Nợ xấu tiềm ẩn khi 'lá chắn' Thông tư 02 hết hiệu lực

Nợ xấu tiềm ẩn khi 'lá chắn' Thông tư 02 hết hiệu lực
13 giờ trướcBài gốc
Xử lý nợ xấu sẽ bộc lộ nhiều khó khăn trong năm 2025
“Rủi ro nợ xấu vẫn tiềm ẩn trong khi bộ đệm dự phòng của hệ thống ngân hàng còn mỏng” - Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia trong một báo cáo vừa công bố đã đưa ra nhận định này.
Năm 2024, ngành ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng vào nền kinh tế đạt 15,08% so với cuối năm 2023, tương đương với 2,1 triệu tỷ đồng. Tính đến thời điểm này, nhiều ngân hàng thương mại cũng đã công bố con số lợi nhuận đạt được của năm 2024 với mức cao, thậm chí được cho là cao nhất từ trước tới nay. Đây được xem là động lực cho các ngân hàng trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% của năm 2025.
Tuy nhiên, nhận diện khó khăn của hệ thống ngân hàng trong năm 2025, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nợ xấu tiếp tục là một rào cản cần phải hóa giải để các ngân hàng có sự phát triển bền vững, tăng trưởng tín dụng đảm bảo được theo mục tiêu đề ra. Nguyên nhân chính là bên cạnh tỉ lệ nợ xấu trong hệ thống vẫn còn khá cao thì việc Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn đã hết thời gian ra hạn vào 31/12/2024 là yếu tố khiến công tác xử lý nợ xấu sẽ gặp không ít trở ngại.
Thực tế, nợ xấu có xu hướng tăng chậm lại vào nửa cuối năm 2024. Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống tín dụng tính đến cuối tháng 10/2024 là 4,57% (con số này ở thời điểm cuối năm 2023 là 4,59%). Tuy nhiên, tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng so với nợ xấu tiếp tục giảm. Cụ thể, tính đến cuối tháng 10/2024 tỷ lệ này trong hệ thống tổ chức tín dụng là 81,4%, giảm so với mức 83,4% của cuối năm 2023 và 114,2% của cuối năm 2022.
Nợ xấu đang có xu hướng tăng, cần gỡ vướng về pháp lý. Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, tỷ lệ dự phòng cụ thể/nợ xấu trong cho vay tổ chức kinh tế và cá nhân bình quân toàn hệ thống là 67%, giảm so với 69,4% của cuối năm 2023 và 77,2% của cuối năm 2022. Điều này làm hạn chế khả năng xử lý nợ và gia tăng áp lực trích lập dự phòng, đặc biệt là ở những ngân hàng có tệp khách hàng rủi ro cao và có tỷ lệ nợ tái cơ cấu/tổng dư nợ cao.
“Xử lý nợ xấu sẽ bộc lộ nhiều khó khăn trong năm 2025, khi các ngân hàng thương mại không còn “tấm lá chắn” là Thông tư 02” - một lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần bộc bạch.
Theo đó, Thông tư 02 được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai vào tháng 5 năm 2023 như một công cụ chính sách nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn trong kinh doanh và tài chính trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Thông qua chính sách này các ngân hàng có thể hỗ trợ khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, từ đó giúp họ có thêm sự linh hoạt trong việc trả nợ và có thêm thời gian để tổ chức lại hoạt động kinh doanh và quản lý dòng tiền. Thông tư 02 cũng cho phép các ngân hàng hoãn ghi nhận chi phí tín dụng liên quan các khoản vay được cơ cấu lại đến cuối năm 2024.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, khi Thông tư 02 hết hiệu lực dự kiến phần nào gây áp lực lên nợ xấu năm 2025 khi các khách hàng chưa hoàn toàn phụ hồi (đặc biệt sau ảnh hưởng của cơn bão Yagi). Các khoản nợ có tài sản bảo đảm là các dự án năng lượng tái tạo hoặc bất động sản nếu không có các biện phát tháo gỡ sẽ gây tiềm ẩn nguy cơ không thể thu hồi vốn.
Nhận định về vấn đề này, chuyên gia phân tích của Công ty Cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam cho rằng, sau khi Thông tư 02 hết hiệu lực, các ngân hàng sẽ phải ghi nhận toàn bộ chi phí tín dụng cho các khoản nợ tái cơ cấu. Tác động lên kết quả kinh doanh vẫn có thể được kiểm soát đối với các ngân hàng lớn có quy mô nợ tái cơ cấu hạn chế. Những ngân hàng này vẫn phải đối mặt chủ yếu với các vấn đề còn tồn đọng trong lĩnh vực bất động sản, trong đó một số nhà phát triển bất động sản vẫn đang vướng mắc các vấn đề pháp lý hoặc nhu cầu thấp tại các dự án mới của họ. Đồng thời, các ngân hàng này cũng gặp khó khăn trong việc cải thiện khả năng sinh lời để đáp ứng chi phí tín dụng cao hơn. Chi phí vốn cũng cao hơn trong bối cảnh cạnh tranh giữa các ngân hàng tăng lên để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng.
Xử lý nợ xấu sẽ bộc lộ nhiều khó khăn trong năm 2025. Ảnh: Duy Minh
Hóa giải thách thức
Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, năm 2025, bên cạnh việc thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo hướng đề ra thì công tác nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế tối đa nợ xấu mới cũng sẽ được Ngân hàng Nhà nước thực hiện quyết liệt. “Chúng tôi sẽ triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” góp phần phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật và tiệm cận, đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế; đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh...” - Phó Thống đốc khẳng định.
Để đảm bảo an toàn hệ thống tín dụng trong năm 2025, đặc biệt là hạn chế nợ xấu mới cũng như hóa giải thách thức trong xử lý nợ xấu, các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho rằng, cần tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ dòng tiền vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản, tình hình nợ xấy tại các tổ chức tín dụng và các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02.
Đồng thời, đẩy nhanh lộ trình áp dụng đánh giá rủi ro theo Basell II, Basell III theo phương pháp nâng cao. Đặc biệt, cần giám sát khả năng thanh toán trái phiếu doanh nghiêp riêng lẻ trong năm 2025 cũng như tăng cường trách nhiệm cung cấp thông tin của các tổ chức phát hành, phòng ngừa rủi ro liên thông với nợ xấu khu vực ngân hàng.
Để tạo thuận lợi hơn nữa trong việc xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước đang đề xuất luật hóa một số quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 trong việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán nợ.
Thùy Linh
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/no-xau-tiem-an-khi-la-chan-thong-tu-02-het-hieu-luc-370062.html