Nổi bật tuần qua: Khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; Đồng chí Lương Cường được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Nổi bật tuần qua: Khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; Đồng chí Lương Cường được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
4 giờ trướcBài gốc
Khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Trong tuần, ngày 21/10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Kỳ họp dự kiến diễn ra trong 29,5 ngày, đợt 1 từ ngày 21/10 đến hết ngày 13/11, đợt 2 từ ngày 20/11 đến sáng 30/11, tập trung cho công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề kinh tế xã hội và một số vấn đề quan trọng khác. Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 15 luật, 3 nghị quyết quy phạm pháp luật; cho ý kiến 13 dự án Luật; đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025; xem xét các báo cáo về công tác tư pháp, phòng chống tham nhũng, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân…
Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN
Quốc hội cũng xem xét công tác nhân sự thuộc thẩm quyền; xem xét, quyết định thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương; xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam; xem xét, quyết định chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Phát biểu tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, đây là kỳ họp có khối lượng công việc lớn nhất kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay và cũng là kỳ họp đầu tiên có trách nhiệm thể chế hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 10 khóa XIII, khẩn trương đưa chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống, giải quyết nhiều vấn đề quan trọng khác của đất nước, tạo tiền đề, chuẩn bị ngay về mọi mặt đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Cử tri cả nước đang mong chờ và kỳ vọng vào những quyết sách của Đảng, Nhà nước và Quốc hội, Tổng Bí thư, để xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Quốc hội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; tập trung chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; đồng thời, Quốc hội thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; các đại biểu Quốc hội phải thực hiện “đúng vai, thuộc bài”, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và quan hệ giữa các cơ quan, nhất là các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, bảo đảm chặt chẽ, hài hòa trong quy trình quản trị quốc gia…
Tiếp đó, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025. Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tình hình kinh tế xã hội 9 tháng năm 2024, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. Ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, chỉ tiêu GDP bình quân đầu người sẽ đạt nếu GDP tăng trưởng trên 7%, chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt…; đồng thời, đưa ra 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2025, trong đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, phát triển mạnh thị trường vốn, kiểm soát cung cầu hàng hóa, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2025 cao hơn ít nhất khoảng 5% so với năm 2024.
Đồng chí Lương Cường được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8 trong tuần, chiều 21/10, Quốc hội khóa XV đã bầu đồng chí Lương Cường làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 – 2026. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trình bày Dự thảo Nghị quyết bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 – 2026. Dự thảo Nghị quyết nêu rõ, căn cứ Hiến pháp, các quy định của pháp luật, biên bản kiểm phiếu, Quốc hội quyết nghị: Đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, đại biểu Quốc hội khóa XV giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Lương Cường phát biểu nhậm chức. Ảnh: TTXVN
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng hệ thống điện tử. Kết quả biểu quyết đã có 440/440 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 91,67% tổng số đại biểu Quốc hội. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với đồng chí Lương Cường. Sau khi được bầu, tân Chủ tịch nước đã tuyên thệ nhậm chức theo quy định.
Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Sau Lễ tuyên thệ, Chủ tịch nước Lương Cường có bài phát biểu trước Quốc hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị BRICS mở rộng
Trong tuần, từ ngày 23 -24/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) mở rộng theo lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Nhóm BRICS năm 2024.
Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Nhóm BRICS năm 2024 đón Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Đây là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ Việt Nam dự Hội nghị BRICS, cũng là chuyến công tác đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính trên cương vị mới tới Liên bang Nga. Trong chuyến công tác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại Phiên họp toàn thể của Hội nghị BRICS mở rộng và các Phiên họp trong khuôn khổ Hội nghị BRICS mở rộng; tiếp xúc song phương với lãnh đạo nước chủ nhà Nga và Lãnh đạo cấp cao các nước/tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị; gặp gỡ đại diện Cộng đồng người Việt Nam tại Nga; tiếp một số doanh nghiệp Nga nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam – Liên bang Nga. Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Nga dự Hội nghị BRICS mở rộng diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Liên bang Nga tiếp tục phát triển tốt đẹp. Năm nay, hai nước kỷ niệm 30 năm ngày ký Hiệp ước về các nguyên tắc cơ bản về quan hệ hữu nghị; sang năm 2025 hai nước kỷ niệm 75 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Liên bang Nga.
Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị BRICS mở rộng truyền tải hình ảnh về một Việt Nam hòa bình, hợp tác, phát triển, năng động, đổi mới; thể hiện vai trò và đóng góp trách nhiệm của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, nhằm góp phần giải quyết các thách thức toàn cầu, thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm, nâng cao vai trò và tiếng nói của các nước đang phát triển trên trường quốc tế; đồng thời tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Liên bang Nga và các nước.
