Nơi bắt đầu hành trình tới Trường Sa

Nơi bắt đầu hành trình tới Trường Sa
3 giờ trướcBài gốc
Gạc Ma trong nhịp thở của ký ức và lặng thầm
Chuyến đi ra biển lớn sẽ bắt đầu vào ngày 14/5, nhưng những bước chân đầu tiên, thật ra đã bắt đầu từ hôm nay, từ giây phút những con người đứng lặng dưới tượng đài, dâng hương tưởng niệm 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã hy sinh trong trận Gạc Ma năm 1988. Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma không lớn, nhưng trong không gian ấy, thời gian như chùng lại. Tượng đài “Vòng tròn bất tử” nổi bật giữa nền trời xanh thẳm lấy cảm hứng từ hình ảnh 64 người lính tay nắm tay, kết thành vòng tròn bảo vệ lá cờ Tổ quốc, giữa sóng gió và họng súng, giữa cái chết cận kề và lý tưởng sống còn. Ở chính giữa vòng tròn ấy là lá cờ đỏ sao vàng, biểu tượng bất diệt của chủ quyền quốc gia.
64 bông hoa muống biển tượng trưng cho 64 chiến sĩ Gạc Ma đã hy sinh.
Nhiều người trong đoàn lần đầu đặt chân tới đây, cũng có người đã từng viếng tượng đài Gạc Ma, từng đọc không ít tài liệu, từng xem nhiều thước phim tài liệu, nhưng khi đứng giữa không gian lặng yên, bao quanh bởi gió và khối đá u tịch, họ vẫn không khỏi bồi hồi.
Không khí buổi dâng hương diễn ra trong sự trang nghiêm tuyệt đối. Những vòng hoa được đặt xuống chân tượng đài, từng nén hương thắp lên như nối dài những lời tri ân thầm lặng. Mỗi người trong đoàn, sau phút mặc niệm, đều chọn cho mình một góc nhỏ để ngẫm nghĩ, để gửi đi một lời cầu nguyện, hay chỉ để lắng nghe gió biển, thứ âm thanh như dội về từ lòng đất, lòng nước, nơi những người con đã nằm lại không tên.
Phía sau tượng đài, tường đá khắc tên 64 chiến sĩ hy sinh trong trận Gạc Ma được xếp thành một vòng cung khum khum, như vòng tay ôm lấy đất mẹ, ôm lấy hậu phương. “Chúng tôi đến đây không chỉ để tưởng niệm, mà để nhắc nhau rằng, máu đã đổ xuống biển để hôm nay chúng ta có thể đi ra đó, ngẩng cao đầu,” một thành viên trẻ trong đoàn nói khi rời khỏi khu tưởng niệm.
Phút tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.
Sau buổi lễ dâng hương tại Khu tưởng niệm Gạc Ma, đoàn tiếp tục đến chùa Linh Nguyên, một ngôi chùa nhỏ nhưng tĩnh mịch, nằm nép bên rặng phi lao, đối diện biển. Dưới cái nắng nghiêng vàng như rót mật của miền duyên hải, mái chùa cong vút hiện lên như một nét phẩy thanh thoát giữa nền trời. Tiếng chuông chùa ngân dài trong không gian, làm dịu đi cái oi nồng, nhưng cũng như gõ vào tầng sâu lắng nhất trong lòng mỗi người.
Không gian nơi đây như một chiếc cầu nối giữa hai miền tâm thức, giữa thực tại của đất liền đầy đủ và viễn cảnh biển đảo xa xôi, nơi có những người lính đang sống giữa trùng khơi chỉ với một niềm tin duy nhất vào Tổ quốc. Trong gian chính điện, dưới ánh đèn vàng ấm và hương trầm quyện khói, đoàn công tác cũng lặng đi. Nhiều ánh mắt đỏ hoe, không cần lời nói cũng đủ hiểu rằng lúc này, mỗi người đang đối thoại với chính mình, với lịch sử, với những mất mát không tên nằm dưới biển sâu.
Đoàn dâng hương tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh.
Việc thăm chùa Linh Nguyên và tham dự nghi lễ tâm linh tưởng như chỉ là một hoạt động phụ trong lịch trình, nhưng với nhiều người, đó lại là điểm mốc quan trọng, nơi tâm thế được chuyển mình rõ rệt. Bởi ra Trường Sa không phải là “đi chơi biển”. Đó là bước ra một vùng không gian và thời gian khác biệt, nơi thiếu thốn, cách trở và thử thách hiện hữu từng ngày, từng giờ. Ra Trường Sa là mang theo trách nhiệm, mang theo lời hứa với Tổ quốc và với những người đã ngã xuống để gìn giữ màu xanh chủ quyền.
Những xúc cảm lặng lẽ trong lòng người đi
Giữa những khâu chuẩn bị tất bật, điều đọng lại không phải là hình ảnh những thùng hàng được niêm phong kỹ lưỡng hay trang phục thiên thanh được xếp gọn gàng trong vali, mà là ánh mắt, là nụ cười, là cái siết tay nhẹ mà đầy nghĩa tình giữa các thành viên trong đoàn, những người mà chỉ ít giờ tới sẽ cùng nhau đối mặt với đại dương.
