Nở rộ lừa đảo mạo danh

Nở rộ lừa đảo mạo danh
19 giờ trướcBài gốc
Sau bài viết phản ánh lộ, lọt thông tin cá nhân, nhiều người dùng cho biết hằng ngày vẫn liên tục nhận được những cuộc gọi, tin nhắn xưng là người thân để mượn tiền, thông báo trúng thưởng...
Nếm quả đắng
Ông Trung Khánh (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết vừa bị lừa 4,5 triệu đồng bởi một tài khoản Facebook mạo danh người thân, có tên, ảnh đại diện giống hệt. "Người này nhắn tin mượn 4,5 triệu đồng chuyển khoản cho người khác để xử lý công việc gấp và hứa ngày mai sẽ trả lại. Họ giục tôi bằng cách gọi điện qua Messenger. Thủ đoạn lần này khá tinh vi khi tài khoản Facebook này nằm trong diện bạn bè, cách nhắn tin rất tự nhiên khiến tôi mất cảnh giác, đến khi gọi trực tiếp người thân thì mới biết đã bị lừa" - ông Khánh nói.
Chị L.T.X.H (ngụ TP Hà Nội) cho hay đã bị lừa hơn 1,4 tỉ đồng khi mua hàng qua fanpage giả mạo "Hằng Du Mục" (tên một KOL chuyên livestream bán hàng) hồi đầu tháng 2. Chị kể khi biết chị đang quan tâm đến sản phẩm tủ lạnh, một người xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng chúc mừng "chị là khách hàng may mắn thứ 8/15" đã nhắn tin vào khung giờ 10 phút vàng nên được giảm giá 80%. Chị H. được yêu cầu chuyển 300.000 đồng vào tài khoản chỉ định và sau 3 - 5 phút được nhận lại 390.000 đồng. Do thấy số tài khoản này hiện tên chủ tài khoản công ty là "… Hang Du Muc" và nhận được 390.000 đồng thật nên chị tin tưởng. Số tiền giao dịch tăng dần và đến lúc chị sắp nhận lại số tiền nhiều hơn thì bị yêu cầu đóng tiền thuế thu nhập cá nhân, tiền mở cổng thanh toán, tiền xác minh tài khoản… Nghi ngờ, chị H. muốn chỉ nhận lại số tiền gốc hơn 1,4 tỉ đồng nhưng không được nên đã trình báo cơ quan chức năng.
Một phụ nữ bị lừa hơn 1,4 tỉ đồng khi mua hàng qua fanpage giả mạo
Theo ông Lê Tuấn Linh, Giám đốc và đại diện pháp luật Công ty TNHH Hằng Du Mục Entertainment, tài khoản Facebook và chứng từ chị H. nhận được đều là giả mạo và không liên quan đến "Hằng Du Mục". Trước đó, nhiều người tìm đến công ty khi biết bị lừa các dạng như: chuyển tiền booking "Hằng Du Mục" hay mua sản phẩm dỏm từ cửa hàng có tên tương tự của "Hằng Du Mục". Ông Linh đã đăng tải thông tin cảnh báo vụ việc trên tài khoản cá nhân để phòng ngừa các trường hợp tương tự. Liên quan đến việc mạo danh cán bộ nhà nước, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông (cũ) cho hay chị L.T.L. (ngụ Thanh Hóa) vào đầu tháng 1-2025 đã nhận được cuộc gọi của một phụ nữ, tự xưng là cán bộ công an và tư vấn Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, gọi điện để hướng dẫn cài đặt phần mềm dịch vụ công. Chị L. đã cài đặt phần mềm và làm theo yêu cầu, như nhập thông tin cá nhân, chụp ảnh thẻ ngân hàng. Ngay sau đó, tài khoản của chị bị trừ 7,9 triệu đồng.
Cục Thuế TP HCM khẳng định những việc mạo danh cơ quan thuế gọi điện thoại, gửi tin nhắn đến người nộp thuế là lừa đảo. Cơ quan thuế không chỉ đạo và không tổ chức thực hiện các nội dung trên.
Tránh để "lộ" thông tin cá nhân
Theo các chuyên gia an ninh mạng, nguyên nhân lừa đảo ngày càng nhiều dù cơ quan chức năng đã ra sức ngăn chặn như định danh số điện thoại, tài khoản, KYC ngân hàng… là do đối tượng lừa đảo dùng tài khoản ảo, số điện thoại rác, chuyển tiền qua nhiều tài khoản trung gian, máy chủ đặt ở các quốc gia khác nhau nên việc truy vết mất nhiều thời gian và ngăn chặn khó khăn. Bên cạnh đó, kịch bản lừa đảo chuyên nghiệp, thay đổi liên tục, đánh vào tâm lý "muốn có tiền nhanh" của người dân khiến họ không kịp nhận ra.
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng Phòng An toàn thông tin - Trung tâm Viễn thông QTSC, hình thức này diễn ra rầm rộ là do đối tượng xấu lợi dụng sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra phần mềm, website chứa mã độc. Việc này khiến nhiều người dân bị lộ, lọt thông tin cá nhân, tạo điều kiện cho kẻ xấu thu thập dữ liệu, lên kịch bản và thực hiện hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền. Để không rơi vào bẫy, người dùng không nhấp vào bất kỳ đường link hay tải phần mềm nào gửi đến. Doanh nghiệp (DN) cần nâng cao việc bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng và có hệ thống cảnh báo, phát hiện sớm lỗ hổng để bảo vệ dữ liệu.
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena, khuyến cáo người dùng không cài những phần mềm không rõ ràng vào thiết bị điện tử của mình như máy tính. Khi nhận được cuộc gọi của DN hay đơn vị nào khác, phải kiểm tra chéo thông tin, nếu nghi ngờ thì liên hệ trực tiếp để xác minh. Theo đại diện Cục Thuế TP HCM, người nộp thuế không cung cấp thông tin trên các trang thông tin điện tử không phải chính thức của cơ quan thuế. Các tổ chức, DN, hộ kinh doanh, cá nhân liên hệ trực tiếp cơ quan thuế quản lý đơn vị hoặc gọi đến số điện thoại chính thống của Cục Thuế TP HCM được niêm yết trên website để phản ánh.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân cho bất kỳ ai qua điện thoại, mạng xã hội. Lưu ý khi tiếp nhận cuộc gọi lạ tự xưng là cán bộ cơ quan nhà nước, cần thực hiện kiểm tra và xác minh danh tính đối tượng.
Mạo danh là thủ đoạn phổ biến
Trong một báo cáo được công bố mới đây, Meta đã cảnh báo 5 hình thức lừa đảo tình cảm cần cảnh giác, khiến bất kỳ ai cũng có thể bị mất tiền, trong đó thủ đoạn chung là mạo danh quân nhân, người nổi tiếng, công ty mai mối. Trước đó vài ngày, Google cũng công bố thủ đoạn mạo danh nhân viên hỗ trợ kỹ thuật từ xa là một trong 5 cách thức lừa đảo phổ biến gần đây.
Bài và ảnh: LÊ TỈNH
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/no-ro-lua-dao-mao-danh-196250222215935563.htm