Tập trung ứng phó bão số 6 Trà Mi vào biển Đông
Ngày 24/10, bão Trà Mi đi vào Biển Đông cường độ cấp 9, giật 11, dự kiến đạt cường độ cấp 12, giật 15 khi ở phía đông đảo Hoàng Sa ngày 26/10. Dự báo, khi đến vùng biển ngoài khơi Trung Bộ, bão tương tác với không khí lạnh, di chuyển chậm lại, có khả năng giảm cấp và đổi hướng. Đến ngày 27/10, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 15 km/giờ trên vùng biển phía Tây Bắc đảo Hoàng Sa, cường độ bão mạnh cấp 11, giật cấp 13, khu vực chịu ảnh hưởng là khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực đảo Hoàng Sa).
Tàu thuyền tỉnh Quảng Bình neo đậu an toàn tại bến. Ảnh: TTXVN
Để ứng phó, UBND TP Đà Nẵng đề nghị, các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai lực lượng, phương tiện ứng trực tại trọng điểm về thiên tai, bảo đảm an toàn tính mạng nhân dân trên hết; bám sát nội dung công điện của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo và phương án phòng, chống, khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai năm 2024 của UBND thành phố, chủ động triển khai ứng phó bão số 6; giao Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố phối hợp các đơn vị triển khai phương tiện, lực lượng ứng trực tại điểm có nguy cơ bị ngập lụt sâu, sạt lở, lũ quét... Công an thành phố tập trung công tác phòng cháy, chữa cháy tại các khu chung cư và Âu thuyền Thọ Quang. Các địa phương, đơn vị thông tin số điện thoại cố định và di động để nhân dân liên lạc, đề nghị được hỗ trợ trong thiên tai…
Còn theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế, địa phương đã vận động gần 2.000 tàu cá của địa phương vào bờ trú ẩn an toàn ứng phó bão số 6. Trước diễn biến và hướng di chuyển của bão số 6, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa đã rà soát kịch bản, phương án ứng phó thiên tai, phương án di dời người dân tại nơi nguy hiểm; đảm bảo lương thực, bố trí lực lượng, phương tiện cứu nạn khi có yêu cầu.
Việt Nam đang đối mặt với mô hình bệnh tật kép
Trong tuần qua, tại Hội nghị khoa học năm 2024 với chủ đề "Nghiên cứu và ứng dụng trong y học" do Bộ Y tế tổ chức tổ chức, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, Việt Nam đang phải đối mặt với mô hình bệnh tật kép, bên cạnh phải ứng phó với bệnh truyền nhiễm, mới nổi tăng, các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, tiểu đường, COPD, rối loạn sức khỏe tâm thần... cũng ngày càng gia tăng.
Người cao tuổi đi khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế. Ảnh: TTXVN
Theo các báo cáo mới nhất, tỷ lệ tử vong do bệnh không lây nhiễm gây ra chiếm 84% tổng số ca tử vong tại Việt Nam. Đây là thực tế đáng lo ngại, cho thấy gánh nặng mà các bệnh mãn tính này đang gây ra đối với hệ thống y tế và xã hội. Các bệnh không lây nhiễm cũng là những thách thức không chỉ ở Việt Nam, mà trên toàn cầu. Trên phương diện y tế công cộng, các bệnh này đang gia tăng cả về số lượng ca mắc cũng như mức độ nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng. Tình trạng ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu và lối sống hiện đại đã làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), hen phế quản, viêm phổi do virus, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp…
Để đối phó với những thách thức trên, Bộ Y tế đã xây dựng và đang triển khai các chiến lược, kế hoạch, hướng tới mục tiêu nâng cao sức khỏe toàn dân, trong đó ưu tiên hàng đầu là tiếp tục hoàn thiện thể chế; đồng thời, kiện toàn hệ thống y học dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu, cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có việc thành lập CDC Trung ương; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó chú trọng đào tạo về nghiên cứu khoa học, phương pháp nghiên cứu lâm sàng, và ứng dụng công nghệ mới...
Nhóm PV/Báo Tin tức
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/thoi-su/noi-bat-tuan-qua-khai-mac-ky-hop-thu-8-quoc-hoi-khoa-xv-dong-chi-luong-cuong-duoc-bau-lam-chu-tich-nuoc-cong-hoa-xa-hoi-chu-nghia-viet-nam-20241025212936772.htm