Bia đá ghi danh 64 chiến sĩ đã hy sinh.
Có lẽ, điều đặc biệt nhất trong hành trình chuẩn bị này không nằm ở nghi thức hay hành lý, mà chính là những xúc cảm lặng thầm đang lớn dần trong lòng mỗi người. Với nhiều người trong đoàn, đây là lần đầu tiên họ ra biển đảo. Họ chưa rõ những điều đang chờ đợi mình ngoài khơi xa là gì, là sóng cao, là gió lớn, là cơn say biển hay những đêm ngủ chập chờn trên boong tàu, nhưng ánh mắt ai cũng ánh lên một sự háo hức lạ lùng, như đang hướng tới một điều thiêng liêng đã chờ đợi từ lâu. Đối với một số người từng đi Trường Sa, lần trở lại này cũng không kém phần cảm xúc. Họ hiểu rõ hơn ai hết rằng, Trường Sa không chỉ là vùng biển, vùng đảo mà là nơi mỗi nhịp sống đều gắn liền với sự hy sinh, là nơi từng bước chân đều phải trả bằng mồ hôi, máu và lòng quả cảm.
Một Kiểm sát viên trẻ tuổi trong đoàn tâm sự: “Tôi từng học về Gạc Ma, về Trường Sa qua sách, qua những bài học lịch sử khô khan. Nhưng từ khi đặt chân đến đây, thấy gió biển thật, cát thật, tượng đài thật, tôi như bị đánh thức. Tôi nhận ra chủ quyền không phải là một khái niệm mơ hồ, mà là những sinh mệnh, những nén hương, những ánh mắt chúng tôi đang thấy hôm nay.” Hành trình chuẩn bị này cũng chính là dịp để mỗi người làm công tác kiểm sát nhìn lại sứ mệnh của mình. Nếu các chiến sĩ ngoài khơi giữ gìn từng tấc đảo bằng khẩu súng, lá cờ, thì người Kiểm sát viên gìn giữ công lý trong từng vụ án, từng bản cáo trạng, hay kiến nghị, kháng nghị để xã hội yên bình, để lòng dân yên tâm, để không một phần nào của đất nước bị lãng quên, kể cả nơi sóng gió nhất.
Cụm tượng đài "Những người nằm lại phía chân trời" với vòng tròn bất tử.
Chuyến công tác đến Trường Sa của Đoàn VKSND tối cao mang theo tinh thần thượng tôn pháp luật, đạo lý dân tộc và ý chí bảo vệ Tổ quốc bằng con đường của lẽ phải. Điều này không chỉ mang tính biểu tượng mà mỗi cuộc gặp gỡ, mỗi câu chuyện được lắng nghe, mỗi con người ngoài đảo sẽ được ghi nhớ, sẽ là cơ sở để mỗi cán bộ Kiểm sát hiểu rõ hơn về một Trường Sa đang sống, không chỉ Trường Sa trên bản đồ, mà là Trường Sa trong lòng người, Trường Sa của từng ngư dân, từng người lính, từng em nhỏ sinh ra giữa trùng khơi. Đó cũng là cách để đất liền tiếp tục nối dài mạch sống của biển đảo. Và những kiểm sát viên, những cán bộ của VKSND tối cao, trong vai trò đặc biệt của mình, chính là cầu nối giữa đất và nước, giữa luật pháp và chủ quyền, giữa công lý và hòa bình.
Trường Sa ơi, chúng tôi đang đến
Chỉ còn vài giờ trước khi lên tàu, trong đoàn có người tranh thủ viết vài dòng nhật ký, có người gọi điện về nhà, có người đứng im lặng ngoài bãi biển, nơi gió từ khơi xa thổi về từng cơn lạnh buốt, nhưng cũng đầy trong trẻo. Không ai nói nhưng trong lòng ai cũng biết ngày mai, khi bước lên con tàu rẽ sóng ra khơi, họ không chỉ mang theo balo, áo khoác và giấy tờ. Họ mang theo lời hứa của hậu phương, mang theo tình yêu với biển và mang theo lòng biết ơn với những người đã hóa thân vào sóng. Gạc Ma – chùa Linh Nguyên – Công viên Tâm linh, không phải là những điểm dừng chân trong hành trình. Mà là điểm khởi đầu cho một bước chuyển sâu trong nhận thức, trong trái tim, trong cách nhìn về biển, về đảo, về Tổ quốc. Và sáng mai, khi bình minh vừa rạng, những bước chân ấy sẽ chính thức rời bến, mang theo tiếng gọi từ lòng đất liền, vang xa đến tận đảo xanh: Trường Sa ơi, chúng tôi đang đến.
Hoàng Long
Nguồn BVPL : https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/goc-van-hoa/noi-bat-dau-hanh-trinh-toi-truong-sa-177605.html