văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc với những đặc trưng riêng của nghệ thuật xòe Thái. Lời ca “không xòe không vui, không xòe cây ngô không ra bắp, không xòe cây lúa không trổ bông, không xòe trai gái không thành đôi” ngân vang giữa rừng hoa ban, hoa đào nơi vùng quê này đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong những ngày tết đến, xuân về.
Ngay sau phần lễ, diễn ra các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao và trò chơi dân gian như: ném còn, tó má lẹ, nhảy bao bố, bịt mắt bắt vịt... Với sự tham gia nhiệt tình của đông đảo nhân dân trên địa bàn mang đến cho các lễ hội những phần thi, trò chơi thêm kịch tính, vui nhộn. Phần giao lưu văn nghệ với các tiết mục múa, hát được chuẩn bị, dàn dựng công phu, do diễn viên đến từ các bản, trường học trên địa bàn biểu diễn, chủ đề là ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, quê hương đất nước, mùa xuân, đã để lại nhiều ấn tượng cho đại biểu và khán giả. Kết thúc lễ hội cũng là lúc vòng xòe đoàn kết bắt đầu, với mong muốn nhân dân các dân tộc trên địa bàn có một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, đồng lòng với cấp ủy, chính quyền xã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm mới, với nhiều thắng lợi mới.
Hoạt động vui xuân ở Mường Khoa hay Pắc Ta cũng là hoạt động diễn ra khắp các xã, thị trấn trong toàn huyện. Tại các lễ hội đều có sự hiện diện, cổ vũ, động viên của các đồng chí lãnh đạo huyện nên bà con như thấy được sự quan tâm chu đáo cũng như sâu sát trong công tác lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền.
Đồng chí Lò Văn Biên - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên thông tin: Mùa xuân là mùa khởi đầu năm mới, được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức nhiều hoạt động vui xuân đón tết cho bà con, tạo tâm lý vui tươi, phấn khởi, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đắc lực thực hiện nhiệm vụ chính trị của huyện. Trong đó, chính quyền huyện xác định nhiệm vụ đảm bảo an sinh, giảm nghèo và xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân là quan trọng hàng đầu.
Đến ngày 11/2, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện hoàn thành tổ chức các lễ hội xòe chiêng, trong đó có UBND xã Trung Đồng tổ chức Lễ hội xòe chiêng dân tộc Thái. Tại đây đã tái hiện nghi lễ Áp Hô Chiêng (gội đầu năm mới) tại bản Phiêng Phát 1. Trong dịp tết vừa qua, trên địa bàn huyện không xảy ra các vụ việc, hành vi lợi dụng di tích, nơi thờ tự, không gian lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan. Các hoạt động diễn ra trong lễ hội đều duy trì và gìn giữ được những nét văn hóa truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc. Ước tính lượng khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm cảnh sắc Tân Uyên khoảng gần 8.000 lượt người. Đây là tín hiệu đáng mừng, dự báo một năm khởi sắc cho du lịch Tân Uyên.
Thu Trang
Nguồn Lai Châu : https://baolaichau.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/n%C3%B4-n%E1%BB%A9c-l%E1%BB%85-h%E1%BB%99i-%C4%91%E1%BA%A7u-n%C4%83m