Tổng Bí thư Tô Lâm tặng lẵng hoa chúc mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Nghĩa Trụ nhiệm kỳ 2025 - 2030. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Trong dòng chuyển động lớn ấy, Đại hội Đảng cấp xã nhiệm kỳ 2025-2030 đã và đang được tổ chức tại hàng ngàn đơn vị cơ sở, trở thành điểm khởi đầu cho một hành trình phát triển mới, không chỉ về quản trị, kinh tế, xã hội mà còn sâu sắc và lâu dài nhất: Hành trình xây dựng nền văn hóa mới từ cấp nhỏ nhất của hệ thống chính trị.
Cấp xã là nơi gần dân nhất, sát dân nhất, nơi mọi quyết sách, chủ trương, đường lối của Đảng được cụ thể hóa thành hành vi, phong tục, lối sống và không gian văn hóa thường ngày. Cũng chính tại đây, sự thay đổi trong bộ máy, trong cơ cấu tổ chức, trong chức năng, nhiệm vụ không chỉ là câu chuyện hành chính, mà là câu chuyện của lòng tin, của bản sắc, của sự gắn bó cộng đồng.
Đại hội Đảng cấp xã nhiệm kỳ này vì thế không đơn thuần là một kỳ sinh hoạt chính trị định kỳ, mà còn mang theo sứ mệnh lớn lao, khởi động một nền tảng văn hóa phát triển mới, tương xứng với hình hài hành chính đã được tinh gọn, tương hợp với kỳ vọng của nhân dân và khát vọng vươn lên của đất nước.
Có lẽ chưa khi nào, những địa danh quen thuộc của từng làng, từng xã, từng phường lại trở nên giàu chất gợi mở như hôm nay. Những cuộc sáp nhập không chỉ là sự cộng gộp địa lý mà là sự thử thách về tinh thần đoàn kết, sự hội nhập về tâm thức cộng đồng và sự tái cấu trúc các biểu tượng văn hóa. Có những cái tên làng xã đã lui vào dĩ vãng, nhưng cũng có những giá trị đang được làm mới trên nền cũ.
Trong dòng chảy ấy, vai trò của Đảng bộ cấp xã trở nên đặc biệt quan trọng. Không ai khác, chính các tổ chức cơ sở Đảng là nơi có thể nắm bắt được từng hơi thở của đời sống nhân dân, là nơi có thể kiến tạo các giải pháp “trúng” và “đúng” để giữ gìn, phát huy bản sắc trong khi vẫn mở ra những không gian sáng tạo cho phát triển văn hóa bền vững, hiện đại và nhân văn.
Một trong những biểu hiện sâu sắc nhất của sự đổi mới tư duy văn hóa từ cấp xã chính là cách các đại hội nhiệm kỳ này đưa nội dung phát triển văn hóa vào nghị quyết, không chỉ như một phần trong các chỉ tiêu, nhiệm vụ, mà như một trụ cột trong chiến lược phát triển địa phương.
Rất nhiều đảng bộ cơ sở đã đưa ra những định hướng táo bạo nhưng thiết thực: Phục hồi lễ hội truyền thống gắn với du lịch, mở rộng các thiết chế văn hóa cộng đồng theo hướng số hóa và tương tác, thúc đẩy văn hóa đọc từ trường học đến nhà dân, khai thác các làng nghề, ẩm thực, biểu tượng văn hóa địa phương thành nguồn lực kinh tế.
Có xã mạnh dạn triển khai mô hình “xã sáng - sạch - xanh - sống tử tế”, có xã chọn “đưa văn hóa vào quy hoạch” như một tiêu chí ưu tiên trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Những sáng kiến ấy, dù lớn hay nhỏ, đều cho thấy một điều: Văn hóa không còn bị đặt sau các lĩnh vực khác mà đang dần trở thành điểm khởi phát của mọi chính sách phát triển.
Chúng ta từng nhiều lần khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển”, nhưng để biến tinh thần ấy thành hiện thực sống động thì không nơi nào phù hợp hơn cấp xã. Bởi văn hóa không phải là những điều vĩ mô, mà là cách một cán bộ tiếp dân, cách một người trẻ tham gia sinh hoạt chi đoàn, cách một cụ già gìn giữ tập tục, cách một lớp học trồng cây quanh trường.
Từng hành vi, từng thói quen ấy chính là nơi văn hóa tồn tại và lan tỏa. Vì vậy, tổ chức lại bộ máy không thể là sự “cắt - gộp - chia” đơn thuần, mà phải là sự kiến tạo lại môi trường để văn hóa phát triển mạnh mẽ từ nền tảng vi mô - tức là từ từng xã, từng phường, từng khu dân cư.
Đại hội Đảng cấp xã lần này còn gắn liền với một đòi hỏi rất mới: Phát huy quyền lực chính trị đi đôi với trách nhiệm văn hóa. Khi chính quyền cấp xã được trao quyền nhiều hơn, tự chủ về một số lĩnh vực, phân cấp trong tổ chức và quyết định đầu tư, thì đi kèm với đó phải là một năng lực quản trị văn hóa tương xứng.
Không thể có phát triển nếu cán bộ cơ sở thiếu tầm nhìn văn hóa. Không thể có cộng đồng vững mạnh nếu thiếu sự lan tỏa các giá trị văn minh, nhân ái, sáng tạo từ trong hệ thống chính trị. Và cũng không thể có “dân làm gốc” nếu Đảng không dẫn đường bằng các giá trị văn hóa. Chính vì vậy, những Đại hội Đảng xã, phường nhiệm kỳ này đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở không chỉ “chuyên nghiệp - liêm chính - phụng sự” mà còn phải “có văn hóa - hiểu cộng đồng - truyền cảm hứng”.
Trong thời đại số, cấp xã không còn là “miền xa” của hệ thống chính trị mà trở thành điểm đầu tiên kết nối người dân với nhà nước qua công nghệ, qua dịch vụ công, qua các nền tảng trực tuyến. Nhưng hơn cả, đó cũng là nơi những giá trị truyền thống có thể được số hóa để sống mãi cùng hiện đại.
Những lễ hội có thể được livestream, những câu chuyện cổ có thể trở thành podcast, những biểu tượng làng xã có thể thành tài sản số gắn với du lịch thông minh. Khi cấp xã trở thành “trạm phát sóng” đầu tiên của văn hóa bản địa trong thế giới phẳng, thì đại hội đảng cấp xã hôm nay phải có tầm nhìn không chỉ đến 5 năm mà xa hơn nữa, cho cả một thế hệ chuyển hóa văn hóa trong không gian số…
Không phải ngẫu nhiên mà Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài phát biểu tại Đại hội Đảng bộ xã Nghĩa Trụ, Văn Giang (Hưng Yên) ngày 1.7 vừa qua, đã nhấn mạnh: “Xã là không gian phát triển mới”. Câu nói ấy không chỉ mang tính định hướng về mặt tổ chức bộ máy, mà còn gửi gắm một niềm tin lớn: Chính ở nơi nhỏ nhất, gần dân nhất, nếu biết phát huy nội lực văn hóa, chúng ta có thể tạo nên những đột phá phát triển lớn nhất, bền vững nhất.
Từ cái nhìn ấy, mỗi đại hội đảng cấp xã hôm nay không chỉ là dịp để tổng kết, bầu nhân sự hay đề ra chỉ tiêu phát triển, mà còn là thời điểm khởi động một chương mới cho văn hóa địa phương. Một chương mới mà ở đó, cấp xã không còn là “mắt xích cuối cùng” mà là “nút khởi đầu”; văn hóa không chỉ là một mục trong nghị quyết mà là tinh thần thấm đẫm trong mọi hành động lãnh đạo, quản lý, phát triển; cán bộ không chỉ làm đúng, làm đủ mà phải làm hay, làm sáng tạo, làm có chiều sâu văn hóa.
Chính trong những buổi đại hội tưởng như nhỏ bé ấy, trong những gian phòng họp của một xã miền núi, trong hội trường của một phường ven đô, trong ngôi trường được mượn làm nơi tổ chức đại hội của một xã nông thôn mới, chúng ta thấy được một Việt Nam đang từng bước chuyển mình: Thầm lặng nhưng mạnh mẽ, bền bỉ nhưng quyết liệt, giàu truyền thống nhưng cũng đầy tinh thần đổi mới.
Một Việt Nam bắt đầu hành trình kiến tạo nền văn hóa phát triển từ nơi gần dân nhất, thiết thực nhất, nơi những đại hội Đảng cấp xã đang thắp sáng ngọn lửa đổi thay bằng chính sự đồng lòng của cộng đồng, trí tuệ của cán bộ và khát vọng của toàn dân.
PGS.TS BÙI HOÀI SƠN